Bài học về đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng tháng Tám

02/09/2017 06:29
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Từ thực tiễn đấu tranh gian khổ, chỉ có sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết dân tộc, nhân dân Việt Nam mới thắng được kẻ thù...

LTS: Chiến thắng của dân tộc trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu về sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dịp 72 năm Cách mạng tháng Tám và chào mừng Quốc khánh 2/9, nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tá Đặng Việt Thủy gửi đến quý độc giả bài viết về bài học đại đoàn kết toàn dân trong sự kiện lịch sử này của dân tộc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam đã đập tan được ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế đã từng ngự trị ngót một nghìn năm trên đất Việt Nam, lập ra một nhà nước thực sự "của dân, do dân, vì dân".

Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành chủ nhân của đất nước, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho cách mạng nước ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đó là "một cuộc đổi đời chưa từng có đối với mỗi người Việt Nam" (1).

Hình minh họa: camranh.khanhhoa.gov.vn.
Hình minh họa: camranh.khanhhoa.gov.vn.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có bài học về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở công nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu truyền từ đời này sang đời khác.

Nhân dân ta luôn kế thừa và phát huy tuyền thống quý báu đó.

Từ thực tiễn đấu tranh gian khổ, chỉ có sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết dân tộc, nhân dân Việt Nam mới thắng được kẻ thù, dù có tạm thời thất bại hay bị đô hộ nhiều thế kỷ, gần 100 năm hay mấy chục năm.

Và cũng từ thực tiễn sinh động ấy, đã sớm nảy sinh trong lòng mỗi người dân Việt Nam về ý thức, tinh thần đoàn kết:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Hay là:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân cả nước ta đoàn kết một lòng, không quản hy sinh, gian khổ, anh dũng đứng lên cứu nước, cứu nhà.

Bài học về đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng tháng Tám ảnh 2

Cách mạng Tháng Tám và Nhà nước của dân, do dân, vì dân

Con đường cứu nước theo cách mạng vô sản đã tập hợp mọi lực lượng của nhân dân trong nước và các lực lượng tiến bộ trên thế giới, xây dựng được khối đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất và Mặt trận đoàn kết quốc tế.

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc phải chống lại sức mạnh của bọn thực dân, đế quốc, tuy giữa các nước đế quốc mâu thuẫn với nhau song cũng liên kết để chống cách mạng.

Chúng lại được bọn tay sai phản động trong nước giúp sức để đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân.

Sự đoàn kết trong nước của Mặt trận dân tộc thống nhất, được xây dựng trên cơ sở công nông liên minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân sẽ tạo nên sức mạnh để chiến thắng kẻ địch.

Sự đoàn kết quốc tế tăng thêm sức mạnh trong nước.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra bài học mang tính chất nguyên lý về sự đoàn kết và việc thành công trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công" (2)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế được thể hiện qua việc thành lập và hoạt động của các hình thức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất và là một nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngay từ đầu những năm bốn mươi của thế kỷ trước, nhận định Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra là thời cơ thuận lợi để cách mạng giải phóng dân tộc thành công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (ngày 10 đến 19/5/1941) đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương VIII về đoàn kết toàn dân và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, Hội Việt Nam độc lập đồng minh, viết tắt là Việt Minh, được thành lập ở Pác Bó (Cao Bằng) ngày 19/5/1941.

Bài học về đại đoàn kết toàn dân trong Cách mạng tháng Tám ảnh 3

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự kế tục các hình thức tổ chức của mặt trận dân tộc thống nhất trước đó - Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Việc Mặt trận Việt Minh được thành lập thể hiện tư tưởng đoàn kết dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Ngay từ khi về nước, Người đã mở các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ và "tổ chức thí điểm Việt Minh ở ba châu Hòa An, Hà Quảng và Nguyên Bình (từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1941), các tổ chức cứu quốc đầu tiên đã ra đời thu hút hơn 2000 hội viên, gồm đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi, các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông... tham gia" (3).

Mặt trận Việt Minh được tổ chức khắp cả nước, từ khu giải phóng Cao Bằng đến hầu hết các địa phương.

Sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân được thể hiện trong Mặt trận dân tộc thống nhất là các thành viên của Mặt trận: Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Hội thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Học sinh cứu quốc đoàn...

Sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, giai cấp xã hội được huy động, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, dân tộc, tôn giáo, được tập hợp trong một tổ chức rộng lớn và các đoàn thể quần chúng cùng một một mục tiêu là cứu nước, giải phóng dân tộc.

Đây là mục tiêu cấp bách lúc đó và đã có sức thu hút mọi người dân tham gia.

Sau khi Việt Minh và các Hội cứu quốc ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một loạt bài đăng trên các báo Việt Nam độc lập, Dân cày, Phụ nữ, Công nhân, Trẻ con, Các binh lính... để động viên tinh thần đấu tranh, sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, các giới.

Nội dung các bài viết đều tố cáo tội ác của bọn thực dân, đế quốc đối với nhân dân ta, kêu gọi tham gia Việt Minh, Hội cứu quốc để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Có thể lấy một số ví dụ sau:

Mở đầu bài "Mười chính sách của Việt Minh", Người viết:

                        "Việt Nam độc lập đồng minh,

                        Có bản chương trình đánh Nhật, đánh Tây.

                        Quyết làm cho nước non này

                        Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:

                        Làm cho con cháu Rồng, Tiên,

                        Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta,

                        Có mười chính sách bày ra,

                        Một là ích nước, hai là lợi dân..." (4)

Trong bài "Dân cày" có những câu:

                        "... Thân người chẳng khác thân trâu,

                        Cái phần no ấm có đâu đến mình.

                        Muốn phá sạch mối bất bình,

                        Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào.

                        Để cùng toàn quốc đồng bào,

                        Đánh Pháp, Nhật, gây phong trào tự do..." (5)

Đối với công nhân, Người viết:

                        "Cùng nhau vào hội Việt Minh,

                        Ra tay tranh đấu, hy sinh mới là.

                        Bao giờ khôi phục nước nhà,

                        Của ta ta giữ, công ta ta làm."(6)

Đối với binh lính người Việt trong quân đội thực dân Pháp, Người chỉ ra con đường chính nghĩa cho họ:

                        "Anh em binh lính ta ơi!

                        Chúng ta cùng giống, cùng nòi Việt Nam

                        Việc chi lợi nước thì làm,

                        Cứu dân, cứu quốc há cam kém người!

                        Trong tay đã sẵn súng này,

                        Quyết quay đánh Nhật, đánh Tây mới đành.

                        Tiếng thơm sẽ tạc sử xanh:

                        "Việc binh, việc quốc" rạng danh muôn đời!" (7)

Đối với "Trẻ con", Người viết:

                        "Trẻ em như búp trên cành,

                        Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.

                        Chẳng may vận nước gian nan,

                        Trẻ em cũng bị bận thân, cực lòng.

                        Học hành, giáo dục đã không,

                        Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa..."

                        "... Vậy nên con trẻ nước ta,

                        Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

                        Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

                        Trẻ em cũng phải ra giành một vai.

                        Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

                        Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng." (8)

Bài học về đoàn kết được Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra trên cơ sở trình bày quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong tác phẩm "Lịch sử nước ta", được Người biên soạn khi mới về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đây là một cuốn sử diễn ca, nêu bật truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc sâu sắc.

Người đã đánh thức lòng tự hào dân tộc:

                        "Xét trong lịch sử Việt Nam,

                        Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng,

                        Nhiều phen đánh bắc dẹp đông

                        Oanh oanh liệt liệt con Rồng, cháu Tiên!

Sau khi khêu gợi nỗi nhục mất nước, Người khẳng định:

                        "Chúng ta có Hội Việt Minh

                        Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh."

Mục đích cuối cùng mà tác phẩm hướng đến là kêu gọi tất cả những người Việt Nam hãy cùng đứng dậy đấu tranh để xứng đáng với lịch sử hào hùng mà cha ông đời xưa đã viết.

Theo Người, nhân tố cơ bản nhất làm nên thành công đó là sự đoàn kết.

Người viết:

                        "Dân ta xin nhớ chữ đồng,

                        Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!" (9)

Việc giáo dục tư tưởng qua thơ ca, tuyên truyền vận động như vậy đã có làm cho quần chúng nhân dân tiếp thu quan điểm, đường lối của Đảng, của Mặt trận cũng như thấm nhuần truyền thống, tinh thần đoàn kết trong hành động cách mạng của mình.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 bắt nguồn từ sức mạnh của quần chúng nhân dân, đoàn kết thành một khối vững chắc, tập hợp trong Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Vì vậy, sức mạnh của nhân dân trong Cách mạng tháng Tám chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, tổ chức và rèn luyện.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân" (10); "Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên" (11).

Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tài liệu tham khảo:

(1)- Lê Duẩn, "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới", Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội - 1970, trang 13.

(2)- Hồ Chí Minh, "Toàn tập", tập 10, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1996, trang 607.

(3)- Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, "Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1995, trang 37.

(4), (5), (6), (7), (8)- "Tuyển tập Văn Thơ Hồ Chí Minh", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2008, trang 553, 555, 558, 559, 557.

(9)- "Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam", Tập 6, Nhà xuất bản Trẻ, TP Hồ Chí Minh - 2008, trang 261.

(10)- Hồ Chí Minh, "Toàn tập", Tập 10, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội - 2011, trang 543.

(11)- Hồ Chí Minh, "Toàn tập", Tập 5, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự Thật, Hà Nội - 2011, trang 501-502.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY