The New York Times ngày 4/9 đưa tin, vụ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hôm Chủ nhật vừa qua đã đẩy 2 đồng minh Hoa Kỳ - Hàn Quốc vào mâu thuẫn trong lúc cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết. [1]
Tổng thống Donald Trump đã khiến người dân Hàn Quốc nghi ngờ tính bền vững của quan hệ đồng minh gắn bó suốt mấy chục năm qua.
Thứ Năm tuần trước, ông Donald Trump viết trên Twitter: Đàm phán đã không còn là câu trả lời (cho vấn đề Bắc Triều Tiên lúc này)." [2]
Thứ Bảy tuần trước, Tổng thống Mỹ đe dọa rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc. [3]
Và sau vụ thử bom nhiệt hạch mà Bình Nhưỡng tiến hành hôm Chủ nhật 3/9, ông Donald Trump viết trên Twitter:
"Hàn Quốc đang tìm kiếm điều mà tôi đã từng nói với họ, rằng sự nhân nhượng của họ trong đàm phán với Bắc Triều Tiên sẽ chẳng đi đến đâu." [1]
Đồng minh mâu thuẫn
The New York Times nhận định, phát biểu này của ông Donald Trump đã khiến các quan chức (Hàn Quốc) choáng váng.
Ảnh minh họa: Junkee.com. |
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết tìm cách đối thoại với Bình Nhưỡng ngay từ khi còn tranh cử. Sau phát biểu của ông Donald Trump, Nhà Xanh đã lập tức lên tiếng:
"Chúng tôi không bao giờ có thể chấp nhận một cuộc chiến tranh thảm khốc trên mảnh đất này.
Chúng tôi sẽ không từ mỏ mục tiêu của mình là hợp tác với các đồng minh để tìm kiếm một giải pháp hòa bình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên."
Ngày thứ Hai 4/9, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn đã điện đàm với nhau, nhất trí dỡ bỏ giới hạn trọng lượng đầu đạn tên lửa thông thường của Hàn Quốc ở mức 500 kg.
Đây là một phần của hiệp ước Mỹ - Hàn nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Việc dỡ bỏ giới hạn cung cấp cho Seoul sức mạnh lớn hơn để đối phó với đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Ông Moon Jae-in cũng đồng ý với ông Donald Trump về việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và gây áp lực tối đa lên Bình Nhưỡng thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên Tổng thống Hàn Quốc lập luận rằng, nếu chỉ có trừng phạt và tăng áp lực sẽ không ngăn chặn được chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh một giải pháp hòa bình cho bán đảo, vì nếu xảy ra chiến tranh, người dân Hàn Quốc sẽ "lãnh đủ", chứ không phải người Mỹ.
Sau vụ Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần đầu tiên hồi tháng Bảy, ông Moon Jae-in đã cho phép lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc mà trước đó ông phản đối.
Tổng thống Hàn Quốc chấp nhận điều này bất chấp việc Trung Quốc trả đũa bằng cách ép hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai phải đóng cửa các dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc. [1]
Bắc Kinh "tọa sơn quan hổ đấu"
CNN ngày 4/9 (tức 5/9 giờ Hà Nội) đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không có bất kỳ phát biểu công khai nào về vụ Triều Tiên thử bom nhiệt hạch, khi ông khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Triều Tiên tăng áp lực lên Mỹ, Hàn Quốc không có lựa chọn nào ngoài ép để đàm |
Đây là lần thứ 3 trong năm nay Bình Nhưỡng làm lu mờ một sự kiện lớn Trung Quốc đăng cai tổ chức.
Mike Chinoy, cựu trưởng văn phòng đại diện CNN ở Bắc Kinh cho rằng, việc Bình Nhưỡng chọn vài giờ trước khi ông Tập Cận Bình khai mạc hội nghị thượng đỉnh BRICS để thử bom nhiệt hạch là một sự cố ý.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng lên án vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Trung Quốc khá im ắng, trong khi một số nhà quan sát Trung Quốc bắt đầu tỏ ra lo lắng.
Giáo sư Trương Liên Quý từ Trường Đảng trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết:
"Nhiều người Trung Quốc ủng hộ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vì nghĩ rằng nó đang nhằm vào Mỹ, chứ không phải mối đe dọa với Trung Quốc.
Trong khi những người khác tin rằng, nỗ lực của Trung Quốc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ giúp nước Mỹ (chứ không phải Trung Quốc)".
Trong khi đó nhiều nhà phân tích phương Tây tin rằng, cho dù không ưa gì Bắc Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh không ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân vì hai lý do.
Một là Trung Quốc sợ một cuộc khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn đổ sang quốc gia này.
Hai là, Bắc Triều Tiên vẫn đóng vai trò vùng đệm chiến lược giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, quốc gia đang duy trì lực lượng quân sự khá lớn tại Hàn Quốc. [4]
Thời báo Hoàn Cầu bản tiếng Trung Quốc hôm nay tập trung đưa tin về hội nghị thượng đỉnh BRICS, bản tiếng Anh hôm nay có bài xã luận cho rằng Trung Quốc là "nạn nhân" của cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên.
Tờ báo khẳng định, sẽ không bao giờ có sự giúp đỡ từ Bắc Kinh nếu Washington và Seoul tin rằng, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng.
Thời báo Hoàn Cầu khuyên Mỹ:
"Washington cần phải chấp nhận thực tế là họ không còn giữ quyền lực tuyệt đối trên thế giới này.
Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên dù sức mạnh hạn chế, họ vẫn có thể đối đầu với Hoa Kỳ vì những lý do mà người Mỹ không thể hiểu được.
Thị uy, giễu võ dương oai sẽ không đe dọa được Bình Nhưỡng. Washington cần kiên nhẫn để tìm cách tháo gỡ bế tắc.
Nếu Triều Tiên mà Mỹ còn không đủ khả năng kiềm chế, thì làm sao có thể buộc các cường quốc như Trung Quốc và Nga thỏa mãn yêu cầu của Washington thông qua trừng phạt và răn đe?
Washington cần chấp nhận thực tế một thế giới đa dạng và quan hệ quốc tế mới. Bằng cách này, Mỹ có thể thích ứng với vai trò, vị thế lãnh đạo thế giới mà nước này mong muốn." [5]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.nytimes.com/2017/09/04/world/asia/north-korea-nuclear-south-us-alliance.html
[2]https://twitter.com/realDonaldTrump/status/902875515534626817
[3]https://www.nytimes.com/2017/09/02/world/asia/us-south-korea-trade.html
[4]http://edition.cnn.com/2017/09/04/asia/north-korea-china/index.html
[5]http://www.globaltimes.cn/content/1064713.shtml