Sáng 8/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương về quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại hội nghị, thay mặt Bộ Quốc phòng Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã thông tin tình hình quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Thượng tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Cường - Báo Quân đội nhân dân |
Bàn giao thêm đất
Tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn cho biết, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng đưa vào hoạt động kinh tế khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là vấn đề lịch sử tồn tại từ sau năm 1975 đến nay.
Thời kỳ đầu, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 3.600 ha, đến năm 1975 là 1.500 ha, nay còn khoảng 1.060 ha. Trong đó, đất quốc phòng đang quản lý là hơn 489 ha, đất hàng không dân dụng quản lý hơn 107 ha; đất dùng chung hơn 464 ha.
Đến nay diện tích sân bay Tân Sơn Nhất chưa được quy hoạch một cách bài bản, căn cơ và xen kẽ nhiều đơn vị, trong khi công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên qua nhiều lần Bộ Quốc phòng kiểm tra, chấn chỉnh, hiện nay công tác quản lý, sử dụng đã đi vào nền nếp, các khu đất có mốc giới, ranh giới, tường rào bảo vệ.
Từ lâu việc tồn tại sân golf, biệt thự, nhà hàng trên đất do Bộ Quốc phòng quản lý ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất gây bức xúc - ảnh: Phương Linh (hình ảnh một góc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất) |
Theo Thứ trưởng Trần Đơn để công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong thời gian tới của các đơn vị chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan quân đội chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1002 năm 2016 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao Bộ Giao thông vận tải 19,7 ha đất quân sự trong sân bay Tân Sơn Nhất để giải quyết nhanh vấn đề thiếu sân đỗ máy bay. Đồng thời sẽ bàn giao thêm 14 ha để Bộ Giao thông vận tải làm nhà ga hành khách.
Về vấn đề sân golf, Thượng tướng Trần Đơn cho biết tinh thần chung là Bộ Quốc phòng chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.
“Sân golf là đất quốc phòng, thu hồi lúc nào cũng được. Nếu Chính phủ chọn phương án xây dựng thêm đường băng thì Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao. Nếu Chính phủ thu hồi thì chúng ta tính toán với nhà đầu tư cho hợp tình hợp lý”, ông Đơn nói.
Ðồng thời, Bộ Quốc phòng sẵn sàng bàn giao đất quốc phòng cho Bộ Giao thông vận tải triển khai các dự án giao thông và hồ điều hòa chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất.
Thấy gì từ tuyên bố sẵn sàng thu hồi sân golf của Đại tướng Ngô Xuân Lịch? |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Đơn khẳng định, các đơn vị Quân đội tuyệt đối không được ký kết mới hợp đồng cho thuê đất quốc phòng cũng như liên doanh liên kết trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ việc quy hoạch lại.
Ngoài ra, Tướng Trần Đơn cũng cho biết, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, trong vòng một tháng phải giải tỏa dứt điểm 3 cây xăng và 50 ki-ốt dọcđường Trường Chinh, tuyệt đối không cho thuê làm bất cứ ki-ốt nào khác để tạo hành lang thông thoáng cho khu vực phía Bắc sân bay.
Sau giải tỏa, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao đất bên ngoài hàng rào cho Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phục vụ các dự án cảnh quan đô thị, kết nối giao thông...
Đã vì lợi ích chung
Trước quan điểm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội Khóa XIII) khẳng định: “Những phát biểu của Thứ trưởng Trần Đơn cũng như quan điểm chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về vấn đề quản lý, sử dụng đất tại sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy trong mọi hoàn cảnh các đồng chí luôn vì mục đích chung”.
Bà An cho biết, ùn tắc cả trong và ngoài sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là vấn đề của riêng ngành giao thông vận tải hay Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nút thắt chung cần giải quyết cho kinh tế đất nước.
Theo đó với vị trí trung tâm và là đầu tàu kinh tế của đất nước, trong đó giao thông được coi huyết mạch của nền kinh tế. Dù đến nay chưa có báo cao đánh giá con số thiệt hại về kinh tế do ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng rõ ràng những bất cập vì thiếu điểm đỗ máy bay, thiếu nhà ga, thiếu đường lăn cất/ hạ cánh…gây ra tình trạng chậm/ hủy chuyến ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và lưu thông kinh tế.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII khẳng định quan điểm chỉ đạo việc quản lý đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua nhận được ủng hộ lớn của người dân- ảnh Ngọc Quang |
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, không chỉ trong sân bay Tân Sơn Nhất mà ùn tắc trong sân bay lan ra các tuyến đường bên ngoài sân bay, tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sự phối hợp của cả Bộ Quốc phòng, ngành giao thông vận tải và địa phương.
Trở lại những phát biểu chỉ đạo của Thượng tướng Trần Đơn trong đó có việc Bộ Quốc phòng bàn giao thêm đất để Bộ Giao thông vận tải làm nhà ga hành khách, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định: Vì lợi ích chung của đất nước, Bộ Quốc phòng đang trả lại đất để giải quyết vấn đề ùn tắc tại Tân Sơn Nhất là điều đáng mừng. Đáng mừng hơn khi Bộ Quốc phòng siết chặt quản lý đất quốc phòng bằng việc không cho thuê đất trong sân bay, giải tỏa ki-ốt và cây xăng.
“Tôi tin chỉ đạo của Bộ Quốc phòng liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ nhận được sự đồng tình lớn của người dân. Qua đó người dân càng thêm tin tưởng vào quân đội do dân mà ra, vì dân mà phục vụ”, bà An chia sẻ.