LTS: Trước kết quả thi tiếng Anh trong kì thi quốc gia năm nay, cô giáo Đỗ Quyên chỉ ra những bất cập trong việc dạy và học tiếng Anh ở các bậc học trong trường phổ thông hiện nay.
Theo đó, cô đưa một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh trong nhà trường.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong kì thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua, theo phổ điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy môn Tiếng Anh có tới hơn 68% bài thi có điểm dưới trung bình.
Đây là kết quả đáng buồn nhất khi ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền khổng lồ 9.400 tỷ đồng để thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2008-2020.
Phân tích nguyên nhân thất bại của đề án, nhiều nhà lý luận, phê bình, nhiều chuyên gia giáo dục bậc cao… đã đưa ra ý kiến.
Việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông còn nhiều bất cập. (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Ở phạm vi bài viết này, người viết chỉ đưa ra những điều “mắt thấy tai nghe” những gì mà đồng nghiệp mình đang dạy, học sinh ở những bậc học dưới đang học để bạn đọc có thêm một góc nhìn lý giải thêm nguyên nhân thất bại của đề án dạy và học ngoại ngữ.
Dạy và học Anh văn tiểu học
Nhiều năm về trước, học sinh tiểu học chỉ được học 2 tiết Anh văn/tuần. Vài năm trở lại đây thực hiện theo đề án đổi mới, thời lượng Anh văn ở tiểu học tăng 4 tiết/tuần.
Giáo viên được nâng cao trình độ theo chuẩn Châu Âu. Tuy thế, chất lượng học Anh văn ở các trường tiểu học cũng không được nâng lên là bao theo sự đánh của giáo viên dạy ở bậc học này.
Vào các tiết dạy, chủ yếu là thầy cô làm mẫu, học sinh làm theo. Trong tiết học, giáo viên cũng thường hay áp dụng dạy nhóm nhưng để kiểm tra các nhóm có đọc đúng? Làm kết quả có sai?
Giáo viên nói mình không thể kiểm tra hết lớp vì sĩ số quá đông. Bởi thế, chỉ vài cặp được trả lời và thầy cô sửa chung. Có lẽ vì điều này các em yếu nhất là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.
Nếu làm một cuộc điều tra nhỏ chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra điều ấy. Học sinh lớp 5 đã được học 3 năm tiếng Anh với hơn 400 tiết nhưng chỉ có thể giới thiệu tên, lớp, trường và vài ba câu chào hỏi thông thường.
Nhưng không phải em nào cũng có thể mạnh dạn đứng giao tiếp, một lớp cũng chỉ mươi em trở lại. Nếu tìm hiểu kĩ, mươi em này đều đi học thêm Anh văn bên ngoài.
Dạy tiếng Anh ở bậc học khác
Chính sách về dạy tiếng Anh ở Việt Nam được xây dựng từ đâu? |
Học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông học 105 tiết/37 tuần. Học sinh được học đầy đủ 4 kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết).
Nhiều học sinh ở bậc học này cho biết, các em yếu nhất là kĩ năng nghe, nói. Vào những tiết nghe, học sinh đều được thầy cô cho nghe trên băng cát sét.
Giáo viên cũng chia nhóm để luyện tập nhưng lại không thể kiểm tra hết các nhóm nên không thể biết đúng sai để sửa cho các em.
Cũng chỉ vài nhóm được trình bày trước lớp để được nghe góp ý và các nhóm tự rút ra cái sai của nhóm mình và tự sửa.
Tiết đọc hiểu hoặc luyện nói, thay vì từng cá nhân sẽ hỏi, đối đáp cũng chỉ được dăm em nổi trội xung phong… không được luyện tập thực hành thường xuyên, học sinh phần lớn rất thụ động trong các tiết Anh văn nên đã yếu lại càng yếu hơn.
Một giáo viên dạy tiếng Anh bật mí: “Những học sinh giao tiếp tốt, tự tin phần lớn kiến thức, kĩ năng có được nhờ các em đi học thêm bên ngoài đặc biệt học ở các trung tâm Anh ngữ. Cũng may có những học sinh này hay giơ tay phát biểu để tiết học đỡ nhàm chán”.
Còn học sinh lại khẳng định: “Tụi con phải học thêm bên ngoài, chứ cứ học vài tiết Anh văn trên trường chẳng có kiến thức đâu mà thi”.
Trung tâm dạy Anh văn thế nào?
Trong đợt kiểm tra cuối năm vừa rồi, giáo viên Anh văn một trường tiểu học phải kêu lên: “Có lớp 2/3 học sinh đạt điểm yếu phải tổ chức thi lại. 1/3 học sinh đạt điểm khá cao em nào cũng đi học thêm tiếng Anh ở bên ngoài”.
Cô con gái học cấp 3 của tôi nói rằng “những bạn học giỏi Anh văn ở trường con bạn nào cũng khoe mình học thêm Anh văn từ nhỏ”.
Trong năm vừa qua, một trường trung học phổ thông ở thị xã quê tôi có 10 giải Anh văn cấp thị, cấp tỉnh nhưng cả 10 học sinh này đều học thêm Anh văn bên ngoài.
Một trong những học sinh ấy cho biết: “Con học thêm Anh văn từ tiểu học. Nếu chỉ học Anh văn trong trường như các bạn con sẽ chẳng được như thế này”.
Bí quyết đổi mới đào tạo ngoại ngữ của người thầy tâm huyết |
Hỏi vì sao? Chẳng cần suy nghĩ, cô học trò đáp ngay “lớp đông quá, chỉ vài bạn học giỏi trả lời, những học sinh còn lại nghe và học mót theo nên giỏi làm sao được?”
Qua tìm hiểu việc dạy Anh văn ở trung tâm hoàn toàn khác với các nhà trường. Một giáo viên dạy nơi đây tiết lộ:
“Tụi em chỉ chú trọng kĩ năng nghe, nói chứ không nặng dạy ngữ pháp như các trường học.
Do số lượng học sinh trong lớp chỉ có 10-15 em nên hôm nào các em cũng phải luyện nghe rồi nói trước lớp để góp ý, sửa xong mới qua bài mới. Vì điều này, các em tự tin lên rất nhiều”.
Mỗi ngày đến tiết học, giáo viên kiểm tra bài cũ hết cả lớp khác xa với trường học chỉ vài ba em là nhiều.
Hết một chủ đề, chủ điểm, học sinh được học hát, đóng hoạt cảnh, trình bày tiểu phẩm rồi dã ngoại… tất cả bằng tiếng Anh.
Thế nên chỉ một đứa bé học Anh văn tại trung tâm khoảng vài chục tiết đã có thể giao lưu tự tin với người hải ngoại bằng những câu hỏi, câu chào đơn giản.
Giải pháp nào nâng cao chất lượng dạy và học Anh văn trong nhà trường?
Một số giáo viên Anh văn cũng chia sẻ, giáo trình dạy tiếng Anh ở nhà trường còn nặng về lý thuyết. Việc dạy Anh văn chú trọng quá nhiều vào ngữ pháp và nặng về kĩ năng viết.
Học sinh quá đông không được thực hành bằng việc nghe và nói. Trang thiết bị dạy học quá lạc hậu, học sinh chỉ nghe phát âm qua băng cát sét vừa khó nghe, vừa nhàm chán.
Việc nâng cao trình độ cho giáo viên Anh văn là cần thiết nhưng việc đầu tư trang thiết bị dạy tiếng Anh, giảm việc học ngữ pháp, tăng thời lượng luyện nói, luyện đọc, giảm sĩ số học sinh… điều này quan trọng hơn nhiều.
Được như thế, trình độ học Anh văn của học sinh mới có phần khởi sắc.