Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục

28/09/2017 07:08
Nhóm tác giả Việt Cường
(GDVN) - Ngân sách cứ rót đều đều cho công việc đào tạo giáo viên ở các trường. Mà, đào tạo ra để tăng thêm đội quân thất nghiệp...

LTS: Phản ánh chuyện đào tạo giáo viên ồ ạt với chất lượng đầu vào thấp trong khi ra trường nhiều người phải đối diện với việc thất nghiệp, phải chuyển sang làm nghề khác, nhóm tác giả Việt Cường cho rằng đây là sự lãng phí nhân lực trẻ và lãng phí ngân sách nhà nước.

Trong bài viết này, các tác giả cũng đặt câu hỏi cho những nhà quản lý giáo dục về thực tế đáng buồn trên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quyết định số 732 - QĐ TTg ngày 29/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, trong phần III – Mục tiêu, nội dung 2 ghi rõ “Về đào tạo: Đào tạo bổ sung số giáo viên thay thế số giáo viên nghỉ hưu ( khoảng 130.000 người), đào tạo bổ sung số giáo viên tăng thêm (khoảng 60.000 người”.

Như vậy, theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016 đến năm 2020, chỉ tiêu đào tạo toàn ngành giáo dục là 190.000 giáo viên.

Điều đó có nghĩa là trong 5 năm, từ 2016 đến 2020, ngành giáo dục chỉ cần có thêm 190.000 sinh viên Cao đẳng Sư phạm và Đại học Sư phạm tốt nghiệp, đủ điều kiện để làm thầy cô giáo ở cả 4 cấp học: Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông.

Nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp gây lãng phí nguồn nhân lực. (Ảnh minh hoa: suphamhanoi.edu.vn)
Nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp gây lãng phí nguồn nhân lực. (Ảnh minh hoa: suphamhanoi.edu.vn)

Thế nhưng, thực tế chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ giáo dục và Đào tạo thì sao?

Năm 2014 là 84.000, năm 2015 là 61.000, năm 2016 là 68.000, năm 2017 là 54.000 (1). Tổng hợp chỉ tiêu đào tạo giáo viên của 4 năm này là 267.000, vượt con số đề án đã được phê duyệt là 77.000 người.

Nên nhớ, đây là đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo” không chỉ trong giai đoạn 2016 – 2020 còn “Định hướng đến năm 2025”.

Như thế, các năm tới: 2018, 2019, 2020, 2021… ngành sư phạm cả nước tiếp tục tuyển sinh, tiếp tục đào tạo giáo viên thì đến năm 2025, số giáo viên dư thừa, ra trường không có việc làm sẽ còn tăng lên.

Thực tế không thể cắt chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường đại học sư phạm truyền thống trong các năm tới được.

Cắt chỉ tiêu đào tạo đồng nghĩa với việc đóng cửa các trường. Điều đó sẽ tạo ra vô số hệ lụy và hậu quả khôn lường, thậm chí sẽ làm hỗn loạn ngành giáo dục và cả xã hội, để lại những khoảng trống to lớn không thể bù đắp trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nghĩ xa hơn một chút, Quyết định 732 – QĐ TTg được ký ngày 29/04/2016, thì chỉ 2 tháng sau, tháng 6/2016, số lượng sinh viên cao đẳng sư phạm vào trường năm 2013 và sinh viên đại học sư phạm vào trường năm 2012 đã tốt nghiệp.

Chỉ tiêu đào tạo giáo viên năm 2012 và 2013 đều cao hơn chỉ tiêu năm 2014 (84.000), vào khoảng trên dưới 90.000.

Như vậy, chỉ riêng trong 2 năm 2016 và 2017, số lượng sinh viên sư phạm cả nước ra trường đã vào khoảng trên dưới 180.000.

So với tổng chỉ tiêu 190.000 đã được Thủ tướng phê duyệt theo kế hoạch 2016 - 2020, con số 180.000 tốt nghiệp năm 2016, 2017 là gần đủ.

Như vậy, con số 267.000 người đang được đào tạo trong hệ thống các trường sư phạm cả nước theo chỉ tiêu tuyển sinh 2014, 2015, 2016, 2017 đã thống kê ở trên, ra trường vào năm 2018, 2019, 2020, 2021 sẽ hoàn toàn dư thừa, không có việc làm.

Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục ảnh 2

Cấp trên đau đầu vì thừa - thiếu giáo viên, thầy giáo hiến kế giải quyết

Đây có thể sẽ là một sự lãng phí nguồn nhân lực khủng khiếp “xưa nay chưa từng có” đã và đang xảy ra ở ngành giáo dục Việt Nam.

Lãng phí nguồn nhân lực trước hết là lãng phí tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân.

Sinh viên sư phạm được Nhà nước miễn học phí, những sinh viên sư phạm thuộc hộ nghèo học tốt hoặc con em các dân tộc ít người ở những vùng sâu, vùng xa còn được trợ cấp học bổng.

Tiền học phí của sinh viên các trường đại học sư phạm truyền thống được Nhà nước hỗ trợ toàn phần từ nguồn ngân sách quốc gia, sinh viên các trường đại học và cao đẳng sư phạm địa phương được hỗ trợ từ ngân sách các địa phương.

Theo Nghị định của Chính phủ số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021”.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm 2015 -2016 đến năm học 2020 - 2021 như sau:

Đơn vị: 1000 đồng/ tháng/ sinh viên

Khối ngành, chuyên ngành

Năm học 2015 -2016

Năm học 2016 -2017

Năm học 2017 -2018

Năm học 2018 -2019

Năm học 2019 -2020

Năm học 2020-2021

1.Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

610

670

740

810

890

980

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch.

720

790

870

960

1.060

1.170

Y dược

880

970

1.070

1.180

1.300

1.430

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư như sau:

Đơn vị: 1000 đồng/ tháng/ sinh viên

Khối ngành, chuyên ngành

2016 - 2017

2016 - 2017

2017 - 2018

2018 - 2019

2019-2020

2020 -2021

Trung cấp

Cao đẳng

Trung cấp

Cao đẳng

Trung cấp

Cao đẳng

Trung cấp

Cao đẳng

Trung cấp

Cao đẳng

Trung cấp

Cao đẳng

1.Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản

430

490

470

540

520

590

570

650

620

710

690

780

2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch.

500

580

550

630

610

700

670

770

740

850

820

940

Y dược

620

700

680

780

750

860

830

940

910

1.040

1.000

1.140

Chúng tôi lấy con số bình quân của sinh viên khối ngành khoa học xã hội và khối ngành khoa học tự nhiên từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2020 – 2021 cộng vào chia đôi, ra con số khoảng 900.000 đ/1 sinh viên/ 1 tháng (đối với hệ đại học); khoảng 650.000 /1 sinh viên/1 tháng (đối với hệ cao đẳng).

Một năm học, 1 sinh viên đóng học phí 10 tháng.

Như vậy, tổng tiền học phí 4 năm của sinh viên đại học sư phạm sẽ là 900.000 x 40 tháng = 36.000.000 đồng; tiền học phí 3 năm của sinh viên cao đẳng sẽ là 650.000 x 30 tháng = 19.500.000 đồng.

Trong số 267.000 sinh viên đang được đào tạo trong hệ thống trường sư phạm ở nước ta, chỉ có khoảng 1/3 là sinh viên đại học (khoảng 90.000), còn lại 2/3 là sinh viên cao đẳng (khoảng 180.000).

Như vậy, tiền học phí dành cho số sinh viên này tốt nghiệp sẽ là: 90.000 x 36.000.000 = 3.240 tỷ đồng cộng với 180.000 x 19.5000 đ = 3.510 tỷ đồng, tổng cộng sẽ là 6.750 tỷ đồng.

Đây là con số cực lớn mà ngân sách phải chi để hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên sư phạm được đào tạo ở các trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục ảnh 3

Hàng ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp do trường nào đào tạo?

Số tiền 6.750 tỷ đồng này chỉ là con số ước tính của chúng tôi theo tỷ lệ trung bình thấp.

Tất cả đều là tiền do ngân sách chi trả, chuyển trực tiếp đến tài khoản của các trường sư phạm.

Nếu từ năm 2018 trở đi, các trường sư phạm tiếp tục tuyển sinh, thì số tiền trợ cấp học phí cho sinh viên sư phạm còn tăng.

Ấy là còn chưa kể đến số tiền không nhỏ dùng để trả lương cho đội ngũ cán bộ viên chức các trường sư phạm, tiền mua sắm vật liệu, hóa chất, thiết bị giáo dục… hàng năm; tiền sửa chữa, xây dựng trường; tiền nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên … với hàng trăm danh mục phải chi.

Tổng số tiền ngân sách bỏ ra để đào tạo ngần ấy chỉ tiêu ngành sư phạm, nếu tính đầy đủ  sẽ lên đến con số “khủng” ít ai ngờ tới.

Đất nước còn nghèo, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, nợ công đã lên tới 61% GDP, ngân sách quốc gia eo hẹp, Chính phủ và Quốc hội phải đau đầu tính toán, lo đủ mọi thứ để bình ổn đời sống của hơn 90 triệu con người và đảm bảo sự ổn định, phát triển của mọi phương diện kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng…

Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho giáo dục, dành rất nhiều ưu đãi cho giáo dục. Thử nghĩ giáo dục đã làm được những điều gì? Tại sao lại phung phí tiền ngân sách như vậy?

Liệu có chuyện “Trên bảo dưới không nghe” ở ngành giáo dục không?

Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên” như thế, Quyết định 732 Thủ tướng đã phê duyệt như thế, vậy mà ngành giáo dục vẫn thả cửa đào tạo giáo viên; trường trường, nhà nhà đều thi nhau đào tạo giáo viên.

Vậy, xây dựng Đề án để làm gì? Đề án được phê duyệt rồi mà vẫn không thực hiện, không bị làm sao cả?

Sau Quyết định 732, còn có rất nhiều văn bản khác hướng dẫn thực hiện đề án. Nhưng các địa phương đâu có quan tâm.

Các trường xin bao nhiêu chỉ tiêu là cho ngay cần đấy, bất chấp hậu quả. Cơ chế xin – cho tùy tiện như thế thì làm sao mà không loạn.

Rồi, Bộ giáo dục & Đào tạo giám sát và cân đối chỉ tiêu đào tạo giáo viên hàng năm như thế nào?

Khâu cốt tử của mọi ngành nghề trên thế giới này là con người.

Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục ảnh 4

Giáo viên thất nghiệp và trách nhiệm giáo dục

Để “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc gia”, nhân tố quyết định là đội ngũ giáo viên.

Nhưng để có một đội ngũ giáo viên giỏi và tốt, có đầy đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của giáo dục nước nhà, vấn đề vô cùng quan trọng là công tác quản lý và sử dụng nhân sự của ngành giáo dục.

Cứ đào tạo giáo viên bừa bãi như thế này, cứ mỗi năm lại thêm vài chục nghìn giáo viên thất nghiệp như thế này, rõ ràng công tác quản lý nhân sự của ngành giáo dục không thể chấp nhận được.

Giáo viên ra trường không có việc làm, phải đi làm nghề khác để kiếm sống. Vài năm sau, kiến thức và kỹ năng giáo dục được học trong các trường sư phạm sẽ cùn mòn, thui chột dần.

Nếu có “trường kỳ mai phục” để xin việc, để thi viên chức giáo dục thì lúc đó cũng đã lạc hậu và tắt nguội ngọn lửa ấm nóng của khát vọng trồng người rồi!

Không hiểu hàng năm các tỉnh cấp ngân sách cho các trường sư phạm đào tạo giáo viên có tính toán đến điều này không?

Biết bao vùng miền còn khó khăn; biết bao cảnh đời còn khổ nghèo, bất hạnh; biết bao vấn đề kinh tế - xã hội còn ngổn ngang, dang dở, thiếu thốn… rất cần sự đầu tư của ngân sách.

Vậy mà, ngân sách cứ rót đều đều cho công việc đào tạo giáo viên ở các trường. Mà, đào tạo ra để tăng thêm đội quân thất nghiệp. Không biết có vị lãnh đạo nào biết xót tiền của Nhà nước không?

Về bản chất, đó là tiền đóng thuế, tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. Những đồng tiền đó đã được chi một cách cực kỳ dễ dàng theo “Chỉ tiêu đào tạo giáo viên” tùy tiện và vô bổ.

Một sự lãng phí tiền của sờ sờ ngay trước mắt, đã diễn ra từ năm này đến năm khác mà bao nhiêu hội thảo, đề án, tổng kết, họp hành; bao nhiêu bài báo, ý kiến đóng góp tâm huyết đều không giải quyết được, đều rơi vào khoảng trống hư vô.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ra trường không có việc làm thì ai còn muốn thi vào ngành sư phạm nữa. Chả thế mà năm 2017, điểm chuẩn đầu vào các trường sư phạm đã xuống thấp đến tận đáy trong lịch sử tuyển sinh của các trường.

Hàng vạn cuộc đời đang bị "hủy diệt" bởi sự lãng phí nguồn nhân lực giáo dục ảnh 5

Nhân lực ngành sư phạm nhìn từ những con số

Thê thảm hơn nữa, đã hạ điểm chuẩn đến tận cùng, đã dùng mọi chiêu trò khuyến khích, dụ dẫn rồi; phải tuyển cả những sinh viên bằng phương thức “xét học bạ”, mà hầu hết các trường sư phạm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo.

Năm nay đã vậy, năm 2018 có lẽ bức tranh đầu vào của ngành sư phạm còn tối đen hơn nữa.

Theo công bố của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm 2017, số giáo viên công lập đã thừa 26.750 người (2).

Ấy là Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa tính đến gần 90.000 sinh viên vừa tốt nghiệp năm 2017 và nhiều nhiều nghìn sinh viên đã ra trường một vài năm trước đang thất nghiệp.

Có một điều đáng ngạc nhiên là chưa có cơ quan, bộ phận nào thống kê và công bố số lượng sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp từ năm 2012 đến nay ở toàn bộ hệ thống đào tạo giáo viên cả nước.

Nếu thống kê chính xác, cộng với số sinh viên đang học tại các trường sư phạm hiện nay sẽ ra trường vào năm 2018, 2019, 2020… trừ đi con số giáo viên đã tuyển dụng và sẽ tuyển dụng từ 2012 đến 2020, thì chắc chắn sẽ ra một con số làm cho toàn xã hội phải chấn động.

Điều kỳ lạ là chẳng ai biết cụ thể số sinh viên sư phạm đã tốt nghiệp chưa được đi dạy học là bao nhiêu?

Một vài năm nay, chúng tôi đã để ý quan sát chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái… 

Thực tế là: Chỉ tiêu thì ít mà số lượng người thi thì quá nhiều; thường gấp 5, 6 lần; có nhiều em thi 3,4 năm vẫn không đỗ viên chức ngành giáo dục.

Trên đây, mới chỉ là lãng phí về tiền bạc, có thể tính đếm được bằng tiền học phí, kinh phí đào tạo, tiền duy trì hệ thống các trường sư phạm…

Sự lãng phí về nhân lực tuổi trẻ mới là điều nguy hại và đáng lên án!

Cuộc đời mỗi con người từ 18 tuổi đến 21, 22 tuổi là quãng thời gian tươi trẻ, tràn trề sinh lực, trí tuệ bén nhạy… Đây là đoạn đời được dành cho học Cao đẳng và Đại học “Vì ngày mai lập nghiệp”.

Một đời người, trung bình chỉ có 30 đến 35 năm sung sức để lao động cống hiến cho xã hội và xây dựng cuộc sống cho bản thân mình.

Đào tạo một ngành nghề vô nghĩa, ra trường thất nghiệp, đặc biệt là ngành sư phạm, khi chuyển sang nghề khác lại phải học tập và rèn luyện từ đầu quả là một sự lãng phí ghê gớm.

Như vậy, một sinh viên cao đẳng sư phạm mất 3 năm và một sinh viên đại học sư phạm mất 4 năm tuổi trẻ.

Tính trung bình cứ 10 đến 12 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp là ngành giáo dục đã lãng phí 30 đến 35 năm tuổi trẻ, là đã hủy diệt những năm tháng lao động hiệu quả nhất của một kiếp người.

Nếu nhìn vào hàng trăm nghìn sinh viên sư phạm thất nghiệp thì số cuộc đời bị "hủy diệt" thật khủng khiếp.

Sự lãng phí này về bản chất là sự nhẫn tâm...

Tài liệu tham khảo:

(1), (2): Bài “Việt Nam đang thừa giáo viên” (vietnamnet-15/08/2017)

Nhóm tác giả Việt Cường