Chuyện cảm động về hai chị em hiếu học, mồ côi cha

09/07/2017 07:29
An Nguyên
(GDVN) - Thương hai chị em nghèo khó nhưng học giỏi, chăm ngoan, các thầy cô giáo đã nhận dạy kèm miễn phí, cho “mượn” xe máy để đi học xa.

Nhìn vào bảng thành tích học tập của hai chị em Phan Thị Ngọc Hân (sinh viên năm 4 ngành kỹ thuật môi trường – Đại học Bách khoa Đà Nẵng)

và Phan Ngọc Qúy (lớp 9/2 trường trung học cơ sở Huỳnh Bá Chánh, quận Ngũ Hành Sơn) khiến nhiều người phải thán phục, ngưỡng mộ bởi sự vượt khó, vượt khổ.

Nhưng ít ai biết rằng, em Qúy suýt lỡ bước vào trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn vì hoàn cảnh khó khăn, không có phương tiện đi học.

Suýt lỡ bước vào trường chuyên vì nghèo khó

Trong căn phòng nhỏ B3L9 của dãy nhà liền kề dành cho người nghèo ở đường Đông Trà 7 (tổ 68, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nóng ran như “nồi hơi” giữa mùa hè.

Qúy có niềm đam mê và khả năng đặc biệt môn tin học. Ảnh: AN
Qúy có niềm đam mê và khả năng đặc biệt môn tin học. Ảnh: AN

Chị Võ Thị Ngọc Thương (49 tuổi) chia sẻ, cuộc sống gia đình từ ngày trẻ đã gặp nhiều khó khăn, chật vật. Hai vợ chồng phải bươn trải đủ nghề để mưu sinh.

Khi đứa con thứ hai chưa được tròn 2 tuổi thì chồng chị ra đi vì căn bệnh tim quái ác, ba mẹ con phải dắt dìu nhau cho qua cơn túng quẫn.

“Hồi đó, ba mẹ con cứ hết thuê nhà chỗ này rồi chuyển đến chỗ kia. Năm 2009, thành phố xét thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cho thuê nhà liền kề dành cho người nghèo. Từ đó ba mẹ con mới có chỗ ăn ở ổn định” chị Thương chia sẻ.

Chuyện cảm động về hai chị em hiếu học, mồ côi cha ảnh 2

Hơn 30 năm, cô giáo vẫn say đắm nghề nuôi dạy trẻ

(GDVN) - Từ khi học cấp 2 tại mảnh đất Cà Mau, cô Hoa đã nuôi ước mơ được làm giáo viên mầm non – cái nghề vốn được cho là rất cực rất khổ.

Mang trong mình căn bệnh mạch vành, thường xuyên đau ốm nhưng chị Thương vẫn ngày ngày đẩy xe bán xôi trước cổng trường Lê Văn Hiến để gom góp từng đồng nuôi hai con ăn học.

Thương mẹ nhọc nhằn, hai chị em Qúy nỗ lực học tập. Trong suốt những năm học phổ thông, hai em đều đạt học sinh giỏi, nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của quận và thành phố.

Chia sẻ về khả năng của cậu em trai, Hân nói: “Qúy học giỏi đều các môn nhưng riêng môn Tin học thì em lại có niềm đam mê và khả năng đặc biệt”.

Để minh chứng cho lời của mình, Hân cầm những xấp bằng khen, giấy khen của Qúy đạt được trong các kỳ thi cấp quận, thành phố suốt những năm qua.

Giải nhất kỳ thi giải Vật Lý qua mạng internet cấp quận, giải nhì môn tin học toàn thành phố, giải nhì môn cờ vua… là những tấm bằng khen mà Qúy dành tặng cho người mẹ tảo tần sớm hôm của mình.

Trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2017-2018, Qúy đã thi đỗ vào trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn (ngôi trường chất lượng cao ở Đà Nẵng) với số điểm hơn 41,5 điểm.

“Khi biết cháu đậu vào trường chuyên. Tôi chưa hết mừng thì lại thêm lo lắng vì quãng đường từ nhà đến trường rất xa, gần 10km. Cháu lại ốm yếu, không thể đạp xe đi xa nên tôi định cho cháu về học trường gần nhà” chị Thương lo lắng.

Dù ước mơ được vào học trường chuyên Lê Qúy Đôn luôn cháy bỏng nhưng Qúy cũng đành ngậm ngùi gác lại, vì không muốn mẹ thêm gánh nặng.

“Khi nhận được tin báo đậu vào trường, em mừng lắm. Nhưng chị thì đi học xa, giờ em lại đi xa nữa thì không ai chăm mẹ. Nên em cũng xem như thi để thử sức, còn quay về trường gần nhà học” Qúy tâm sự.

Câu chuyện buồn của cậu học trò nghèo được các thầy cô chia sẻ, Hội khuyến học thành phố Đà Nẵng đã tặng em một chiếc xe đạp điện để đi học.

Một doanh nghiệp du lịch ở miền Trung cũng hứa sẽ tặng Qúy một chiếc máy tính để em có thể "kết nối" niềm đam mê của mình với thế giới.

Được sự động viên, giúp đỡ của mọi người, Qúy đã tự tin để làm thủ tục, hồ sơ vào trường trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn.

Đến trường từ tình thương của thầy cô

Ước mơ của hai chị em là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo khó, bệnh tật như cha mẹ.

Những tấm bằng khen là món quà mà chị em Hân tặng cho người mẹ hiền tần tảo sớm hôm. Ảnh: AN
Những tấm bằng khen là món quà mà chị em Hân tặng cho người mẹ hiền tần tảo sớm hôm. Ảnh: AN

“Khi ba qua đời, mẹ em lại đổ bệnh thì khát vọng trở thành bác sĩ càng mãnh liệt. Nhưng rồi điểm thi đại học của em chỉ có thể về học Bách Khoa. Giấc mơ ấy giờ ‘nhường’ lại cho Qúy” Hân nói giọng buồn.

Kể về hành trình đến trường của hai chị em, Hân nói luôn ghi ơn sự giúp đỡ của những người thầy, người cô đã nâng bước các em qua những ngày khốn khó.

Đó là những người thầy, người cô không chỉ hỗ trợ các em về kiến thức, vật chất mà truyền cả sự ấm áp của tình người, tình thầy – trò.

Chuyện cảm động về hai chị em hiếu học, mồ côi cha ảnh 4

Mẹ lượm ve chai, con thành gương sáng

(GDVN) - “Ngày đi vào sân trường, thấy hình con trai mình được để giữa sân trường, kèm theo chữ gương sáng học đường mà tôi vừa thấy run, tự hào lẫn hạnh phúc về con”.

“Từ hồi còn học cấp 3, em được thầy Khoa (dạy môn Toán, trường trung học phổ thông Ngũ Hành Sơn) dạy dỗ, kèm cặp thêm.

Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên thầy không thu học phí mà còn giúp đỡ, chỉ dạy tận tình. Đến lượt Qúy, thầy cũng phụ đạo thêm mà không thu tiền.

Tụi em học ở thầy nhiều nên ngại quá. Ngày xưa, thầy đã giúp chị rồi giờ thêm em trai nữa” Hân tâm sự.

Trong câu chuyện của mình, Hân cũng không quên cô giáo đã cận kề, giúp đỡ và cho em “mượn” phương tiện đi học suốt gần bốn năm nay.

“Khi bước vào kỳ thi đại học, cô Hòa dạy tiếng Anh cho em đến gặp và nói: ‘nếu em đậu đại học, cô sẽ cho em mượn xe máy để đi học’”.  

Ngày Hân bước chân vào giảng đường đại học, cô Hòa đã giữ lời “tặng” em chiếc xe máy Dream cũ. Trên chiếc xe cũ ấy, Hân đã đi quãng đường gần 20km để đến trường mỗi ngày.

An Nguyên