Ngân hàng thế giới đã chính thức công bố kết quả đánh giá tác động VNEN triển khai tại Việt Nam.
Báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Quỹ Dubai Cares, Chương trình Hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong.
Theo báo cáo, VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai vào năm 2011- 2012 tại 6 tỉnh thành trên 3 khu vực Bắc, Trung, và Nam; bao gồm 48 lớp học. Sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc.
Việt Nam có đủ điều kiện để nhận tài trợ từ Tổ chức Hợp tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE) - tổ chức này được ủy nhiệm để tài trợ ngân sách cho các nước nhằm đạt mục tiêu Giáo dục cho mọi người vào năm 2015.
Được biết, khi đánh giá về thái độ của phụ huynh về VNEN, theo báo cáo cho thấy:
Theo báo cáo, phụ huynh khi biết về VNEN có xu hướng ủng hộ trường học này (Ảnh chụp màn hình) |
Số liệu cho thấy rằng phần lớn cha mẹ học sinh ủng hộ VNEN. Phụ huynh ủng hộ VNEN vì theo họ VNEN mang tới hiệu năng học tập cho các em cũng như các kỹ năng khác như giao tiếp, lãnh đạo và tổ chức. Phụ huynh VNEN phần lớn là nông dân, và chỉ rất ít trong số đó có bằng cấp 3.
Tuy nhiên họ rất tích cực tham gia vào giáo dục cho con em mình và có nhận thức tốt, chi tiết về phương pháp VNEN, ví dụ như Hội đồng tự quản học sinh.
Học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống
Theo báo cáo, điểm thi của môn Tiếng Việt và Toán cho thấy học sinh của VNEN có sức học bằng hoặc hơn học sinh ở lớp học truyền thống. Điểm số của học sinh VNEN cũng như các trường nhóm kiểm soát tăng lên khi các em lên lớp cao hơn.
Cũng theo báo cáo này, học sinh VNEN có điểm trung bình cao hơn ở mốc cơ sở của nghiên cứu - 18 tháng sau khi bắt đầu dự án. Khác biệt này được duy trì qua các năm, mặc dù có sự thu hẹp dần lại trong hai năm sau.
Ngân hàng thế giới đánh giá tác động của mô hình trường học mới (VNEN) ( Ảnh chụp màn hình) |
Sự chênh lệch về học lực của học sinh trong nhóm các trường VNEN có liên quan đến sự thay đổi cường độ học tập của chương trình.
Báo cáo cũng ghi rõ: VNEN đã có những tác động tích cực đến việc phát triển kĩ năng nhận thức và phi nhận thức của trẻ em Việt Nam, cần được công nhận và thông báo cho tất cả các bên liên quan.
Chi phí của toàn bộ chương trình vào khoảng 85 triệu USD và mang lại lợi ích cho khoảng nửa triệu học sinh trong suốt bốn năm, chưa kể các em học sinh được hưởng lợi trong tương lai.
Học sinh VNEN có thời lượng hoạt động cá nhân như thế nào?
Theo báo cáo, phân tích video cho thấy học sinh VNEN được tiếp cận với nhiều con đường học tập khác nhau như thế nào.
Các em học sinh có các hoạt động khám phá và thảo luận mang tính sư phạm nổi bật hơn, cũng như có thêm các cơ hội thực hành và giải quyết vấn đề thông qua cả hoạt động cá nhân và tập thể.
Trong khi học sinh VNEN thường có thời lượng hoạt động cá nhân tương tự như học sinh mô hình truyền thống, có một điểm khác biệt rõ ràng là lớp học VNEN dành nhiều thời gian cho hoạt động của nhóm hơn là hoạt động cả lớp.
Vì bài tập nhóm cho phép các quá trình nhận thức diễn ra nhiều hơn so các hoạt động chung của cả lớp, nên lớp học VNEN có thể mang lại hiệu quả giảng dạy cao hơn.
Mặc dù có sự khác biệt giữa các trường học và trong các lớp học, các trường học VNEN cung cấp thêm rất nhiều không gian cho học sinh phát triển và thực hành các kỹ năng thế kỷ XXI như lãnh đạo, làm việc theo nhóm và học tập hợp tác, giao tiếp và tự học.
Thậm chí, báo cáo còn nêu rõ, giáo viên VNEN đang sử dụng hướng dẫn học tập với một mức linh hoạt nhất định khi thấy phù hợp bằng cách sửa đổi và/hoặc tiến hành hoạt động khác, nhưng vẫn đạt được các tiêu chuẩn chất lượng và giảng dạy được tất cả các nội dung yêu cầu.
Một số thách thức mà VNEN phải đối mặt bao gồm sự kiên định trong tư duy truyền thống trong số giáo viên, trình độ tiếng Việt hạn chế của học sinh dân tộc thiểu số và sự không thiếu khả năng cung cấp hỗ trợ học tập cho con cái của một số của một số cha mẹ.
Một trong những khía cạnh của VNEN được cho là khó thực hiện là sự tham gia của phụ huynh trong các hoạt động trường lớp. Với vị trí ở vùng ven đô và nông thôn của hầu hết các trường học của VNEN, đa số phụ huynh là nông dân và một số ít có trình độ học vấn trên bậc Trung học cơ sở….
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả kết quả báo cáo này.