Liên quan vấn đề quản lý an toàn thực phẩm, thời gian qua trên nhiều phương tiện thông tin đã đăng tải ý kiến của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) về nội dung Nghị định 38 (sửa đổi) - Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm.
Theo đóVasep cho rằng, thủ tục “xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” như quy định hiên nay gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, để một sản phẩm thực phẩm đóng gói muốn được đưa ra thị trường buộc doanh nghiệp phải thực hiện các bước gồm:
- Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm.
- Sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi nộp hồ sơ gửi cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.
- Cuối cùng Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm.
Theo Vasep nên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm bằng cách "hậu kiểm", có nghĩa doanh nghiệp sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.
Nền sản xuất manh mún cộng với ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm còn thấp, để đảm bảo an toàn thực phẩm phải siết chặt quản lý ngay từ khi thực phẩm chưa được bày bán - ảnh nguồn TTXVN. |
Với đề nghị này doanh nghiệp sẽ có lợi khi không phải gửi hồ sơ xác nhận an toàn thực phẩm lên cơ quan chức năng, không phải chờ đợi mà có thể chủ động tự xác nhận. Điều này rõ ràng sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu để doanh nghiệp tự công bố liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm mà doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm hay không?
Chưa thể áp dụng
Trước những vấn đề và Vasep đặt ra, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chúng ta thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong đó nêu rõ phải tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm nói riêng.
Cùng với chủ trương đó tại dự thảo Nghị định 38 (sửa đổi) hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước đã giảm bớt một loạt thủ tục ví dụ như: Doanh nghiệp nhập nguyên liệu vào sau đó sản xuất và xuất khẩu thì không phải công bố, thay đổi kích cỡ bao gói của sản phẩm không phải công bố, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm sau đó xuất khẩu không phải ghi nhãn tiếng Việt…
Về việc Vasep đề nghị bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận phù hợp an toàn thực phẩm thay vào đó doanh nghiệp sẽ tự công bố và sản xuất còn cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra sau, ông Phong cho rằng, cách quản lý này chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Theo ông Phong việc để doanh nghiệp tự công bố và xác nhận an toàn thực phẩm trên thế giới chỉ có Singapore và Nhật Bản và một số nước tiên tiến ở Châu Âu áp dụng.
“Với điều kiện chúng ta hiện nay chưa thể áp dụng được bởi ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong nước chưa cao.
Câu chuyện rau hai luống, lợn hai chuồng hay chuyện dùng chất vàng ô, chất tạo nạc đưa vào thức ăn chăn nuôi, bơm tạp chất vào tôm... là điển hình cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về sản xuất thực phẩm của người dân còn thấp.
Ở các nước áp dụng việc cho doanh nghiệp công bố và sản xuất cơ quan chức năng hậu kiểm ý thức chấp hành pháp luật người dân, doanh nghiệp rất cao. Còn điều kiện chúng ta chưa áp dụng được”, ông Phong cho biết.
Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” Vasep đề nghị nên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm bằng cách "hậu kiểm" - ảnh Hoàng Lực. |
Theo ông Phong các nước gần chúng ta như: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Trung Quốc... tất cả sản phẩm thực phẩm đóng gói sẵn trước khi ra thị trường đều chịu sự quản lý, phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước. Thậm chí, có nước còn cấp giấy phép cho từng sản phẩm một.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết vừa qua Quốc hội tiến hành chương trình giám sát tối cao về An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2015.
Đoàn giám sát đã đi thực địa 21 tỉnh, thành phố kiểm tra 8 loại hình sản xuất kinh doanh thực phẩm. Kết quả cho thấy có lúc, có nơi vấn đề an toàn thực phẩm lên tới mức báo động đỏ.
Trong đó, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất an toàn thực phẩm là do ý thức chấp hành pháp luật của cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm.
Từ thực tế này, Quốc hội ra Nghị quyết 43, trong đó đưa ra giải pháp về an toàn thực phẩm đó là: “Kiểm soát chặt chẽ nông - lâm - thủy sản trước khi đưa ra thị trường” có nghĩa phải tiền kiểm chứ không phải hậu kiểm.
Kết luận 11 của Ban Bí thư Trung ương cũng nêu rõ: “An toàn thực phẩm có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển của đất nước… phải phấn đầu sớm đạt mục tiêu: Tất cả thực phẩm sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam đều là thực phẩm an toàn”.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm để thực phẩm sản xuất, kinh doanh, lưu thông an toàn bắt buộc phải tiền kiểm, chưa thể để doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm.
Thức ăn chăn nuôi quy định rất chặt
Chung quan điểm trên, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nếu để doanh nghiệp tự xác nhận sau đó đưa ra thị trường, trong trường hợp xảy ra mất an toàn thực phẩm thì dù có kiểm tra xử lý nhưng thực phẩm không đảm bảo đã tràn lan trên thị trường, thậm chí đã vào bữa ăn các gia đình.
Bà Nga cho rằng, chỉ đạo của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp rất cần thiết, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt.
“Nhưng chúng ta không thể hiểu sai, thông thoáng không có nghĩa tháo bỏ toàn bộ. Chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng cũng bảo vệ quyền hợp pháp của người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm”, bà Nga cho biết.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - ảnh Hoàng Lực |
Theo Thạc sĩ Trần Việt Nga ngay tại Việt Nam các lĩnh vực quản lý khác như thức ăn chăn nuôi việc cấp phép sản xuất cũng rất nghiêm.
Cụ thể, theo Nghị định 39 của Chính phủ vừa ban hành năm 2017 quy định quy trình cho phép thức ăn chăn nuôi đưa ra thị trường được kiểm soát rất chặt chẽ từ cơ sở vật chất phục vụ chế biến, kho bảo quản, công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi…, thậm chí loại thức ăn mới còn phải lập hội đồng khoa học để khảo nghiệm, thử nghiệm.
Ngay thức ăn chăn nuôi kiểm soát chặt thì không thể buông lỏng không quản lý thực phẩm dùng cho con người được.
Về việc Vasep cho rằng, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chờ đợi xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Bà Trần Việt Nga cho biết, hiện Cục An toàn thực phẩm đang thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý để xin xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Trên dịch vụ công trực tuyến doanh nghiệp có thể theo dõi trực tiếp hồ sơ xin cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đang ở đâu, do ai xem xét, phê duyệt… nếu chưa được cấp doanh nghiệp đều biết rõ lý do vì sao cấp hay không cấp.
Bà Nga cũng cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp không thực hiện đúng việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm dẫn đến thời gian kéo dài.
Theo bà Nga việc xin cấp công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm này có cơ chế xin cho hay không, quan điểm của Cục là ai sai sẽ xử lý nghiêm.
Nếu cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp sẽ xử lý nghiêm, không để vì lo ngại tiêu cực mà bỏ trình tự, quy định của pháp luật.