Sau khi đăng tải các bài viết nêu phản ứng của trường tư thục và phụ huynh học sinh về việc Sở Giáo dục Hà Nội áp đặt thời gian tuyển sinh đầu cấp cho các trường công lập và ngoài công lập, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục liên hệ với Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để có được giải đáp về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trung học được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, không phân biệt trường công lập hay tư thục.
Theo đó, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương là chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh đối với cấp trung học phổ thông; Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra tuyển sinh đối với cấp trung học cơ sở.
“Kế hoạch và phương thức tuyển sinh của địa phương phải đảm bảo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường và học sinh, tránh gây áp lực không cần thiết đồng thời đảm bảo sự công bằng đối với các loại hình nhà trường.
Căn cứ phản ánh của cha mẹ học sinh và các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần phổ biến, tuyên truyền, giải thích rõ hơn quy định về thời gian tuyển sinh và những việc mà các trường có thể tiến hành trước thời gian quy định đó để các trường chủ động phổ biến kế hoạch tuyển sinh của mình đến đông đảo học sinh, giúp các em có đủ thời gian cân nhắc, lựa chọn”, ông Thành cho biết.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy cho biết, Sở Giáo dục Hà Nội đang làm trái luật, gây khó khăn cho các trường tư thục. ảnh minh họa: ngs. |
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông cũng cho biết, ngay sau khi có thông tin về quy định thời gian tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội rà soát lại kế hoạch đã ban hành.
Nếu thấy có điểm nào chưa phù hợp phải báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội để điều chỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà trường và học sinh; hướng dẫn các nhà trường chủ động tiến hành quy trình tuyển sinh, để học sinh có điều kiện tìm hiểu và lựa chọn theo nguyện vọng.
Việc xử lý những bất hợp lý trong quản lý giáo dục cần thực hiện theo đúng thẩm quyền đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, mà trong trường hợp tuyển sinh đầu cấp thì phải theo đúng quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo để công tác tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch”, ông Thành cho biết.
Sở Giáo dục Hà Nội không được phép đặt ra quy định riêng
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều ngày 27/6, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội cho biết: “Tuyển sinh ở bậc trung học cơ sở và tiểu học theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành theo ngày giờ và toàn thành phố.
Tôi không hiểu tại sao Hà Nội lại yêu cầu các trường tuyển sinh cùng thời điểm? |
Ngày nào tuyển sinh thành phố đã có kế hoạch rất rõ ràng. Cho nên, tất cả trường công và trường tư và trường thuộc địa bàn Hà Nội đều phải thực hiện theo kế hoạch của Thành phố.
Không có nghĩa là trường tư nằm ngoài kế hoạch của Thành phố được và chúng tôi nói rằng khi đọc lại các luật trong Luật giáo dục không có điều khoản nào nói về việc tuyển sinh và nói Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm trái luật”.
Từ câu trả lời của ông Đại, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Luật sư Phan Thị Hương Thủy (đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) và nhận được khẳng định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội áp thời gian tuyển sinh chung cho cả trường công lập và tư thục là trái Luật Giáo dục.
Theo phân tích của Luật sư Thủy, nhiệm vụ và quyền hạn của trường tư thục được nêu rõ tại Điều 65 - Nhiệm vụ và quyền hạn của trường dân lập, trường tư thục (4 khoản):
1. Trường dân lập, trường tư thục có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và các quy định liên quan đến tuyển sinh, giảng dạy, học tập, thi cử, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ.
2. Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục.
3. Văn bằng, chứng chỉ do trường dân lập, trường tư thục, trường công lập cấp có giá trị pháp lý như nhau.
4. Trường dân lập, trường tư thục chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của Chính phủ.
Bộ Giáo dục là cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản dưới luật như: Thông tư 41/2010, Thông tư 12/2011, Thông tư 11/2014 để hướng dẫn thực hiện.
Đáng chú ý là từ Luật Giáo dục cho tới các Thông tư đều không quy định cụ thể về thời gian tuyển sinh.
Như vậy có nghĩa là Sở Giáo dục Hà Nội không được áp đặt thời gian tuyển sinh, bởi vì trường tư thục hoạt động tự chủ thì phải tôn trọng tuyệt đối quyền này.
“Sở Giáo dục Hà Nội là cơ quan thực hiện theo luật, triển khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục chứ không được tự ý đặt ra quy định riêng.
Mặt khác, Sở Giáo dục Hà Nội phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trường tư thục tuyển sinh tùy vào khả năng của từng trường, tuyệt đối không ban hành các quy định gây ra khó khăn cho hoạt động của các trường.
Trong trường hợp này, theo tôi là Sở Giáo dục Hà Nội đã làm trái luật, vì vậy Bộ Giáo dục cũng cần phải giám sát để đảm bảo được tính tự chủ của trường trường tư thục, bởi vì Hà Nội là một địa phương lớn nên không thể để kéo dài mãi chuyện này”, Luật sư Thủy cho biết.