Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Ngày 31/8, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
“Quan điểm của tôi là đã có vi phạm thì kiên quyết xử lý theo đúng quy định hiện hành, không phân biệt cơ sở đào tạo lớn hay nhỏ.
Theo đó, trong thời gian tới, Học viện phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo đúng kết luận của Thanh tra Bộ”.
Bởi theo bà Phụng, việc phân công người hướng dẫn khoa học vượt quá quy định trước hết là sự vi phạm quy chế đào tạo.
Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luận án ở góc độ luận án không được thực hiện trong điều kiện tốt nhất, với chất lượng cao nhất có thể.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định, Học viện Khoa học Xã hội phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo đúng kết luận của thanh tra Bộ. (Ảnh: Xuân Trung) |
Cũng như các sai phạm khác, Học viện Khoa học xã hội sẽ phải báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra này về Bộ (qua Thanh tra) trước ngày 30/9/2017.
Trước những lo ngại của dư luận về việc sao chép luận văn, luận án tiến sĩ, bà Phụng khẳng định:
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 08/2017 đã quy định một số nội dung cụ thể hơn để đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án trong việc ngăn chặn việc sao chép (khoản 4 Điều 14), quy định cụ thể việc xử lý vi phạm trong trường hợp phát hiện sao chép (điểm b khoản 2 Điều 31).
Ngoài ra, cũng quy định các cơ sở đào tạo tiến sĩ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chống sao chép để rà soát nội dung các luận án tiến sĩ, hỗ trợ kỹ thuật cho đánh giá của hội đồng.
Gắn mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy oai với thiên hạ |
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Bộ cũng thực hiện rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở đào tạo.
Trong điều kiện các cơ sở đào tạo càng được tự chủ thì càng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở đào tạo vi phạm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải dựa trên tinh thần tự giác của các cơ sở đào tạo;
Trong đó đặc biệt quan trọng là người đứng đầu cơ sở đào tạo, hội đồng khoa học đào tạo và cá nhân các nhà khoa học để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, văn hoá chất lượng tại các cơ sở đào tạo.
Từ sự việc của Học viện Khoa học xã hội, bà Phụng lưu ý:
Các cơ sở đào tạo cần rà soát lại quy trình quản lý chất lượng, các nhà khoa học cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình hướng dẫn, đánh giá luận văn, luận án;
Cơ quan quản lý nhà nước cũng đổi mới công tác quản lý phù hợp với điều kiện tự chủ của các cơ sở đào tạo.
Và để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, bên cạnh việc ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ mới (thông tư số 08/2017), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017.
Thông tư này quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
Nghịch lý tiến sĩ đúng quy trình |
Trong đó, nâng cao quy định về đội ngũ giảng viên, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học cũng như việc phối hợp với các cơ quan sử dụng lao động trong đào tạo và nghiên cứu khoa học để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Được biết, năm 2017 Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội.
Tại Kết luận thanh tra số 73/KL-TTr ngày 28/7/2017 đã nêu rõ:
“Học viện chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung kiến nghị của Kết luận thanh tra số 24/KL-TTr ngày 18/11/2014:
Chưa có báo cáo chi tiết về đội ngũ giảng viên cơ hữu của từng ngành, chuyên ngành của Học viện và của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham gia giảng dạy tại Học viện để xác định chỉ tiêu tuyển sinh;
Chưa thực hiện kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có thiếu sót, sai phạm; chưa thực hiện cân đối quy mô các ngành/chuyên ngành đào tạo (trong đó có chuyên ngành luật)”.
Ngoài ra, kết luận thanh tra cho thấy, đội ngũ cán bộ/giảng viên của Học viện đáp ứng yêu cầu duy trì chất lượng từng ngành nhưng có 8 ngành quy mô đào tạo đã vượt năng lực.