LTS: Từ câu chuyện thực tế của gia đình mình, tác giả Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm chỉ ra những bất cập cùng sự khác nhau về cách dạy, cách rèn luyện giữa trường công và trường tư.
Theo đó, tác giả cho rằng việc giảm tải gánh nặng trường công cũng giúp giảm cho ngân sách nhà nước một khoản tiền không nhỏ. Thiết nghĩ, nhà nước cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho những trường tư thục phát triển.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cô con gái út năm nay vào lớp 12, hiện đang theo học tại một trường công lập điểm của thị xã. Nhìn thấy con học và rèn luyện trong hai năm lớp 10 và 11 tôi cảm thấy lo ngại nên quyết định chuyển con vào một trường tư thục tại thành phố.
Ngày làm đơn xin chuyển trường không ít người tỏ ra tiếc rẻ “cháu học trường ấy là ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học nhiều năm, ngôi trường nhiều người trong vùng cũng muốn cho con mình vào học mà không được nay lại xin chuyển con vào trường tư thục thấy thật tiếc và uổng phí”.
Người lại thẳng thừng “người ta muốn vào trường công mà không được, cực lắm mới phải học tư thục thì nay đang từ trường công lại chuyển về tư thục giống làm chuyện ngược đời”. Bỏ qua những lời dèm pha, trách móc, gia đình vẫn quyết xin chuyển trường cho con.
Bởi, nhiều người chỉ mới nhìn cái vẻ bên ngoài, nhìn hình thức như danh tiếng ngôi trường, nghe nhiều lời đồn thổi theo lối truyền miệng mà nói thế. Nhưng, gia đình tôi mới thật sự biết và được trải nghiệm khi con mình học tại nơi ấy tới 2 năm.
Tại sao hiện nay nhiều gia đình lại muốn cho con học ở những trường tư thục (Ảnh minh họa: ngs) |
Cũng chẳng riêng gì ngôi trường này, nhiều phụ huynh có con đang học tại những trường công trong cả nước cũng có cùng tâm trạng. Nhiều người cũng muốn chuyển trường cho con nhưng gia đình họ lại chưa đủ điều kiện nên đành chịu.
Sau khi con vào học được một thời gian, qua việc tìm hiểu, theo dõi, chúng tôi càng thấy quyết định của gia đình mình là hoàn toàn đúng, giữa trường công và trường tư có khoảng cách khá xa về cách dạy, cách rèn luyện học sinh.
Trường công còn nặng về hình thức
Việc dạy, việc học và rèn luyện của học sinh còn mang nặng tính hình thức. Người ta quan tâm nhiều đến các chỉ tiêu thi đua và cố gắng đạt hoặc đạt một cách xuất sắc. Có điều cách làm lại mang tính “ăn xổi’.
Đơn cử để đạt tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến hoặc hạn chế học sinh yếu thay vì nâng cao chất lượng giảng dạy bằng cách kèm học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi thì một số trường công lại nâng điểm, dễ dãi trong cách đánh giá, nhận xét học sinh… nhờ đó, các chỉ tiêu đưa ra luôn đạt và đạt xuất sắc.
Ngược lại chất lượng học tập rèn luyện của các em chẳng hề tiến bộ nếu không muốn nói có chiều hướng lao dốc khi chính các em học hành chểnh mảng mà kết quả đạt được vẫn cao nên sinh ra tính ỉ lại và tự mãn.
Những gì giáo dục công lập không lo được, hãy để xã hội làm |
Hay chuyện dạy bơi cho học sinh. Nhiều trường tổ chức một cách rầm rộ, dạy đúng quy định về giờ giấc, số tiết… nhưng hết khóa học, số lượng học sinh thật sự biết bơi chỉ tính trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, trong các bảng báo cáo của nhà trường lại không đề cập chuyện này mà chỉ xuất hiện những thành tích như nhà trường đã hoàn thành việc dạy bơi cho toàn bộ học sinh.
Ngoài việc học, học sinh phải căng người để chạy theo các phong trào thi đua, các hội thi giao lưu của nhà trường mặc dù những điều bổ ích thu được từ những phong trào, những hội thi ấy chẳng đáng là bao.
Khi cần “đem chuông đi đánh xứ người” nhiều trường công mới dồn toàn lực vào để ôn luyện, nhồi nhét cho một bộ phận học sinh với mục đích đem vinh quang về cho giáo viên và nhà trường.
Để có những con số đẹp như học sinh lên lớp thẳng thì một số em nào đó dù không có khả năng cũng chẳng được phép lưu ban.
Thầy cô giáo sẽ tìm mọi cách hợp thức hóa số điểm mà các em đạt được. Lớp dưới dồn lên lớp trên và cứ thế chỉ có học sinh và gia đình các em gánh chịu.
Không ít thầy cô vì muốn dạy thêm nên không nhiệt tình trong việc giảng dạy chính khóa. Một số giáo viên dạy các môn lý thuyết lại thường ép học sinh phải học thuộc lòng từng chữ ghi trong vở hoặc sách giáo khoa gây cho học sinh nhiều áp lực và mệt mỏi.
Linh động dạy và học ở trường tư thục
Việc học và rèn luyện học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi, không phải lo chạy theo các phong trào, các hội thi nên thời gian dành cho việc kèm cặp và nâng cao trình độ học sinh được chú trọng.
Bộ Giáo dục không phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư |
Nhiều trường, ngoài buổi học chính khóa còn phân lớp theo trình độ năng lực của từng học sinh để giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ tiếp thu bài học. Nhà trường còn chủ động trong việc phân ban theo năng lực để học sinh ôn luyện được sâu, kĩ.
Do việc quản lý giáo viên chặt chẽ nên không có tình trạng thầy cô dạy trên lớp sơ sài, dạy ở nhà là chủ yếu. Bởi thế, ngay trong từng bài giảng trên lớp đều được giáo viên chuẩn bị chu đáo.
Thường xuyên có sự liên lạc và trao đổi tình hình học tập của học sinh với gia đình. Nhà trường luôn đánh giá về sự tiến bộ của các em.
Quản lý chặt chẽ việc dạy và học, việc rèn luyện thể chất của các em cũng được chú trọng, ngoài môn học bắt buộc như bơi còn nhiều môn năng khiếu để các em có sự lựa chọn cho mình.
Nhờ đó, chất lượng học tập của các em ngày một nâng lên rõ rệt. Phụ huynh khi gửi con vào học những ngôi trường như thế cũng yên tâm vì con cháu mình đang được dạy dỗ hết mình.
Càng ngày người dân càng có mong muốn được gửi con vào học ở những trường ngoài công lập vì lẽ đó. Có điều hệ thống những trường học như thế trong một tỉnh không nhiều nên những gia đình ít có điều kiện kinh tế dù muốn vẫn chưa thể thực hiện được.
Giảm tải gánh nặng trường công cũng là giảm cho ngân sách nhà nước một khoản tiền không nhỏ. Thiết nghĩ, nhà nước cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho những trường tư thục như thế phát triển.
Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thày cô giáo chân chính. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà. Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước. Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn, cùng thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng. Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước. Trân trọng! |