Thúc đẩy hợp tác các địa phương của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông

20/07/2017 07:21
Mai Anh
(GDVN) - Đó là mong muốn của hai nước tại Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Ngày 19/7, tại Nhà khách Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Phó Tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Lâm Thiếu Xuân đã đồng chủ trì Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tại Hội nghị, hai bên đã kiểm điểm lại tình hình hợp tác từ sau Hội nghị lần thứ 5 tổ chức tại Quảng Đông tháng 11/2015, nhất trí cho rằng, cùng với đà phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các bộ, ngành và địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông đạt nhiều tiến triển tích cực.

Quang cảnh Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - ảnh BNG/ VGP
Quang cảnh Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - ảnh BNG/ VGP

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 17 tỷ USD, tăng 2,9% so với năm 2015; Quảng Đông tiếp tục là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu về hợp tác kinh tế-thương mại với Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc; mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông nói riêng phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Đề nghị trong thời gian tới, hai bên phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông giai đoạn 2017-2019; duy trì trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; thực hiện tốt các cơ chế hợp tác giữa các cơ quan tương ứng của hai bên; 

Tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch; 

Đề nghị Quảng Đông tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến có mặt nhiều hơn trên thị trường Quảng Đông, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung phát triển cân bằng, bền vững; tích cực thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào Khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (bên phải ảnh) và Phó Tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Lâm Thiếu Xuân. Ảnh: BNG/ VGP
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (bên phải ảnh) và Phó Tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc Lâm Thiếu Xuân. Ảnh: BNG/ VGP

Phó Tỉnh trưởng Lâm Thiếu Xuân khẳng định tỉnh Quảng Đông coi trọng phát triển quan hệ với các bộ, ngành và địa phương Việt Nam; sẵn sàng phối hợp triển khai tốt các chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Tỉnh Quảng Đông mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, nghiên cứu dành ưu đãi về chính sách cho việc xây dựng Khu Công nghiệp An Dương tại Hải Phòng.  

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 6 hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chiều ngày 19/7, tại Hà Nội cũng diễn ra Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Đông, Hong Kong).

Thúc đẩy hợp tác các địa phương của Việt Nam với tỉnh Quảng Đông ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc

Tọa đàm thu hút gần 300 đại biểu bao gồm lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp đến từ 12 tỉnh, thành của Việt Nam và Quảng Đông, Hong Kong (Trung Quốc).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định, với kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam -  Quảng Đông đạt 17 tỷ USD trong năm 2016, Quảng Đông là địa phương có vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng giá trị sản xuất năm 2016 của tỉnh Quảng Đông đã đạt tới 1.160 tỷ USD, Quảng Đông tiếp tục là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu về hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường tiêu dùng Việt Nam có quy mô và sức mua ngày một lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Quảng Đông đưa hàng hóa sang tiêu thụ.

Ở chiều ngược lại, với cơ cấu dân số hơn 100 triệu dân, đây cũng là thị trường tiềm năng với nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Việt Nam.

Dự kiến, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Quảng Đông sẽ sớm đạt hàng  tỷ USD.

Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc) thu hút nhiều DN Việt Nam, Trung Quốc tham gia - ảnh nguồn Báo Đầu tư
Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Quảng Đông, Hồng Kông (Trung Quốc) thu hút nhiều DN Việt Nam, Trung Quốc tham gia - ảnh nguồn Báo Đầu tư

Ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, 28 năm nay, tổng giá trị sản xuất của tỉnh Quảng Đông đều dẫn đầu cả nước, điều này cho thấy tầm quan trọng của Quảng Đông trong thương mại với nhiều thị trường lớn, trong đó có Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng đề nghị Quảng Đông tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến có mặt nhiều hơn trên thị trường Quảng Đông, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung phát triển cân bằng, bền vững; tích cực thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng, thế mạnh đầu tư vào Khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng.

Đại diện doanh nghiệp hai bên nhất trí cho rằng quan hệ giữa hai nước và hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông và Hong Kong không ngừng phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Đông cam kết đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam về nông sản, thủy sản, điện tử, may mặc, giao thông vận tải. Còn đại diện Hong Kong khẳng định sẵn sàng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Về phần mình, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể hợp tác với Việt Nam về máy nông nghiệp, hạ tầng giao thông, cầu cảng, năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió.

Mai Anh