LTS: Trước những khó khăn, thiếu thốn tại điểm trường Trống Hầu Bua xã Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải, tác giả Hà Dịu đã có bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với mong muốn được chia sẻ và bày tỏ sự trân trọng trước ý chí, nghị lực của cô và trò nơi đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết và những hình ảnh đầy xúc động này.
Trẻ con 3,4 tuổi phải đi bộ cả cây số mới tới trường, bữa cơm mang theo chỉ có nửa con cá khô.
Cô giáo lên bản dạy học nhiều khi trời mưa phải đi bộ gần 5 cây số về nhà với con vì đường trơn không thể chạy xe máy là những khó khăn vất vả của rất nhiều cô giáo và trẻ em vùng cao.
Dưới đây là những nét khắc họa tại điểm trường Trống Gầu Bua xã Hồ Bốn huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Theo cô Giàng Thị Ca, hiệu trưởng trường mầm non Hoa Huệ của xã Hồ Bốn thì ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã thì còn có 5 điểm trường nằm rải rác trong các bản, điểm gần nhất cũng hơn 4 cây số và điểm xa nhất khoảng 15 cây số.
Đường vào bản gập ghềnh và đầy đá hộc. Ngày mưa thì trơn trượt không đi xe nổi. |
Theo chân cô hiệu trưởng và một vài cán bộ xã, đoàn cứu trợ của công ty sữa NutiFood đã phải chở sữa vào bản bằng xe máy trên con đường đất đầy sỏi đá vừa dốc vừa trơn vì trời mưa to.
Đại diện NutiFood trao sữa cho các cháu. |
Chia sẻ với Mù Cang Chải sau đợt lũ quét, công ty NutiFood đã hỗ trợ 100 triệu đồng tiền mặt để xây lại cơ sở 2 của trường tiểu học và trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải, nơi vừa bị lũ cuốn sập tường tầng 1 và hơn 800 triệu đồng tiền sữa tặng cho các trường mầm non của huyện.
Niềm vui khi được tặng quà của các bé. |
Đoạn đường chỉ có hơn 4 cây số thôi nhưng phải mất gần 1 tiếng đoàn mới tới nơi vì đường quá trơn phải đi thật chậm, nhiều đoạn còn phải xuống đi bộ và đẩy xe vì sa lầy.
Chỉ yếu tay lái một chút thôi là mọi người có thể ngã xe và rơi xuống vực.
Thấy các thành viên trong đoàn xanh mặt, anh cán bộ xã cười nói cô giáo ở bản này ngày nào chẳng đi và về. Hôm nay trời không mưa chứ hôm trời mưa phải quấn xích vào bánh xe mà có khi còn không đi nổi.
Cô giáo phụ trách lớp tên Lò Thị Len, quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái. Chồng ở Văn Chấn, cô đưa con hơn 3 tuổi lên đây dạy học.
Cô trò cơ sở chính trường mầm non Hồ Bốn. |
Cô và con trai thuê nhà ở dưới trung tâm xã Hồ Bốn. Con trai học ở cơ sở chính là trường mầm non Hoa Huệ còn cô lên bản Trống Hầu Bua đứng lớp. Một tháng, có khi hơn, 2 mẹ con mới về nhà ở Văn Chấn.
Chính vì thế mà những hôm trời mưa to, không thể đi xe máy xuống được, cô Len đành phải lội bộ hơn 4 cây số về nhà vì không thể bỏ con trai 1 mình được.
Cô Ca, hiệu trưởng của trường cho biết ở đây các giáo viên sẽ thay phiên nhau đi các bản, cứ 1 năm lại luân chuyển 1 lần.
Điểm trường mầm non Trống Gầu Bua hiện chưa xây dựng xong nên vẫn còn học nhờ nhà sinh hoạt của bản. Chính vì thế mà chưa có bếp để nấu ăn cho các em học sinh.
Các con vẫn phải hàng ngày mang cơm tới trường để ăn. Phòng học mới vừa xây xong gần đó và sắp đưa vào sử dụng.
Ngôi trường mới sắp đưa vào sử dụng. |
Ở đây có khoảng hơn 30 em trong độ tuổi từ 3-5 tuổi học chung với nhau. Các em không được cha mẹ đưa đón mà phải tự đi bộ tới lớp.
Đường tới trường gập ghềnh. |
Bé lớn dìu bé nhỏ, mỗi ngày các em đi bộ hơn cây số có khi hơn 2 cây số mới tới được trường.
Đường đến trường vất vả gian nan như vậy nhưng nhìn vào những cặp lồng cơm các em mang theo hầu như thiếu chất dinh dưỡng lại càng thương hơn.
Cô bé với suất cơm mang theo của mình. |
Mỗi bé đến lớp sẽ được bố mẹ chuẩn bị cho một phần ăn bỏ vào cặp lồng mang tới trường. Có em không có cặp lồng bố mẹ phải bỏ cơm vào túi ni-lông.
Nhiều em không có cặp lồng con mang cơm đi học mà phải bỏ vào túi ni-lông. |
Đến giờ ăn, tất cả các bé sẽ ngồi vào bàn, lấy phần cơm của mình ra ăn. Những phần ăn nhìn vào mà muốn rơi nước mắt vì chỉ có cơm và nửa con cá khô, hay hai con cá nướng bé tí, vài miếng măng rừng xào chứ tuyệt nhiên không có rau và canh.
Suất cơm chỉ có măng rừng. |
Thế nhưng những đứa trẻ vẫn hồn nhiên xúc, hồn nhiên bốc ăn ngon lành. Có khi 2 chị em bốc chung 1 cặp lồng vì mẹ chỉ chuẩn bị có 1 cái.
Hai chị em ăn chung 1 cặp lồng cơm mang theo. |
Anh cán bộ xã kể nhiều khi ăn không hết thì chiều trên đường đi học về các em sẽ vừa đi vừa bốc ăn và tới nhà là hết.
Em bé học sinh vừa đi bộ vừa bốc cơm để ăn. |