Ngay sau khi tổ chức kỳ họp phụ huynh học sinh đầu năm hôm 17/9, nhiều phụ huynh của lớp 1/7 thuộc Trường tiểu học Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh về cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, phụ huynh của lớp này đang quyên góp tiền sửa sang lại lớp học.
Một phụ huynh bức xúc cho biết, do phòng học của các em khá cũ kỹ, nên một số phụ huynh của lớp này đã đề nghị cần phải sơn lại lớp, lót lại sàn nhà, mua sắm lại bàn ghế…
Tổng kinh phí thực hiện cho việc này tại lớp là vào khoảng 100 triệu đồng. Do lớp chỉ có 35 học sinh, nên có phụ huynh đóng nhiều, có phụ huynh đóng ít.
Theo một phụ huynh, việc này vô tình đã tạo ra sự lãng phí, mất cân bằng trong giáo dục giữa các lớp học, và cũng chính cả việc mất cân bằng giữa các học sinh với nhau.
Phần lớn phụ huynh cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đang làm hết công việc của nhà trường, và việc đầu tư cả 100 triệu đồng để sửa chữa, mua bàn ghế cho một phòng học là quá lãng phí, không cần thiết.
Phụ huynh lớp 1/7 của Trường Lê Văn Sĩ vừa được đề nghị đóng cả 100 triệu để sửa sang phòng học (ảnh: P.L) |
Ngày 18/9, bà Nguyễn Thị Tân – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Sĩ đã xác nhận điều này với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Tân khẳng định rằng, đây là việc làm hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, các mạnh thường quân và những người có điều kiện đóng góp.
Đại diện lãnh đạo Trường Lê Văn Sĩ nói rằng, phụ huynh có bao nhiêu thì đóng góp bấy nhiêu, người đóng ít, người đóng nhiều, không có chuyên nhà trường ép buộc, và cũng không liên quan gì đến nhà trường, mà trường cũng không nhận số tiền này.
Về nguyên nhân của việc sửa lại phòng học ở lớp 1/7, bà Nguyễn Thị Tân thông tin: Do nhà trường được xây dựng đã quá lâu. Quận Tân Bình cũng đã có kế hoạch sửa lại trường từ năm học 2019 – 2020.
Tuy nhiên, do thời gian từ đây đến đó còn lâu, cơ sở vật chất lại xuống cấp, phụ huynh không yên tâm cho các em học tại những phòng học này, nên mới có đề xuất sửa chữa lại.
Theo bà Tân, khi có ý muốn như vậy, phụ huynh có gặp lãnh đạo nhà trường xin ý kiến, và trường có nói nếu do mạnh thường quân đóng góp cho trường, trên tinh thần tự nguyện thì cũng phải ghi vào danh mục tài sản Nhà nước.
Thế nhưng, cho đến nay, bà Nguyễn Thị Tân cũng không nắm chắc được tổng số tiền phụ huynh cần phải đóng là bao nhiêu, do bà Tân nói chưa nghiệm thu công trình nên chưa biết, chỉ nắm phụ huynh đóng không đồng đều, có người đóng vài triệu, có người đóng chỉ 1, 2 triệu, mà cũng có phụ huynh không đóng.
Khi phóng viên đề cập đến việc đầu tư 100 triệu đồng để sửa sang, tân trang lại lớp học liệu có lãng phí không, khi sang năm học sinh lớp 1/7 chắc gì học tiếp ở phòng đó, bà Nguyễn Thị Tân nhấn mạnh: Không thể nào nói trước được sang năm học sinh có được học ở phòng học này không, vì tùy theo sự sắp xếp phòng của trường.
Bên cạnh đó, bà Tân cũng khẳng định: Việc này sao lại gọi là lãng phí, khi đây là sự tài trợ của mạnh thường quân, nhập vào tài sản của Nhà nước. Năm sau, nếu học sinh này không được dùng, thì học sinh khác của trường cũng sẽ dùng.