Thời gian qua, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề ra nhiều phương án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tìm hướng xử lý các dự án chưa hiệu quả như Dự án xăng sinh học Ethanol; Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy đóng tàu Dung Quất…
Tuy nhiên, việc xử lý các dự án này có phần chậm trễ mà nguyên nhân cơ bản là từ những vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là về cơ chế tài chính.
Nhằm thúc đẩy tiến độ xử lý các dự án, tránh để gây thua lỗ kéo dài lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định thành lập các Tổ công tác trực tiếp xử lý các dự án yếu kém, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị tham gia.
Nhà máy xơ sợi Đình Vũ là một trong những dự án thua lỗ lớn của ngành Công Thương. ảnh: Công Thành/Báo Đấu Thầu. |
Các tổ công tác sẽ có nhiệm vụ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như các đề xuất đã và đang được triển khai trong quá trình xử lý các dự án yếu kém. Sau khi có đánh giá, các tổ công tác sẽ xây dựng, đề xuất phương án, giải pháp cụ thể đối với từng dự án.
Những phương án, giải pháp này phải đề rõ thời gian, lộ trình thực hiện và để thực hiện thì cần phải có những cơ chế, chính sách như thế nào…
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ quyết định các vấn đề nào thuộc phạm vi xử lý của Tập đoàn, còn nội dung nào vượt quá thẩm quyền, tập đoàn sẽ làm báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến.
Mục tiêu xử lý là phải thực hiện tốt nhất kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo việc xử lý các dự án yếu kém của Tập đoàn đạt hiệu quả.
Dự án nào có thể tiếp tục triển khai, đi vào sản xuất thì theo nguyên tắc thị trường, các đơn vị, các cổ đông phải vào cuộc tháo gỡ, hỗ trợ để đi vào sản xuất. Dự án nào không khả thi thì nghiên cứu bán cổ phần, thậm chí là cho phá sản.
Tiến độ đặt ra là năm 2017 sẽ hoàn thành các phương án xử lý để năm 2018 cơ bản giải quyết hết khó khăn và 2020 hoàn thành dứt điểm.
Đối với dự án Ethanol Dung Quất, quan điểm là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn, chuyển nhượng vốn.
Riêng dự án Nhà máy Năng lượng sinh học Bình Phước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà máy sẽ làm việc với đối tác nước ngoài để sớm khởi động lại dự án.
Bởi việc khởi động dự án không chỉ liên quan đến nguồn vốn mà còn liên quan đến lộ trình thay thế và sử dụng xăng sinh học E5 từ đầu năm 2018.
Với dự án Ethanol Phú Thọ, lãnh đạo tập đoàn đã thống nhất phương án dừng dự án và tiến hành phá sản công ty.
Với 2 dự án còn lại, đặc biệt là dự án PVTEX, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu thực hiện theo phương án của Ban Chỉ đạo: Hợp tác với đối tác nước ngoài để khởi động lại dự án, sau đó thực hiện chuyển nhượng vốn.
Nhà máy Đóng tàu Dung Quất được lựa chọn phương án cho phá sản. Với việc quyết toán con tàu 104.000 tấn, Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để định giá con tàu.
Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược ngành Dầu khí đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã đánh giá “Tập đoàn có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế”.
Việc Tập đoàn có một số dự án không đạt hiệu quả kinh tế xuất phát từ nhiều nguyên nhân như đầu tư nóng vội, chưa chuẩn bị kỹ thị trường… và có cả những nguyên nhân khách quan như chúng ta chưa có chính sách cụ thể đồng bộ, nhất quán để tạo sức mạnh cho các dự án sản xuất non trẻ.
Hy vọng rằng, trong việc giải quyết các dự án chưa hiệu quả, lãnh đạo Tập đoàn cũng sẽ có thêm được những bài học kinh nghiệm sâu sắc để từ đó có những hướng đầu tư thích hợp và hiệu quả hơn.