Chất lượng cán bộ thấp và "luật bất thành văn"… khiến doanh nghiệp chịu trận

03/07/2017 06:09
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Khoảng 66% doanh nghiệp thường xuyên chi trả hơn 10% tổng doanh thu cho các khoản không chính thức, coi đó là “luật bất thành văn”, nhằm tạo lập mối quan hệ

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, nêu ra thực trạng kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và những giải pháp quan trọng thay đổi thực trạng này.

Năm 2016 là năm Việt Nam có nhiều tai ương thời tiết và môi trường dồn dập giáng xuống người nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, nhưng ngành nông nghiệp cả nước vẫn xuất khẩu hơn 32 tỷ USD, xuất siêu 7,5 tỷ USD.

Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam có sự cải thiện vươt bậc trong xếp hạng môi trường cạnh tranh trên thế giới. Đây cũng là năm thu hút trên 17 tỷ USD đầu tư FDI và có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và hiện đã có tới 90% số doanh nghiệp này đi vào hoạt động, khai và nộp thuế.

Cùng với  thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đổi mới, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối diện với không ít thách thức và áp lực mới cho phát triển bền vững của đất nước.

Bối cảnh cơ hội thị trường và kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và người dân đã, đang và sẽ còn bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi sự phục hồi kinh tế thế giới chậm hơn mọi dự báo và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; bởi tình trạng úng lụt, khô hạn, xâm nhập mặn; rét đậm, rét hại, cũng như việc cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và biển nghiêm trọng ở khắp các vùng, miền cả nước.

Thách thức cũng gia tăng về yêu cầu đẩy nhanh đổi mới toàn diện, nhất là mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại cả hai luồng thu-chi ngân sách nhà nước, giảm bớt bội chi ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công, cùng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại.

Đẩy nhanh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và đáp ứng các cam kết yêu cầu và lộ trình hội nhập quốc tế.

Báo cáo CPI-2016 của VCCI công bố tháng 3/2017 cho thấy có tình trạng nặng nề hơn về các chi phí không chính thức ở khu vực doanh nghiệp trong nước.

Hơn nữa, số doanh nghiệp tự nguyện đưa “chi phí bôi trơn” lớn hơn hẳn so doanh nghiệp bị đòi hỏi phải chi bôi trơn.

Khoảng 66% doanh nghiệp thường xuyên chi trả hơn 10% tổng doanh thu cho các khoản không chính thức và coi đó là “luật bất thành văn”, nhằm tạo lập mối quan hệ, “bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận và không bao giờ chi "phí bôi trơn" khi không bị đòi hỏi, hay không mưu cầu vì lợi ích của mình.

Khi xu hướng coi việc đưa (bị động bắt buộc hoặc chủ động không bắt buộc) và liên tục gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn thủ tục” được “mặc định” như một phần tất yếu của cuộc sống doanh nghiệp và các quan hệ xã hội, thì điều đó đồng nghĩa với độ “ô nhiễm môi trường” đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đáng lo ngại.

Tăng chi phí bôi trơn không chỉ làm tăng gánh nặng chi phí và thể chế của doanh nghiệp, gây thiệt hại chung cho xã hội, mà còn trở thành thước đo mức độ nghiêm trọng của tham nhũng, cũng như là bằng chứng cho thấy sự bất lực, kém năng lực, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước nói chung, công cuộc chống tham nhũng nói riêng.

Chi phí không chính thức chỉ được cắt giảm thực chất khi các cơ quan và người quản lý thực tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và phải chịu trách nhiệm trả giá đắt hơn cho những chi phí mà họ nhận được từ doanh nghiệp một cách không chính thức để “bôi trơn”…!

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá chi phí bôi trơn đang làm ô nhiễm môi trường đầu tư. ảnh: Ngọc Quang.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá chi phí bôi trơn đang làm ô nhiễm môi trường đầu tư. ảnh: Ngọc Quang.

Những thách thức trên có căn nguyên sâu xa từ nhận thức còn giản đơn, thiếu cụ thể và thống nhất, sự chậm trễ đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong huy động, phân bổ sử dụng và giám sát có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường; sự lúng túng trong việc phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự trì trệ trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng.

Sự hạn chế về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân…

Đặc biệt, thách thức còn gia tăng cả do nhận thức, thói quen buông lỏng, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật; công tác cán bộ đang bộc lộ những kẽ hở trong quy trình và lạm dụng trong thực tế triển khai, khiến chất lượng nhiều cán bộ được bổ nhiệm còn thấp, gây bất bình nội bộ và bức xúc xã hội đang có xu hướng lan rộng trong cả nước…

Chất lượng cán bộ thấp và "luật bất thành văn"… khiến doanh nghiệp chịu trận  ảnh 2

"Kiên quyết xử lý các vi phạm, nhóm lợi ích, sân sau, trục lợi cá nhân..."

Bởi vậy, công luận đòi hỏi nhận diện và sớm có giải pháp đồng bộ, quyết liệt xử lý cụ thể các thách thức trên, nhất là những thách thức liên quan đến yếu tố chủ quan về nhận thức, năng lực và lòng tham của con người gây ra.

Trong đó, cần định vị rõ những tiêu chí, quy trình và trách nhiệm cá nhân, các chế tài cho các hành vi sai phạm, chống lợi ích nhóm, cũng như sự nhũng nhiễu, tham nhũng và vô cảm, vô trách nhiệm trong quản lý nhà nước và trong tác nghiệp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, như tích và xả nước của nhà máy thủy điện.

Đặc biệt, cần sớm có đột phá thực sự về chất, tăng cường dân chủ hóa và minh bạch, khoa học hơn nữa về quy trình và tiêu chí trong cơ chế bổ nhiệm và thanh lọc cán bộ; tập trung ưu tiên chống tình trạng tha hóa, suy thoái và tự diễn biến, tham nhũng ngay trong công tác cán bộ, làm phát sinh hậu họa dai dẳng và đắt đỏ nguy hại cho đất nước cả về kinh tế, chính trị và đạo đức cộng đồng.

Cần mạnh tay trừng phạt và công khai các thông tin liên quan đến các hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ và quản lý tài sản công, đi đôi với đè cao sự giám sát và tôn trọng ý kiến người dân trong một nhà nước pháp quyền-kiến tạo-liêm chính và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân…

Chính phủ liên tục yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. ảnh: TTXVN.
Chính phủ liên tục yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. ảnh: TTXVN.

Chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ" doanh nghiệp

Cuộc cải cách đang đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy một lần nữa, khơi nguồn cho những đổi mới trong phát triển trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần.

Chất lượng cán bộ thấp và "luật bất thành văn"… khiến doanh nghiệp chịu trận  ảnh 4

Ông Bùi Kiến Thành: "Phải nghiêm trị những biểu hiện lợi ích cá nhân, cục bộ"

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…

Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự tự do hoá ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia.

Đặt khu vực kinh tế Nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường.

Xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang “hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn... chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.

Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin doanh nghiệp, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản… được nối mạng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý Nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và các vi phạm bản quyền, an ninh, trật tự an toàn văn minh thương mại  và thị trường khác.

Tăng cường phân cấp quản lý kinh tế - xã hội  cho các cấp chính quyền địa phương theo phương châm: Việc nào mà cấp nào, đơn vị nào làm nhanh, hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó, đơn vị đó đảm nhận.

Thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thống nhất, đơn giản hoá và hiện đại hoá các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế nhà nước tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế.

Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra;

Khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển kinh tế tư nhân.

Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực kinh tế tư nhân trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong