Biên giới Trung-Ấn: Bắc Kinh tập trận dương đông kích tây

04/08/2017 15:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Một số nhà quan sát tin rằng, tranh chấp ngoài thực địa biên giới Trung - Ấn đã hạ nhiệt. Màn "hỏa lực mồm" chủ yếu là gửi thông điệp đến dư luận nội bộ.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV13 tối 3/8 đưa tin về một lữ đoàn trực thuộc quân khu Tây Tạng vừa tổ chức tập trận bắn đạn thật.

Đoạn video của đài CCTV13 tường thuật cuộc tập trận ở độ cao 4.600 mét, các dàn hỏa tiễn đa nòng, lựu pháo, tên lửa đã liên tục nhả đạn tấn công thẳng vào trận địa, lô cốt và sở chỉ huy "đối phương".

Dương cơ bắp, hỏa lực mồm

Từ khi biên giới Trung - Ấn căng thẳng đến nay, Bắc Kinh đã tổ chức ít nhất 3 lần tập trận ở cao nguyên Tây Tạng.

Lần gần đây nhất Trung Quốc tổ chức cho một đơn vị lục quân hiệp đồng hỏa lực, diễn tập tấn công trên địa hình rừng núi.

Ngoài tập trận, quân đội Trung Quốc còn liên tục báo động chiến đấu các đơn vị tên lửa Hồng Kỳ 16, máy bay tiêm kích J-10, J-11 và máy bay cảnh báo KJ-500.

Lực lượng tên lửa Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, ảnh: Đa Chiều.
Lực lượng tên lửa Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng, ảnh: Đa Chiều.

Đa Chiều ngày 4/8 nhận định, những động thái trên của quân đội Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh dường như sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ. [1]

Cũng theo một bản tin khác của Đa Chiều, tình báo Mỹ đã phát hiện ra hôm 29/7 quân đội Trung Quốc đã bắn trên 20 quả tên lửa ở Chu Nhật Hòa, Nội Mông, nơi diễn ra cuộc duyệt binh sáng 30 do ông Tập Cận Bình chủ trì.

Quân đội Trung Quốc đã phóng 4 quả tên lửa Đông phong 26, 10 quả Đông phong 16A, 6 quả tên lửa đạn đạo diệt hạm Trường kiếm 10.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phóng các loại tên lửa phòng không Hồng kỳ 6, Hồng kỳ 16 và Hồng kỳ 22 dịp này.

Hôm nay 4/8, Trung Quốc ra lệnh cấm tàu thuyền hoạt động ở biển Hoàng Hải để tổ chức tập trận.

Đa Chiều cho rằng đó là màn diễn tập "dương đông kích tây", cảnh báo Mỹ, Hàn, Đài Loan đừng tưởng Trung Quốc đang bận đối phó với Ấn Độ ở phía Tây mà bỏ quên phía Đông. [2]

Tân Hoa Xã ngày 3/8 đưa tin, cùng ngày tờ Quân giải phóng Trung Quốc có bài xã luận "nhắc nhở" Ấn Độ rằng:

"Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đừng nước nào đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi". [3]

Lấy uy nội bộ?

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 3/8 đưa tin, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi các tuyên bố hùng hồn về tranh chấp biên giới với Ấn Độ ở Himalaya.

Biên giới Trung-Ấn: Bắc Kinh tập trận dương đông kích tây ảnh 2

Thông điệp của ông Tập Cận Bình qua cuộc duyệt binh "khác thường"

Ngày thứ Năm 3/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành tuyên bố chi tiết về tranh chấp kéo dài trên cao nguyên Doklam xa xôi, nơi Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan gặp nhau.

Động thái này chỉ diễn ra vài ngày trước cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng 2 nước Trung - Ấn tại Manila, Philippines vào cuối tuần này.

Các bài xã luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên truyền rằng, nước này đã "nhẫn nhịn tối đa" với New Delhi, kể từ khi nổ ra xung đột ở Doklam hồi tháng Sáu.

Bản tuyên bố 15 trang giấy của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm qua nói rằng, quân số Ấn Độ ở Doklam đã giảm từ 400 trong tháng Sáu, xuống còn khoảng 40 người trong tháng Bảy.

Tuy nhiên một số nhà quan sát tin rằng, tranh chấp ngoài thực địa biên giới Trung - Ấn đã hạ nhiệt. Màn "hỏa lực mồm" chủ yếu là gửi thông điệp đến dư luận nội bộ.

Ông Bàng Trung Anh từ Đại học Hàng hải Trung Quốc ở Thanh Đảo nói:

"Bản tuyên bố không nhắm đến dư luận quốc tế, vì Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra phiên bản tiếng Anh.

Chúng tôi cũng có thể nói rằng, giọng điệu của tài liệu này nhằm giải quyết áp lực trong nước."

Ngoài thuật hùng biện, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lần đầu tiên nhắc đến Công ước năm 1890 giữa Anh và Trung Quốc về biên giới Trung - Ấn.

Ông Bàng Trung Anh cho rằng, thực tế đây là cách "làm mềm" lập trường của Trung Quốc, ngầm đồng ý với lập luận của Ấn Độ rằng, Doklam là một khu vực tranh chấp (thay vì lãnh thổ không thể tranh cãi?).

Trong khi đó, chẳng bao lâu sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố này, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ nói với tờ Hindustan Times rằng:

Không có chuyện Ấn Độ rút quân khỏi Doklam, tình hình ngoài thực địa không có gì thay đổi.

Nếu không hạ nhiệt, căng thẳng biên giới Trung - Ấn có thể phá hỏng cuộc họp khối BRICH ở Hạ Môn vào tháng tới, khi Thủ tướng Narendra Modi có thể gặp ông Tập Cận Bình. [4]

Phản ứng từ Ấn Độ

Biên giới Trung-Ấn: Bắc Kinh tập trận dương đông kích tây ảnh 3

Donald Trump: đừng quên lịch sử, Trung Quốc nhiều lần chiến tranh với Triều Tiên

Tờ Financial Express, Ấn Độ ngày 4/8 đưa tin, chính phủ Thủ tướng Narendra Modi đang tính đến 2 lựa chọn ngoại giao để giải quyết vấn đề căng thẳng biên giới với Trung Quốc.

Một là quân đội Bhutan sẽ thay thế quân đội Ấn Độ hiện diện tại Doklam, hai là duy trì hiện trạng cho đến tháng 11 rồi tính tiếp.

Bởi lẽ thời tiết khắc nghiệt của mùa đông ở khu vực này sẽ không cho phép thực hiện bất kỳ hành động quân sự nào, thậm chí ngay cả việc xây dựng. [5]

Tờ The Economic Times, Ấn Độ ngày 3/8 cho biết, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraji tuyên bố, chính phủ sẵn sàng cho bất kỳ tình huống leo thang nào ở biên giới, nhưng dù sao đàm phán vẫn là cách tốt nhất.

Bà Sushma Swaraji nói:

"Chúng tôi đang chuẩn bị cho tình huống nổ ra chiến tranh bất kỳ lúc nào, nhưng đó không phải là giải pháp. Đàm phán là cách tốt nhất cho chuyện này."

Phát biểu này của Ngoại trưởng Ấn Độ là nhằm đáp lại chỉ trích của nghị sĩ Rahul Gandhi - Phó chủ tịch đảng Quốc đại, cháu ngoại vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ - Jawaharlal Nehru.

Tháng trước, khi biên giới Trung - Ấn đang căng thẳng, ông Rahul Gandhi đã không tham vấn tình hình từ chính phủ, mà đi gặp Đại sứ Trung Quốc Luo Zhaohui để tìm hiểu. [6]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://news.dwnews.com/china/news/2017-08-03/60005000.html

[2]http://news.dwnews.com/china/news/2017-08-03/60005060.html

[3]http://news.xinhuanet.com/english/2017-08/03/c_136496924.htm

[4]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2105303/china-ramps-rhetoric-border-row-india

[5]http://www.financialexpress.com/india-news/doklam-standoff-india-is-working-on-two-options-to-resolve-border-issue-with-china-here-is-how/793533/

[6]http://economictimes.indiatimes.com/news/politics-and-nation/doklam-row-sushma-swaraj-says-rahul-gandhi-talked-to-chinese-envoy-not-his-own-government/articleshow/59901118.cms

Hồng Thủy