Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội phải trả nợ từ 2017

04/07/2017 06:09
Diệu Linh
(GDVN) - Tổng vay của dự án ước tính hơn 15.821 tỷ đồng, bắt đầu trả nợ khoản vay lại từ 2017 và kết thúc trả nợ vay lại vào năm 2055.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung đã báo cáo Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố về phương án sử dụng và trả nợ vốn vay lại nguồn vốn ODA của dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Tổng nguồn vốn vay ODA cảu dự án theo phương án do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội lập là 957,256 triệu Euro (gồm giá trị vay bằng đồng Euro là 655 triệu Euro, giá trị vay bằng đồng USD là 402 triệu USD, tương đương 302,256 triệu Euro). Quy đổi tương đương tiền Việt Nam là 24.589 tỷ đồng.

Trong đó, vốn cấp phát là 469,524 triệu Euro (249,223 triệu Euro và 293 triệu USD), quy đổi tương đương tiền Việt Nam là hơn 12.523 tỷ đồng.

Vốn vay lại là 487,723 triệu Euro (gồm 405,777 triệu Euro và 209 triệu USD), quy đổi tương đương tiền Việt Nam là 12.066 tỷ đồng.

Giá trị nguồn vay ODA đảm bảo nằm trong hạn mức vốn vay ODA của dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2186/QĐ-TTg ngày 5/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội cũng liên tục chậm tiến độ, gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. ảnh: TTXVN.
Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội cũng liên tục chậm tiến độ, gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. ảnh: TTXVN.

Về tình hình thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết, đến nay đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, hiện còn gói thầu số 9 – hệ thống thẻ vé đang chuẩn bị triển khai (chưa đấu thầu).

Đến nay dự án đã thực hiện được khoảng 30% khối lượng, tiến độ thực hiện dự án đang có những chuyển biến tích cực.

Chủ đầu tư đã chủ động thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, các gói thầu xây lắp đã từng bước rút ngắn thời gian bị chậm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2021.

Đường sắt Nhổn-ga Hà Nội phải trả nợ từ 2017 ảnh 2

Tiếc quá, chuyên gia cũng không được dự thi với Hà Nội!

Việc phân bổ vốn cho các năm căn cứ vào tình hình triển khai các gói thầu, công việc của dự án hiện nay.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng cho biết, dự án vay vốn của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp, AFD, EIB và ADB (bao gồm cả khoản vay từ Quỹ công nghệ sạch – CTF), trong đó giá trị vốn vay của các nhà tài trợ là:

Vay Chính phủ Pháp 335 triệu Euro, trong đó khoản vốn theo cơ chế vay lại là 268,777 triệu Euro.

Vay AFD 179 triệu Euro, trong đó khoản vốn theo cơ chế vay lại là 69 triệu Euro.

Vay EIB 141 triệu Euro, trong đó khoản vốn theo cơ chế vay lại là 68 triệu Euro.

Vay ADB 402 triệu USD tương đương 302,256 triệu Euro, trong đó khoản vốn theo cơ chế vay lại là 109 triệu USD tương đương 81,965 triệu Euro (tính theo tỷ giá 1Euro = 1,33 USD tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh danh mục tài trợ dự án tại Quyết định số 2186/QĐ-TTg ngày 5/12/2014).

Như vậy, tổng vay nợ của dự án ước tính là 561,32 triệu Euro và 112,31 triệu USD; tương đương hơn 15.821 tỷ đồng (theo giá trị quy đổi tại thời điểm lập kế hoạch trả nợ).

Thời điểm bắt đầu trả nợ khoản vay lại là năm 2017, thời điểm trả khoản nợ vay lại cuối cùng là 2055; trong đó giá trị nợ vay phải trả trong giai đoạn 2017-2020 ước tính hơn 822 tỷ đồng.

Hiện nay Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội chưa ký hợp đồng vay lại nguồn vốn ODA đối với dự án. Thỏa thuận vay lại nguồn vốn EIB dự kiến ký trong tháng 6/2017 sẽ là hợp đồng vay lại đầu tiên ký giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Phương án tính toán kế hoạch trả nợ vốn vay lại của dự án tuân thủ theo các điều kiện vay (lãi suất, phí, thời gian ân hạn, thời gian trả nợ, khoản trả nợ hàng năm) tại các hiệp định vay đã ký với các nhà tài trợ, trong đó bắt đầu từ năm 2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ phải trả nợ khoản vay lại đầu tiên giá trị khoảng 6,69 triệu Euro (tương đương 159,36 tỷ đồng). Thời điểm trả nợ khoản vay lại cuối cùng là năm 2055.

Diệu Linh