Buổi lễ ra mắt cuốn sách có sự góp mặt của nhiều cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường đại học và nhiều nhà báo trực tiếp góp công trong những năm tháng đó.
Quang cảnh lễ ra mắt cuốn sách "Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987 – 1997” (Ảnh: Thùy Linh) |
Mở đầu lễ ra mắt, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Đại học trong thời kỳ này, người đã tự lưu trữ gần đủ các tư liệu trong 10 năm đó cho rằng:
Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu muốn tìm tư liệu về thời kỳ đầu đổi mới nhưng gặp khó khăn vì rất ít các sách vở được công bố chính thức. Bởi lẽ, hồi đó, công tác lưu trữ chưa thực sự tốt, chưa thực sự khoa học.
Nhận thấy tầm quan trọng của những tài liệu đó đặc biệt đối với nhiều nhà nghiên cứu, Ban Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chính thức ra mắt cuốn sách “Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987 – 1997”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – người đã tự lưu trữ gần đủ các tư liệu trong 10 năm từ 1987-1997 (Ảnh: Thùy Linh) |
Cuốn sách dày gần 800 trang, tập hợp các tư liệu quan trọng được trình bày một cách khách quan, trung thực, không dẫn dắt, không bình luận, không phân tích, không đánh giá và nhấn mạnh rằng dành việc đó cho người đọc, cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu về giáo dục đào tạo Việt Nam.
Mặc dù đã cho ra mắt cuốn sách này nhưng Hiệp hội vẫn mong muốn trong thời gian tới các chuyên gia, nhà nghiên cứu nếu còn lưu trữ tài liệu nào về giáo dục đại học thời kỳ đó thì xin cung cấp cho Hiệp hội để trong lần tái bản sau cuốn sách sẽ được đầy đủ hơn.
Chia sẻ tại lễ ra mắt, Giáo sư Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn đó, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:
Trong nguồn tài liệu từ cuốn sách này, chúng ta có thể thấy sự khởi đầu của giáo dục mới mở; việc tăng cường quyền tự chủ và lúc đó gọi là phân cấp quản lý;
Việc tăng cường khoa học cơ bản trong chương trình bằng cách chia 2 giai đoạn; việc mở đầu đào tạo bằng hệ thống tín chỉ; việc xây dựng học bổng bậc thang để khuyến khích học tập; chủ trương bầu cử hiệu trưởng các trường đại học theo cơ chế dân chủ trực tiếp…
Từ tập tài liệu này, có thể thấy rằng, xét cho cùng, các chủ trương và giải pháp thời kì đó là để tháo gỡ sự ràng buộc trong quản lý, tăng quyền tự chủ cho các trường nhằm tạo động lực và nguồn lực phát triển cho hệ thống.
Thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học (1987 – 1997) là giai đoạn khởi đầu cơ bản và phức tạp nhất, vì đó là giai đoạn phải thay đổi nhiều khái niệm, triết lý và thể chế, chuyển từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.
Giáo sư Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 1987 – 1997 cho rằng, thập niên đầu tiên của quá trình đổi mới giáo dục đại học là giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn nhưng sôi nổi (Ảnh: Thùy Linh) |
Cũng tại lễ ra mắt sách, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục cùng thảo luận về cuốn sách và khẳng định các tư liệu trong cuốn sách không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị thời sự.
Đồng thời các chuyên gia bày tỏ ý kiến về các chính sách chủ trương thời kỳ 1987-1997, so sánh, đánh giá sự phát triển giáo dục Việt Nam hiện nay.
Các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục cũng đề cập đến những vấn đề dự báo về những phương hướng mới cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai.
Được biết, khi nói đến đổi mới giáo dục đại học nước ta, những người có tham gia thời kỳ đầu của quá trình này thường nhớ đến 2 sự kiện:
Một là, Hội nghị Hiệu trưởng Đại học tại Nha Trang năm 1987.
Hai là, “4 tiền đề đổi mới giáo dục đại học”.
Hội nghị Nha Trang năm 1987 tổ chức sau Đại hội Đảng lần thứ VI là một bước ngoặt quan trọng của giáo dục đại học nước ta, vì đó là nơi đề xuất những chủ trương lớn đầu tiên để đổi mới giáo dục đại học;
Còn “4 tiền đề” là những nguyên tắc lớn về chủ trương đổi mới giáo dục đại học, có tác dụng vạch phương hướng cho quá trình đổi mới trong giai đoạn đầu.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích dẫn lại ở đây nguyên văn 4 tiền đề đó, đã được đăng trong cuốn “50 năm phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo – 1945-1995” (NXB Giáo dục, 1995, trang 236) như sau:
“1) Giáo dục đại học không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế Nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;
2) Giáo dục đại học không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực khác có thể huy động được: sự đóng góp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, của cộng đồng, của người học (học phí);
Nguồn vốn do các hoạt động của trường về nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, dịch vụ làm ra; nguồn vốn do các quan hệ quốc tế mang lại;
3) Giáo dục đại học không chỉ theo chỉ tiêu kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch nhà nước, mà còn phải làm kế hoạch theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những nhu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;
4) Giáo dục đại học không nhất thiết phải gắn chặt với việc phân phối công tác cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự tìm việc làm, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế;
Những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích nghi với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn”.