LTS: Tiếp tục trao đổi về vấn đề "hoa hồng" được các bên cung cấp dịch vụ trong trường học trích cho Hiệu trưởng, cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc nhận tiền hoa hồng và xử lý như thế nào là tùy thuộc vào lương tâm lãnh đạo.
Theo đó, một số Hiệu trưởng không hề giữ trọn số tiền đấy cho bản thân mình và luôn nghĩ đến lợi ích của tập thể các giáo viên và học sinh trong trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện mua bán và được trích lại "hoa hồng" nhiều người nói "đó là chuyện bình thường”, “chuyện đương nhiên phải thế”…
Tuy nhiên, mấy ai chịu hiểu chính vì những khoản "hoa hồng" kia, bên cung cấp dịch vụ phải hạ chất lượng sản phẩm hoặc tăng giá cả để nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng hoặc có giá cao.
Có thế, họ mới đủ chi phí bù đắp vào khoản thiếu hụt đã phải chi ra.
Chưa bao giờ chuyện chi "hoa hồng" lại xảy ra nhiều như bây giờ. Đơn giản như chỉ cần mua một bộ sách giáo khoa cho con cũng được trích lại từ 10-30%.
Cách ứng xử với những khoản tiền hoa hồng phụ thuộc nhiều vào lương tâm của người lãnh đạo. (Ảnh minh họa trên Vietnamnet.vn) |
Nhà bà con có đám cưới, gọi giúp người nấu ăn đôi khi cũng được bồi dưỡng vài trăm ngàn hay nhà hàng xóm có đám tang, nhấc máy gọi giúp cũng được ông chủ tổ chức tang lễ tìm đến cho phong bì đến 500 ngàn đồng…
Nhưng những khoản tiền hoa hồng ấy lại được chủ nhân tính cả vào chi phí cho tiệc cưới hay đám tang bằng cách nâng giá một số mặt hàng.
Bởi thế, công bằng mà nói, tiền hoa hồng cũng chẳng phải là đồng tiền “sạch sẽ” hay tiền “quang minh chính đại” gì.
Bản thân người viết rất đồng cảm với tác giả Kiên Trung trong bài "Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán".
Nói đến “hoa hồng” trong nhà trường, người viết bài còn thấy ám ảnh bởi câu chuyện được đăng trên báo Lao động vài năm về trước.
“Mỗi tháng, Hiệu trưởng của một trường tiểu học bán trú có hơn 1.000 học sinh có thể được cơ sở sản xuất suất ăn chi đến hơn 20 triệu đồng hoa hồng từ bữa cơm của các em.
Với mỗi suất ăn từ 14.000 đến 15.000 đồng có chủ cơ sở suất ăn công nghiệp sẵn sàng chi đến 20% cho Hiệu trưởng. Bữa ăn vốn đã ít ỏi lại bị rút rỉa như thế, thể trạng các em sẽ ra sao? Còn sức đâu mà học tập?”
“Hoa hồng” trong nhà trường và chuyện tranh mua, tranh bán |
Nói về "hoa hồng" trong nhà trường thì nhiều vô kể.
Nào là sửa chữa nhỏ như như bàn ghế, bảng… hay làm mới cổng trường, nhà giữ xe, cột cờ, quét sơn trường, hàng rào… đến những mua sắm lớn như sách tham khảo, sách truyện, vở trao phần thưởng, giấy khen, trang thiết bị dạy học, phòng vi tính, ti vi, đầu máy, hệ thống quạt, máy lạnh cho các phòng học… tiền hoa hồng hàng năm chắc cũng không hề nhỏ.
Đã có không ít ý kiến cho rằng “nhà trường cần quản lý tiền hoa hồng?” nhưng quản lý bằng cách nào lại chẳng ai đưa ra được giải pháp.
Cá nhân tôi lại nghĩ, chẳng có giải pháp nào hữu hiệu ngoài lương tâm người lãnh đạo.
Câu chuyện tôi kể sau đây về một Hiệu trưởng của mình nhưng chị lại không muốn ai biết đến việc làm của mình.
Đã có không ít lần, chị mời tôi lên phòng hiệu trưởng để dặn dò: “Những điều chị làm nó cũng bình thường, nhỏ nhoi nên em đừng bao giờ viết lên. Chị muốn được sống bình yên”.
Tôi chẳng bàn nhiều đến chuyện vì sao làm việc tốt mà nhiều người vẫn không muốn ai biết? Và Hiệu trưởng của tôi là một người như thế. Tôn trọng ý chị, tôi cũng chẳng dám nêu tên cũng vì lẽ đó.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên trong buổi họp Hội đồng, chúng tôi được nghe Hiệu trưởng công bố cụ thể mức tiền "hoa hồng" đối tác gửi lại cho mình và yêu cầu số tiền ấy được bỏ vào quỹ phúc lợi để bồi dưỡng cho giáo viên vào ngày 20/11 năm đó.
Riêng học sinh cũng được hưởng lợi từ mức "hoa hồng" được trích.
Tiền hoa hồng bảo hiểm đi đâu khi giáo viên phải thu mà không được đồng nào? |
Đơn cử như một số nhà sách, nhà trường mua văn phòng phẩm hàng năm sẽ trích lại "hoa hồng" cho Hiệu trưởng, nhưng Hiệu trưởng của tôi đã đổi bằng những tập vở để làm phần thưởng tặng cho những học sinh khó khăn.
Hay như "hoa hồng" từ một số loại bảo hiểm, Hiệu trưởng đã cho các lớp lên danh sách học sinh khó khăn để tặng hàng chục cái bảo hiểm tai nạn cho các em.
Cũng như chuyện đồng phục của học sinh thay vì nhận "hoa hồng" theo gợi ý của nhà cung cấp thì Hiệu trưởng của tôi đã không nhận mà đề nghị hạ giá thành đồ đồng phục xuống.
Cũng nhờ thế, bộ đồng phục của nhà trường tiền mua chỉ bằng tiền công may ngoài tiệm.
Tôi cứ nhớ mãi câu nói của chị: “Mình sống không phải bằng những thứ này. Danh dự, phẩm giá con người mới là điều đáng quý và mình không thể vì đồng tiền làm hoen ố nó”.
Tài liệu tham khảo: