Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Anh ngày 17/7 đưa tin, hôm thứ Bảy 15/7, ông Triệu Lạc Tế - Trưởng ban Tổ chức trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trì một cuộc họp tại Trùng Khánh thông báo:
Ông Tôn Chính Tài - Ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Trùng Khánh bị miễn nhiệm chức Bí thư Trùng Khánh.
Ông Trần Mẫn Nhĩ - Ủy viên Trung ương kiêm Bí thư tỉnh Quý Châu thôi chức vụ Bí thư Quý Châu và được điều động sang làm Bí thư Trùng Khánh.
Nhật báo Trùng Khánh, cơ quan ngôn luận của đảng bộ thành phố Trùng Khánh cùng ngày có bài xã luận, trong đó viết:
"Là cán bộ đảng viên, chúng ta phải kiên quyết ủng hộ quyết định của Ban chấp hành Trung ương đảng, giữ vững lập trường chính trị, duy trì kỷ luật chặt chẽ, phân biệt rõ ràng đúng - sai". [1]
Nhận định từ hải ngoại
Truyền thông Trung Quốc không có thêm bất kỳ thông tin nào về ông Tôn Chính Tài, ngoài thông báo ngắn gọn của ông Triệu Lạc Tế được Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại.
Ông Tôn Chính Tài, ảnh: Lintao Zhang / Getty Images. |
Bloomberg ngày 16/7 dẫn nguồn tin 4 quan chức Trung Quốc giấu tên, tham dự một cuộc họp tại Trùng Khánh hôm Chủ nhật 16/7 cho biết:
Ông Tôn Chính Tài mất chức Bí thư Trùng Khánh vì làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các quan chức này cho hay, họ đã được thúc giục loại bỏ ảnh hưởng của ông Tôn Chính Tài, bao gồm các chính sách và chỉ thị.
The Wall Street Journal hôm thứ Bảy đưa tin, ông Tôn Chính Tài đang bị bắt đi điều tra, nhưng không cung cấp thêm thông tin.
Ông bị bắt tại Bắc Kinh vào tối thứ Sáu 14/7 khi vừa tham dự cuộc họp 2 ngày của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, bàn về cải cách tài chính.
Đây là Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm thứ 2 của đảng Cộng sản Trung Quốc bị bắt giữ, điều tra.
Người thứ nhất cũng là một Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, bị kết án tù chung thân vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực năm 2012. [2]
Financial Times, Anh quốc ngày 17/7 nhận định, việc thay thế nhân sự Bí thư Trùng Khánh trước Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay là một nước cờ của ông Tập Cận Bình, nhằm bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt.
Trùng Khánh là 1 trong 4 thành phố trực thộc trung ương Trung Quốc, cùng với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân.
"Tư tưởng Tập Cận Bình" có thể được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc |
Vị trí Bí thư của Trùng Khánh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông và Tân Cương theo thông lệ thường có một ghế trong Bộ chính trị 25 thành viên.
Tờ báo Anh quốc này cho rằng, việc điều động ông Trần Mẫn Nhĩ - một cựu trợ thủ của ông Tập Cận Bình thời còn làm việc ở Chiết Giang - vào ghế Bí thư Trùng Khánh còn nhằm mục đích kéo dài quyền lực của ông chủ Trung Nam Hải sau 2 nhiệm kỳ.
Trong năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thay thế nhiều nhân sự chủ chốt lãnh đạo các địa phương bằng những người đã làm việc cùng ông thời những năm 1980 ở Chiết Giang, Phúc Kiến.
Tháng 8/2016, ông Trần Toàn Quốc, một trợ thủ thân tín của ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Bí thư Tân Cương.
Tháng 9/2016 ông Lý Hồng Chung, một "đồng minh" của ông Tập Cận Bình được điều động từ Hồ Bắc về làm Bí thư Thiên Tân. [3]
Cái "dớp" Bạc Hy Lai
Đa Chiều ngày 17/7 có bài bình luận: "Tại sao Tôn Chính Tài đột nhiên mất chức? Có lẽ vì hai vấn đề chính trị". [4]
Tờ báo này cho hay, trong hai ngày 14, 15/7 ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị công tác tài chính quốc gia tại Bắc Kinh.
Ngoài 2 Ủy viên Bộ chính trị vắng mặt vì đi công cán nước ngoài, ông Tôn Chính Tài không đi công tác, nhưng lại vắng mặt mà không thấy nói lý do, theo tường thuật của đài truyền hình trung ương CCTV.
Đến ngày 16/7 ông Triệu Lạc Tế thông báo Trùng Khánh thay Bí thư.
Thông thường lễ bàn giao bao giờ cũng có cả người cũ, người mới, nhưng lần này chỉ có tân Bí thư Trần Mẫn Nhĩ mà vắng người cũ Tôn Chính Tài.
Trước đó, dư luận xem ông Tài là một ngôi sao đang lên trên chính trường
Trung Quốc thuộc thế hệ 6X.
Thậm chí có người tin rằng Tôn Chính Tài là một trong những đối tượng lọt vào tầm ngắm cho vị trí kế cận ông Tập Cận Bình sau này.
Mặc dù Trung Nam Hải không giải thích công khai quyết định của mình, nhưng từ những tin tức được loan báo, Đa Chiều cho rằng:
2 vấn đề chính khiến Tôn Chính Tài mất chức đều liên quan đến chính trị, chứ không phải tham nhũng.
Hoàn Cầu: Quyền lực không thể giúp Bạc Hy Lai thành "siêu nhân" |
Thứ nhất là ông Tài đã không hoàn thành nhiệm vụ "thanh trừ triệt để tàn dư tư tưởng độc hại của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân".
Tôn Chính Tài nhậm chức Bí thư Trùng Khánh năm 2012 từ ông Trương Đức Giang - Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng kiêm nhiệm Bí thư Trùng Khánh.
Nói cách khác, Tôn Chính Tài nhậm chức trong hoàn cảnh Đa Chiều gọi là "thụ mệnh lúc lâm nguy".
Nhiều năm qua Trung Nam Hải đặc biệt coi trọng việc "thanh trừ triệt để tàn dư tư tưởng độc hại của Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân".
Ngày 11/2 năm nay, tổ công tác số 11 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc sau chuyến đi Trùng Khánh đã kết luận, lãnh đạo Trùng Khánh chưa làm triệt để nhiệm vụ chính trị này.
Thứ hai là, tổ công tác số 11 còn kết luận, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Trùng Khánh bị suy yếu. Đặt trong bối cảnh chính trị Trung Quốc hiện nay, phê phán như vậy là rất nặng.
Cả hai điểm này đều có thể tìm thấy trong bài phát biểu của tân Bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ đăng trên tờ "Trùng Khánh buổi chiều" ngày 16/7.
Ông Nhĩ nhấn mạnh trong bài phát biểu, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Trùng Khánh thời gian tới có "kiên quyết thanh trừ tàn dư tư tưởng độc hại của Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân". [4]
Bí thư - chủ tịch "hai không" - luật bất quy tắc của Đại hội 19?
Ngày 31/5, Đa Chiều thống kê:
Trong số 31 Bí thư tỉnh thành trực thuộc trung ương Trung Quốc vừa mới được bầu / bổ nhiệm có 5 người không phải Ủy viên Trung ương / Ủy viên Trung ương dự khuyết.
Con số tân Chủ tịch tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương không phải Ủy viên Trung ương hoặc Ủy viên Trung ương dự khuyết là 14/31, một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. [5]
5 tân Bí thư tỉnh / thành ủy trực thuộc trung ương không phải Ủy viên Trung ương hoặc Ủy viên Trung ương dự khuyết gồm:
Thái Kỳ - Bắc Kinh, Lý Cẩm Bân - Tứ Xuyên, Lưu Tích Quý - Hải Nam, Trần Hào - Vân Nam, Ngô Anh Kiệt - Tây Tạng. [6]
Trừ Giang Tô đang khuyết Chủ tịch tỉnh, 14/31 tân Chủ tịch tỉnh / thành phố trực thuộc trung ương không phải Ủy viên Trung ương hoặc Ủy viên Trung ương dự khuyết gồm:
Trần Cát Ninh - Bắc Kinh, Ưng Dũng - Thượng Hải, Hứa Cần - Hà Bắc, Lâu Dương Dinh - Sơn Tây, Bố Tiểu Lâm - Nội Mông, Lưu Quốc Trung - Cát Lâm, Viên Gia Quân - Chiết Giang;
Lưu Kỳ - Giang Tây, Cung Chính - Sơn Đông, Vương Hiểu Đông - Hồ Bắc, Thẩm Hiểu Minh - Hải Nam, Tôn Chí Cương - Quý Châu, Đường Nhân Kiện - Giang Tây, Shohrat Zakir - Tây Tạng. [7]
Trong số này, trường hợp đặc biệt nhất phải kể đến là tân Bí thư Bắc Kinh Thái Kỳ.
Tân Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, ảnh: SCMP. |
Thái Kỳ là người Vĩnh An tỉnh Phúc Kiến, có 40 năm làm việc ở 2 tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, là một cận sự thân tín của ông Tập Cận Bình.
Sau Đại hội 18, quan lộ của Thái Kỳ bắt đầu thay đổi.
Năm 2014, từ Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Chiến Giang ông được điều về Bắc Kinh làm Phó Chánh văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia mới thành lập.
Một năm sau, Thái Kỳ trở thành Chánh Văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia, một năm sau nữa thì về làm Quyền Chủ tịch Bắc Kinh từ tháng 10/2106.
Sự thăng tiến nhảy vọt của Thái Kỳ gây ra không ít dư luận bất đồng trong nội bộ Trung Quốc, đặc biệt là cấp bộ. [8]
Bước "nhảy vọt 3 cấp" của Thái Kỳ được cho là vì ông là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong hàng chục năm ở Phúc Kiến và sau đó là Chiết Giang.
Ngày 27/5/2017, sau khi ngồi ghế Chủ tịch Bắc Kinh chưa đầy một năm, Thái Kỳ được điều động làm Bí thư Bắc Kinh khi chưa phải Ủy viên Trung ương / Ủy viên Trung ương dự khuyết.
Đặc biệt hơn nữa, thời điểm ông Kỳ được bổ nhiệm Bí thư Bắc Kinh, đảng bộ Bắc Kinh chưa kịp tổ chức đại hội nhiệm kỳ.
Ủy viên Bộ chính trị đương nhiệm - cựu Bí thư Bắc Kinh Quách Kim Long nhận quyết định về làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Chỉ đạo xây dựng văn minh tinh thần, một chức vụ được cho là ít quan trọng hơn so với Bí thư Bắc Kinh.
Những cam kết trung thành và tin đồn chính trị
Bí thư của 2 trong số 6 tỉnh thành trọng yếu thường có ghế trong Bộ chính trị và không phải là cựu trợ lý của ông Tập Cận Bình thời làm ở Chiết Giang, Phúc Kiến cũng đã có nhiều dấu hiệu lạ.
Đặc biệt là ông Hồ Xuân Hoa. Người còn lại là ông Hàn Chính - Bí thư Thượng Hải.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, ảnh: SCMP. |
Ông Hồ Xuân Hoa - Bí thư Quảng Đông đã phát biểu công khai ủng hộ vai trò "hạt nhân lãnh đạo" của ông Tập Cận Bình trong báo cáo chính trị đại hội đảng bộ tỉnh này.
Tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 23/5 cho biết, tại đại hội đảng bộ tỉnh Quảng Đông trong gần 100 phút đọc báo cáo, ông Hồ Xuân Hoa có 26 lần nhắc tên ông Tập Cận Bình.
6 lần ông Hoa nhắc đến các "chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tập Cận Bình với Quảng Đông" mà ông cho là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của tỉnh này.
Bí thư Hồ Xuân Hoa 7 lần nhắc đến vai trò "hạt nhân lãnh đạo" của ông Tập Cận Bình trong báo cáo. Ông kết luận:
"Để có đột phá mới ở điểm khởi đầu mới, chúng ta phải tuyệt đối bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng mà đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, đảm bảo nghị quyết, chỉ đạo của Đảng được thực hiện suôn sẻ ở Quảng Đông.".
"Cải cách" là từ được ông Hồ Xuân Hoa nhắc tới 54 lần trong Báo cáo. 5 khái niệm phát triển mà ông Tập Cận Bình đề xuất cho Trung Quốc được Hồ Xuân Hoa nhắc 81 lần trong báo cáo.
Nội dung thứ 10 cũng là nội dung cuối cùng của Báo cáo, Hồ Xuân Hoa dành khoảng 3000 từ để cam kết trung thành tuyệt đối bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình là nòng cốt. [9]
Ngay từ cuối tháng Năm vừa qua, giới truyền thông Hoa ngữ hải ngoại đã loan tin:
Đang có rất nhiều tin đồn về tiền đồ của 3 chính khách Hàn Chính - Bí thư Thượng Hải, Hồ Xuân Hoa - Bí thư Quảng Đông và Tôn Chính Tài - Bí thư Trùng Khánh.
Nhiều khả năng 3 người này sẽ bị thay thế bởi các Thị trưởng mới được bổ nhiệm, hoặc sau Đại hội 19. [10]
Con người sẽ quyết định chính sách, nhất là những vị trí lãnh đạo cấp cao trong một quốc gia.
Quân đội không nên làm kinh tế |
Do đó việc theo dõi những biến động nhân sự trên chính trường Trung Quốc trước Đại hội 19 thiết nghĩ là việc quan trọng để tìm hiểu, nghiên cứu, dự báo xu hướng chính sách của quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin tổng hợp trên đây để quý bạn đọc theo dõi, tham khảo, bởi những thay đổi thượng tầng từ Trung Nam Hải có thể trực tiếp ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Điều đó sẽ có tác động nhanh chóng và lâu dài đến khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ, đồng thời có xu hướng mở rộng địa bàn ảnh hưởng xuống phía Nam.
Dù kết quả Đại hội 19 có thế nào, cá nhân người viết cho rằng xu thế thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc xuống phía Nam cũng sẽ không thay đổi, thậm chí có thể trở nên mạnh hơn trước.
Thời báo Hoàn Cầu cũng đã công khai "cảnh báo" láng giềng điều này. [11]
Chúng tôi cũng xin lưu ý, các nhận định trong bài viết về một số nhà lãnh đạo Trung Quốc là của giới truyền thông và nghiên cứu quốc tế.
Đăng tải những nhận định này, chúng tôi chỉ muốn góp phần có thêm thông tin và dữ liệu phân tích chính sách của Trung Quốc với tư cách một nước láng giềng có nhiều duyên nợ và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi ủng hộ hay phản đối các nhận định ấy, và càng không có nghĩa là chúng tôi "can thiệp vào công việc nội bộ" của nước này, nước khác.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.globaltimes.cn/content/1056758.shtml
[3]https://www.ft.com/content/82472986-6aa1-11e7-bfeb-33fe0c5b7eaa
[4]http://opinion.dwnews.com/news/2017-07-17/59825902.html
[5]http://china.dwnews.com/news/2017-05-31/59817763.html
[7]http://news.mingjingnews.com/2017/06/blog-post_41.html
[10]http://www.epochtimes.com/gb/17/5/30/n9204482.htm
[11]http://www.globaltimes.cn/content/1053082.shtml