LTS: Từ câu chuyện của chính gia đình mình, tác giả Phan Tuyết một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết về vấn đề ứng xử của các vị phụ huynh khi con em mình thi trượt đại học.
Đồng thời, tác giả bày tỏ mong muốn các bậc phụ huynh đừng tạo thêm bất kì áp lực, hay mắng chửi các con. Hãy thông cảm và trân trọng các bạn trẻ, đừng để chuyện buồn xảy ra khi đã quá muộn!
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, có năm đã xảy ra việc học sinh tự tử vì thi trượt. Một số em khác lại rơi vào tình trạng sốc tâm lý hoặc trầm cảm.
Các em thất vọng về chính bản thân nhưng không nhận được sự cảm thông, sẻ chia từ gia đình. Hàng ngày, nhìn bố mẹ ủ rũ, buồn bã, cùng những lời chửi rủa, đay nghiến đã khiến nhiều em rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đến cùng cực.
Trong giây phút nông nổi, không kiểm soát được hành vi của mình, đã có em tìm tới cái chết như một sự giải thoát cho chính bản thân, cho gia đình và cho cả xã hội.
Bởi vậy, trước tình hình đó, các bậc phụ huynh nên có cách ứng xử như thế nào để giúp các em đứng dậy bước tiếp trên con đường học tập và xây dựng tương lai là một việc chẳng mấy dễ dàng.
Hình ảnh minh họa cho tâm lý căng thẳng, mệt mỏi trong thi cử (Ảnh: news.zing.vn) |
Đừng gây áp lực cho con
Sau kỳ thi đại học năm ngoái, con trai một người bạn của tôi đã phát bệnh tâm thần vì quá áp lực trong việc học hành, thi cử. Mẹ cháu đi đến đâu cũng thường đưa con “lên tận mây xanh” với biết bao thành tích từ thuở bé thơ tới lúc trưởng thành.
Đã vậy, bố mẹ luôn răn đe: “liệu mà học, đừng làm mất mặt bố mẹ”. Khi đưa ra mong muốn được dự thi cao đẳng, mẹ cháu đã gạt đi và nói: “Con muốn bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ hay sao mà muốn học cao đẳng? Con không nghe lời, mẹ chỉ biết giấu mặt đi đâu mà sống”.
Con thi trượt, cha mẹ ứng xử thế nào cho đúng? |
Thấy bố mẹ đặt nhiều kì vọng nên cháu càng gắng sức lao vào học hành. Ngày thi xong đại học cũng là ngày cháu nhập viện tâm thần do quá lao lực, đầu óc căng thẳng trong một thời gian dài.
Và còn nhiều, rất nhiều những cái chết thương tâm khi các em bị trượt trong thi cử. Như trường hợp em Thúy V, ngụ tại Bình Thuận đăng ký thi vào Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sau khi dự tính chỉ được khoảng 19 điểm. Lo lắng không đủ điểm để đỗ vào đại học, sợ bố mẹ thất vọng, mắng chửi khiến em trở nên bi quan, ít nói và mặc cảm với bạn bè.
Suốt ngày V chỉ nằm lì trong phòng. Ngày nhận giấy báo điểm, biết tin con trượt đại học, bố mẹ V suốt ngày chì chiết “con người ta ăn gì mà thi điểm cao như thế, con mình ăn cho tốn cơm tốn của mà còn vô tích sự, không đỗ đại học thì chỉ có ở nhà mà cuốc đất”…
Trong lúc quẫn trí, V đã uống hết chai thuốc sâu để sau nhà. Khi bố mẹ phát hiện liền vội vã đưa em đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Trường hợp một em học sinh chuyên toán ở Quãng Ngãi, sau kỳ thi đại học em do làm bài không tốt nên đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng liều thuốc diệt cỏ.
Bố mẹ phải là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con
Khi làm bài không được như ý muốn, các con thường thất vọng về bản thân, lo sợ làm bố mẹ buồn nên tâm lý của chúng rất dễ suy sụp. Cũng có con thi đại học nên tôi hiểu được điều này, do vậy, tôi đã luôn ở bên để giúp chúng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Con tôi không thông minh nhưng được cái cần cù, chịu khó. Nhiều đêm thấy con học miệt mài đến một hai giờ sáng mà không chịu đi ngủ, nhắc nhở thì nó thường bảo: “Con không thông minh được như người khác nên lấy sự cần cù để bù mẹ ạ. Con phải cố học để bố mẹ không bị mang tiếng là có con học dốt”.
Cháu 9 năm liền là học sinh giỏi, khi lên cấp 3 chỉ còn đạt học sinh tiên tiến. Thấy con hay lo nghĩ, dù luôn động viên con cố gắng học hành nhưng không bao giờ tôi tạo áp lực lên con. Ngày làm hồ sơ thi đại học, tôi chỉ luôn nói: “Con thích ngành gì thì làm đơn thi vào đó, bố mẹ không ép buộc và để con tự do quyết định cho hợp với khả năng”.
Đừng bắt con học để thỏa mãn niềm vui và sỹ diện của cha mẹ |
Ngày đi thi, do gặp phải một vài sự cố ngoài ý muốn nên kết quả bài làm của cháu không tốt mong đợi. Chờ con ngoài cổng trường thấy sắc mặt của nó, tôi biết con đang rất buồn. Suốt hai ngày thi, tôi không đề cập đến chuyện học hành thi cử, chỉ lo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho con.
Những ngày đợi kết quả thật căng thẳng, khi biết tin chỉ thiếu 0.5 điểm là đỗ nguyện vọng một, con tôi suy sụp hoàn toàn. Dù trong lòng rất buồn nhưng tôi vẫn luôn tỏ ra bình thản để chia sẻ và động viên cùng con.
Nhiều lúc nó nói: “Con là đứa bất hiếu làm cho bố mẹ phải xấu hổ. Sao con ngu thế không biết”. Suốt ngày nó nằm lì trong phòng và dằn vặt bản thân, không nói chuyện, không tiếp xúc với ai kể cả những người thân trong nhà. Nó sợ nhất cảm giác khi ra đường bị người ta hỏi đi thi được bao nhiêu điểm, học trường nào?”.
Tôi lo sợ con bị trầm cảm nên thường xuyên vào phòng, trò chuyện an ủi: “trong thi cử chuyện học tài thi phận là bình thường. Con không đỗ nguyện vọng 1 nhưng vẫn còn nhiều cơ hội đỗ nguyện vọng 2. Có thể ngành đó không chọn con nhưng còn rất nhiều ngành khác phù hợp…”. Sau một thời gian, tâm trạng của con cũng đã được cải thiện.
Tôi nghĩ trong chuyện này, người buồn nhất chính là các con nên các bậc phụ huynh đừng tạo thêm bất kì áp lực, hay mắng chửi khi chúng không may thi trượt. Hãy thông cảm và trân trọng chúng, đừng để mọi buồn xảy ra khi đã quá muộn!