LTS: Là người đã từng làm việc trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục, tác giả Đinh Tuyết Mai đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của mình nhằm chia sẻ niềm tự hào về những thành tích đáng khen ngợi mà thế hệ trẻ người Việt đang sinh sống, học tập trên đất nước Đức đạt được.
Đồng thời, tác giả Tuyết Mai cũng bày tỏ hy vọng độc giả sẽ đồng tình với nhận định: “Dù sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất, người Việt không bao giờ quên được cội nguồn, truyền thống hiếu học và đầy ý chí tiến thủ của dân tộc mình”.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo số liệu thống kê của phòng quản lý người nước ngoài, bộ nội vụ Cộng hòa liên bang Đức (CHLB Đức), tính đến ngày 31/6/2016 đã có 88.582 người Việt Nam sinh sống hợp pháp trên toàn bộ lãnh thổ Đức.
Số người Việt này đến nước Đức và được phép định cư theo nhiều nguồn gốc và thời gian khác nhau.
Thời gian đầu, họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Song, với quyết tâm cao, kiên trì chịu đựng gian khổ nên cuối cùng sau khoảng 6 đến 10 năm, họ cũng đã nhận được Giấy cho phép định cư ở Đức.
Thế hệ con cái của người Việt đã và đang trưởng thành. Các em được hưởng mọi quyền lợi về giáo dục và khuyến khích của xã hội giống hệt như trẻ em Đức. Không phân biệt chủng tộc, màu da, mỗi trẻ em hàng tháng được nhận lương con, đi học phổ thông không mất tiền.
Trẻ em con người nước ngoài và trẻ em con người Đức đều học chung một trường, không có sự khác biệt. Cộng đồng người Việt ở Đức, không phân biệt vùng miền, ai cũng cố gắng lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Dù cuộc sống của cha mẹ còn nhiều khó khăn, song, gia đình nào cũng quan tâm chăm sóc và tạo mọi điều kiện để các con đến trường học tập “được bằng anh, bằng em”. Họ thường nhắc nhở con cái: phải học hành giỏi giang để sau này có được việc làm tốt, không phải đầu tắt mặt tối, vất vả như cha mẹ”.
Hệ thống giáo dục Phổ thông ở Đức có nhiều điểm khác với Việt Nam: từ lớp 1 đến lớp 4 các em đi học ở Trường Grundschule (trường tiểu học).
Các thầy cô chấm bài cho học sinh theo hệ điểm 6. (điểm 1 là giỏi; điểm 2 là khá; điểm 3 là trung bình; điểm 4 là trung bình kém; điểm 5 là kém và điểm 6 là rất kém, dốt). Các cháu có sức học tốt sẽ được nhà trường khen ngợi, động viên rất kịp thời và đúng mực.
Hình ảnh các em học sinh lớp 5 đang tham gia môn học Lịch sử của trường Gymnasium Stuttgart (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Sau khi các em kết thúc lớp 4, nhà trường sẽ tính điểm tổng kết trung bình cho học sinh. Nếu học sinh có điểm trung bình là 2,4 hoặc < 2,4 sẽ được giới thiệu đi học tiếp từ lớp 5 đến lớp 12 ở Trường Gymnasium (trường trung học chất lượng cao).
Tại trường trung học chất lượng cao học sinh có điều kiện học tập lý thuyết và thực hành, trang thiết bị học tập tốt. Chất lượng giáo viên và chất lượng học tập cao hơn.
Theo chương trình học tại trường trung học chất lượng cao, học sinh được học song song 2 ngoại ngữ theo nguyện vọng tự chọn. Sau khi kết thúc lớp 12, học sinh sẽ có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông toàn quốc và được cấp bằng Abitur (bằng tốt nghiệp phổ thông).
Với văn bằng Abitur này, các em được phép nộp đơn xin học trực tiếp ở một trường đại học nào đó theo nguyện vọng cá nhân. Ở Đức không tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học như ở Việt Nam.
Xu hướng chung của cộng đồng người Việt tại Đức là: động viên và giúp đỡ con cái phấn đấu để đủ tiêu chuẩn vào học trường trung học chất lượng cao. Nếu học sinh nào có điểm trung bình > 2,4 sẽ được giới thiệu học tiếp từ lớp 5 đến lớp 10 ở trường Realschule (tương đương như trung học cơ sở ở Việt Nam).
Sau khi tốt nghiệp lớp 10, học sinh có quyền nộp đơn xin học nghề tại các trường học nghề - Fachschule theo nguyện vọng cá nhân. Tùy theo ngành học mà thời gian học nghề kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Sau khi tốt nghiệp trường học nghề các em có quyền nộp đơn xin việc làm trên toàn bộ lãnh thổ nước Đức hoặc các nước Châu Âu nói tiếng Đức như Áo và Thụy sĩ.
Hình ảnh các em học sinh lớp 12 tại trường Gymnasium Stuttgart sau khi nhận bằng Abitur (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Điều rất hay và đã trở thành quen thuộc của cộng đồng người Việt ở Đức khi mà họ gặp nhau vào các dịp sinh nhật, lễ cưới, tết cổ truyền dân tộc Việt Nam câu hỏi thăm nhau đầu tiên là: “Các cháu nhà cô chú được học ở trường trung học chất lượng cao không?”.
Người Đức cũng như vậy, gia đình nào cũng rất tự hào khi con cái của họ được học ở trường trung học chất lượng cao.
Theo điều tra thống kê của Bộ Giáo dục, Phòng nghiên cứu và quản lý học sinh người nước ngoài sống trên toàn bộ lãnh thổ Đức, kết quả đưa ra đã gây một ấn tượng rất bất ngờ và đầy tự hào cho người Việt Nam:
“Tỷ lệ học sinh Việt Nam học ở các trường trung học chất lượng cao đạt 59%. Cụ thể là: Trong số 100 học sinh Việt đi học phổ thông ở Đức chỉ có 41 em học ở trường trung học cơ sở, 59 em đủ tiêu chuẩn để học ờ các trường trung học chất lượng cao. Các em này sau khi học xong lớp 12, sẽ có khả năng và điều kiện để xin học tiếp Đại học.
Trong khi đó, tỷ lệ này của học sinh người Đức chỉ đạt 43%, với học sinh người Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thì tỉ lệ này chỉ đạt trên 10%.
Sau khi kết quả điều tra này được công bố, cộng đồng người Việt đã thu hút được rất nhiều thiện cảm và lòng khâm phục của người Đức.
Học sinh Việt được khích lệ, động viên và quyết tâm để học hỏi tốt hơn”.
Chúng tôi muốn chia sẻ niềm tự hào này tới bạn đọc trong nước.
Hy vọng các bạn cũng sẽ đồng ý với nhận định: “Dù sinh sống ở bất cứ nơi nào trên trái đất, người Việt không bao giờ quên được cội nguồn, truyền thống hiếu học và đầy chí tiến thủ của dân tộc mình”.
Những bậc cha mẹ người Việt sống ở Đức luôn sống theo châm ngôn của tổ tiên là “thắt lưng buộc bụng” nuôi dạy con cái học hành, để khi trưởng thành con cái mình có được chỗ đứng tốt trong xã hội.
Hiện nay, trên cơ sở kiến thức đã được học, thế hệ trẻ Việt Nam đã, đang và sẽ là nguồn giúp đỡ cha mẹ mình. Đặc biệt, là các bậc cha mẹ hành nghề tự do như: mở quán ăn, làm móng tay, móng chân, cắt tóc, bán hoa, bán rau quả tươi và buôn bán quần áo...
Họ đã nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của con cái trong việc khai thuế, làm các thủ tục hành chính, giao tiếp với các phòng chính quyền và giao dịch khách hàng...