Bản Troi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là một bản làng nằm heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, sát cạnh mốc biên giới Việt - Lào.
Cũng như bao bản làng khác ở xã miền núi này, những người thầy lên đây cắm bản dạy chữ cho học sinh phải trải qua bao vất vả, khổ cực.
Những đứa trẻ ở bản Troi, xã Thượng Trạch (Ảnh: Thủy Phan) |
Dạy chữ cho những học sinh ở đây, nhiều giáo viên cắm bản luôn coi việc học, việc ăn mặc… của các em như là việc của mình.
Từ việc dạy chữ đến quần áo, sách vở… nhiều giáo viên luôn chăm chút cho học sinh từng chút một. Bên cạnh đó, việc tạo mối quan hệ với phụ huynh là rất quan trọng để đảm bảo học sinh đến lớp chuyên cần.
“Công tác dân vận đầu năm rất quan trọng. Khi chuẩn bị bước vào năm học mới, chúng tôi phải tạo được mối quan hệ tốt với phụ huynh các học sinh. Vì nhiều khi đến ngày đi học rồi, có học sinh vẫn đi vào sâu trong núi thì giáo viên chúng tôi không biết đâu mà tìm.
Lúc này chỉ có nhờ phụ huynh vì chỉ họ mới biết chỗ để đi gọi con về. Vì vậy, tôi thấy việc tạo được mối quan hệ tốt với các phụ huynh là một phần rất quan trọng”, thầy Đỗ Hồng Thái, một giáo viên dạy ở bản Troi cho biết.
Các giáo viên luôn hy vọng, thế hệ các em học sinh mà các thầy chăm bẵm sẽ làm thay đổi vùng đất này vào một ngày không xa. (Ảnh: Thủy Phan) |
Không chỉ việc học, mà cả quần áo, cặp sách… của học sinh cũng được các giáo viên quan tâm.
Nhìn những em học sinh của mình đến lớp với bộ quần áo rách rưới, đôi chân trần đen nhẻm lấm đầy bùn đất khiến các thầy không khỏi suy nghĩ.
Vì vậy, khi về xuôi, nhiều thầy lại gom quần áo cũ, sách vở… từ người thân, hàng xóm hoặc từ nhiều nhà hảo tâm để đưa lên cho các em.
Không chỉ việc học, mà nhiều người thầy còn coi chuyện ăn mặc... của học sinh cũng là một phần trách nhiệm của mình. (Ảnh: Thủy Phan) |
Thầy Nguyễn Sỹ Hà, giáo viên ở điểm trường bản Troi cho biết: “Các em học sinh ở đây thiếu thốn nhiều lắm. Thương nhất là vào mùa đông, trời lạnh cắt da, cắt thịt nhưng các em vẫn với một tấm áo mỏng manh trong người. Vì vậy, khi về xuôi chúng tôi vẫn hay đi gom quần áo lên đây cho các em.
Chủ yếu quần áo cũ còn lành lặn của người thân, hàng xóm… Cũng có nhiều lần xin được quần áo mới, chiếc cặp sách mới lên cho các em”.
Điểm trường bản Troi có 18 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, được chia làm 2 lớp ghép do 3 thầy giáo phụ trách.
Lớp học ở bản Troi. (Ảnh: Thủy Phan) |
Em Đinh Ngáy (học sinh lớp 5) chia sẻ: “Em thích được đi học. Các thầy giáo nói học để sau này làm người tốt, làm nhiều việc có ích cho xã hội. Đến lớp em còn có quần áo mới, sách vở mới. Em thấy rất vui!”.
Dù ở phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng những người thầy suốt bao nhiêu năm cắm bản nơi vùng rẻo cao vẫn luôn cố gắng, nỗ lực với hy vọng một ngày không xa, thế hệ các em học sinh mà các thầy chăm bẵm sẽ làm thay đổi vùng đất này.