Làm sao để trị "bệnh ngộ quyền lực" cho một số cán bộ, công chức?

18/08/2017 07:03
Trinh Phúc
(GDVN) - “Bất cứ một vị cán bộ như Bộ trưởng hay công chức cấp thấp ở phường, xã thì cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của họ thật rõ ràng và treo trước cửa trụ sở".

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc việc anh Nguyễn Danh Cường đưa em gái đến Ủy ban nhân dân xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) để xin dấu xác nhận nhân thân.

Thay vì đóng dấu xác nhận theo đúng quy định, lãnh đạo xã bút phê với nội dung “Bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.

Việc cán bộ phê phán cả gia đình công dân vào lý lịch của họ khiến dư luận bức xúc (ảnh Tư liệu).
Việc cán bộ phê phán cả gia đình công dân vào lý lịch của họ khiến dư luận bức xúc (ảnh Tư liệu).

Không lâu sau đó, thêm một trường hợp là em học sinh ở xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trúng tuyển đại học đi xác nhận lý lịch làm hồ sơ nhập học cũng bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã bút phê vào lý lịch:

“Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”.

Lý do của việc phê trong lý lịch sinh viên là vì gia đình em này không chịu đóng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới cho xã.

Đây là hai trong nhiều vụ việc nỗi cộm mà cán bộ cấp cơ sở đã thực hiện không đúng chức năng được giao.

Trao đổi với báo chí về các sự việc này, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Ở đây có một sự lạm quyền, các cán bộ này đang tự cho mình quyền nhận xét, đánh giá người dân”.

Vấn đề đặt ra hiện nay, làm sao phải hạn chế tối đa việc lạm quyền của cán bộ cơ sở, bởi tình trạng các hành vi lạm quyền đang có dấu hiệu gia tăng.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Võ Kim Sơn (ảnh nguồn báo Tuổi trẻ).
Phó Giáo sư, tiến sĩ Võ Kim Sơn (ảnh nguồn báo Tuổi trẻ).

Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, ngày 15/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Kim Sơn - nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia.

Phó giáo sư Võ Kim Sơn chia sẻ:

“Để hạn chế cán bộ chính quyền cơ sở lạm dụng quyền lực thì phải xác định thật rõ nhiệm vụ của cán bộ cơ sở, tức là quy định rõ họ được làm cái gì.

Như việc cần quy định rõ cán bộ xã có quyền được phê vào lý lịch hay không được phê vào lý lịch.

Khi quy định quyền của cán bộ đến đâu sau đó lập bảng treo ngay trước cửa làm việc hay trụ sở cơ quan để người dân và cán bộ đều biết rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của cán bộ.

Làm sao để trị "bệnh ngộ quyền lực" cho một số cán bộ, công chức? ảnh 3“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới”

Khi ai đó làm sai thì căn cứ vào đó mà xử lý. Sai thì phải phạt, đúng thì thôi.

Bất cứ quan chức từ Bộ trưởng hay  công chức cấp thấp nhất ở phường, xã, thị trấn cần thiết phải được xác định nhiệm vụ, quyền hạn thật rõ ràng và treo trước cửa trụ sở.

Khi đó, người dân đến trụ sở đều biết được nhiệm vụ mà cán bộ, quan chức phải thực hiện.

Quyền hạn quy định phải chỉ cho được cán bộ được làm những gì, ngoài ra cán bộ không được làm những công việc ngoài quy định.

Khi đã quy định rõ ràng, công khai nếu cán bộ không làm hết nhiệm vụ được giao, quá quyền, quá thời hạn tìm phải phạt.

Nguồn gốc cán bộ thích lạm quyền có nguyên do từ việc họ không rõ mình có quyền gì.

Vì không biết có quyền đến đâu nên cán bộ cứ tưởng rằng mình có quyền. Do đó, cần thiết phải quy định rõ ràng cụ thể quyền của cán bộ.

Như việc, chưa quy định rõ quyền của cán bộ trong việc kê khai lý lịch công dân nên mới xảy ra việc tự ý nhận xét trong lý lịch công dân”.

Trinh Phúc