Các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm phối hợp với Khoa Sản thuộc Bệnh viện Bạch Mai cứu sống một phụ nữ mang thai 37 tuần bị sốt xuất huyết ngày thứ 4 trong tình trạng nguy kịch.
Tiến sĩ-Bác sĩ Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 26/7, bệnh nhân Kiều Thị Ch., 32 tuổi (tại Thanh Xuân, Hà Nội) mang thai lần hai đến 37 tuần thì nhập viện với dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, đau bụng, tử cung có cơn co, tim thai 150 lần/phút, âm đạo không ra máu, không ra dịch.
Trước đó, bệnh nhân Ch. đã khám ở một bệnh viện khác và thấy dấu hiệu thai bình thường, xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue nên đã chuyển đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Kết quả xét nghiệm lúc vào viện của bệnh nhân tiểu cầu hạ còn 101.000/mm3 máu, sau đó tụt nhanh xuống mức rất thấp, có lúc còn 35.000/mm3 máu.
Tiến sĩ-Bác sĩ Đỗ Duy Cường thăm khám cho sản phụ Ch. Ảnh: D.Hải/Sức khỏe đời sống. |
Tiến sĩ Cường cho biết, sau khi tiến hành hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, bệnh nhân được truyền dịch, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm co bóp tử cung... tránh hiện tượng đẻ non.
Đến chiều ngày 26/7, xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho thấy tiểu cầu hạ thấp còn 72.000/mm3 máu, bệnh nhân ra huyết âm đạo và có dấu hiệu chuyển dạ, có xuất huyết dạng chấm dưới da, phù mặt và cẳng tay, chân.
Theo các bác sĩ, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết, ở thai phụ này tiểu cầu hạ thấp có lúc còn 35.000/mm3 máu - là dấu hiệu nguy cơ chảy máu cho mẹ, nguy hiểm cho con. |
Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang khoa Sản để cấp cứu sản khoa, bệnh nhân vừa được hồi sức truyền 2 khối tiểu cầu vừa được các bác sĩ tiến hành đỡ đẻ.
Đến 21h cùng ngày, bệnh nhân đã đẻ thường thành công một bé gái nặng 2,8kg.
Sau khi đẻ, bệnh nhân Ch. đã được chuyển lại khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết vì vẫn còn sốt 38 độ C và tiểu cầu chưa trở về mức bình thường.
Sức khỏe của cả mẹ và con bệnh nhân Ch. tiến triển tốt, đã giảm sốt, dự kiến một vài ngày tới hai mẹ con có thể ra viện.
Hà Nội đứng thứ 19 cả nước về số ca sốt xuất huyết |
Theo Tiến sĩ Cường, trường hợp bệnh sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai là một trong những chỉ định cấp cứu và phải nhập viện bắt buộc dể theo dõi, bất kỳ trong giai đoạn nào cũng có nguy cơ cho cả mẹ và thai.
“Biểu hiện sốt xuất huyết trên phụ nữ có thai rất khó lường, do vậy chúng tôi khuyên là khi bệnh nhân có thai mắc sốt xuất huyết cần nhập viện điều trị”, Bác sĩ Cường khuyên.
Bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan thận.. hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như:
Dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, sốt xuất huyết dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai.
Tiến sĩ Cường cũng khuyến cáo các bà bầu không nên quá lo lắng bởi vì trên thực tế các em bé được sinh ra từ những bà mẹ mắc sốt xuất huyết đều không bị ảnh hưởng gì.
Vào năm 2015, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều trị sốt xuất huyết thành công cho khoảng 100 bà bầu, họ đề sinh con khỏe mạnh.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh sốt xuất huyết được gây ra do virus Dengue. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu nhiễm với chủng virus nào, thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Trong những năm gần đây, bệnh đã trở thành mối nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ mang thai ở các đô thị trong vùng nhiệt đới. Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến thai kỳ do 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Sốt xuất huyết trong thai kỳ thường gặp vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Để tránh tình trạng mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, các mẹ hãy phòng tránh bệnh ngay từ những tháng thai kì đầu: - Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quan bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng… - Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao. - Nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân. - Đặc biệt, bà bầu nên đi khám ngay khi có các triệu trứng nghi ngờ như sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, viêm long, xuất tiết…Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết phải nhập viện để được theo dõi và điều trị. |