Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc có 45 công chức, số lượng lãnh đạo từ ban giám đốc sở đến lãnh đạo các phòng ban đã là 38 người, tức có tới gần 85% công chức sở làm lãnh đạo.
Trước đây, tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo từ cấp phó phòng trong tổng số 46 biên chế cũng khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Khi thông tin về lượng lãnh đạo chiếm áp đảo một cách bất thường tại Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc được báo chí đăng tải, dư luận lại được phen bàn tán xôn xao.
Công tác cán bộ vốn là khâu đòi hỏi nghiêm túc và giám sát chặt chẽ, nên việc “bội thực” lãnh đạo ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cần phải xem xét thấu đáo, xử lý nghiêm túc, nếu sai phải quy rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định.
Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh nguồn giaoduc.net). |
Ngày 26/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Hoàng Minh Quân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc để có thông tin cụ thể về vụ việc trên.
Ông Hoàng Minh Quân thừa nhận: “Hiện Sở đang thực hiện quyết định số 24 (ngày 9/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh, có hiệu lực từ ngày 19/8), sắp xếp lại và tinh giảm từ 13 phòng ban thành 10 phòng ban.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thừa lãnh đạo như báo chí nêu.
Hiện đang trong các bước sắp xếp chưa thể hoàn thiện, thời quá độ nên mới có tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên”.
Lần thứ hai sở giáo dục Vĩnh Phúc ‘bẻ cong’ Nghị định Chính phủ! |
Ông Hoàng Minh Quân cũng chia sẻ về những điểm khiến công tác điều chuyển cán bộ đang gặp những trở ngại cần thời gian để sắp xếp hợp lý.
Theo đó, diện cán bộ chuyên môn ở Sở thừa ra thì sắp xếp chuyển đi cơ sở rất thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
Tuy nhiên, đối tượng lãnh đạo phòng ban dôi dư ra, đa số tuổi đã cao, bố trí chuyên môn làm sao cho phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của họ thì cần phải tính kỹ.
Hiện đã có hướng, bước sắp xếp và trong vài tuần tới sẽ xong.
Cũng theo ông Hoàng Minh Quân, cụ thể ba phòng ban bị xóa là phòng pháp chế, giáo dục chuyên nghiệp, công nghệ thông tin.
Số lãnh đạo của các phòng này đang sắp xếp bố trí công việc. Trong khi, các chuyên viên của ba phòng này đã được điều đi cơ sở.
“Hướng sắp tới, sang đầu tháng 9 sẽ hoàn chỉnh. Sau khi sắp xếp xong, chính thức sẽ còn 10 phòng chuyên môn.
Tùy theo cơ cấu về việc làm, cơ cấu chức năng của từng phòng chúng tôi sẽ bố trí. Theo đó, mỗi phòng có tối đa từ 1 đến 2 phó phòng thôi”, ông Quân nói.
Trao đổi thêm về công tác tổ chức sắp xếp cán bộ sau khi rút 3 phòng ban, ông Quân cho rằng: “Vấn đề sắp xếp cán bộ không phức tạp nhưng nó hơi khó.
Công tác này đòi hỏi thận trọng, phải đảm bảo được quyền lợi của các đối tượng sắp xếp.
Tránh xáo trộn, không bình thường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các lãnh đạo nên công tác này đòi hỏi từng bước thận trọng.
Chuyển cán bộ nhân viên bình thường vào vị trí khác rất là dễ nhưng chuyển lãnh đạo cần cân nhắc, kỹ lưỡng một chút nên mới dẫn đến tình trạng thừa lãnh đạo như hiện nay.
Chứ trước đây 13 phòng ban giữ nguyên thì không có hiện tượng 38 lãnh đạo/45 biên chế như hiện nay”.
Ông Hoàng Minh Quân cho biết thêm: “Tình trạng này phát sinh thời điểm tháng 8. Kiểm toán Nhà nước đến làm việc tại sở vào giữa tháng 6 đến đầu tháng 7.
Việc thực hiện điều chuyển cán bộ đã được thực hiện từ đầu năm 2017, theo đề án 01 của Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc (ngày 30/11/2016).
Sang đầu năm 2017 đã bắt đầu sắp xếp và chính thức có quyết định giảm đi 3 phòng vào ngày 8/9.
Thời điểm, Kiểm toán Nhà nước làm việc kiểm tra Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã giảm phòng pháp chế và còn 12 phòng ban.
Đến thời điểm này chính thức đã giảm còn 10 phòng ban”.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu từ Giám đốc Sở Hoàng Minh Quân.
Để xác minh thêm thông tin, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Lan, lãnh đạo tỉnh đã nắm được thông tin vụ việc và đã chỉ đạo xác minh, báo cáo vụ việc thừa cấp lãnh đạo tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Tỉnh sẽ công bố kết quả xác minh khi có kết luận.