17 năm qua, ngành giáo dục vẫn đều đặn mang đến một sân chơi bổ ích, làm "nức lòng" biết bao thế hệ giáo viên, và ươm mầm biết bao thế hệ tài năng toán học, đó là sân chơi với tầm vóc quốc gia mang tên “Cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay”.
Bước tiến lớn của ngành giáo dục
Cuộc thi “Giải toán trên máy tính cầm tay” là cuộc thi thường niên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Khởi nguồn từ cuộc thi đầu tiên do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào năm 1995 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2001, cuộc thi chính thức được nâng lên một tầm vóc mới – tầm vóc quốc gia với sự tham gia của 287 học sinh đến từ 35 tỉnh/ thành phố.
Mười một năm sau, cuộc thi đã thu hút số học sinh tham gia kỷ lục lên tới 1.591, đến từ 63 tỉnh/ thành trên toàn quốc.
Năm 2017 là cột mốc đánh dấu cuộc thi tròn 17 tuổi. Theo đó, tại cuộc thi quốc gia năm 2017, hơn 700 giải thưởng đã được trao tay cho những tài năng Toán học xuất sắc ở các bộ môn khoa học tự nhiên Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Tiếp nối sự thành công ở cuộc thi Quốc gia diễn ra vào tháng 3 năm 2017, vào năm học mới 2017 - 2018, tỉnh Kiên Giang và Thái Nguyên đã chủ động hưởng ứng, tổ chức cuộc thi cấp tỉnh.
Ban tổ chức trao giải thưởng và huy chương cho các đội tuyển đạt giải tại cụm thi Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 |
Đến với cuộc thi, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tư duy thật tốt, phán đoán nhanh và khả năng sử dụng thành thạo máy tính cầm tay để có thể tìm ra được đáp án chính xác nhất trong thời gian ngắn nhất.
Chất lượng ra đề cho mỗi môn thi luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo độ khó nhất định để có thể tìm ra những học sinh giỏi thật xứng đáng.
Tuy vậy, cuộc thi không gây áp lực về điểm số và thành tích, cũng chẳng bắt buộc các em tham gia vì cơ chế cộng điểm, mà kêu gọi tình nguyện dự thi vì một niềm đam mê suy luận toán học. Khi tham gia, thí sinh sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào.
Tại cuộc thi quốc gia, quy cách thi không chỉ dừng lại ở hạng mục thi cá nhân, mà còn phát triển thêm ở giải đấu đồng đội, để rồi từ đấy, các em học sinh từ khắp nơi đã có với nhau những cơ hội giao lưu, học hỏi, khám phá điều mới lạ.
Đây thực sự là bước tiến lớn của ngành giáo dục khi mà từ đầu những năm 90, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa máy tính cầm tay vào chương trình dạy và học.
Giờ đây, chiếc máy tính cầm tay không chỉ còn là một công cụ hỗ trợ học tập đơn thuần, mà chúng đã dần trở thành những trợ thủ đắc lực, như những chú “chiến mã”, đòi hỏi học sinh phải am tường, có tư duy để có thể “thuần phục” mà “băng” qua những vấn đề hóc búa.
Hành trình 17 năm đi truyền cảm hứng
Ngoài việc được khơi gợi lên niềm hứng thú với các môn khoa học, học sinh còn được thúc đẩy tài năng, sự say mê học tập.
Sử dụng thành thạo máy tính cầm tay sẽ giúp các em nhạy bén khi có cơ hội tiếp cận với các thiết bị, công nghệ mới, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề trong quá trình nghiên cứu, làm việc về sau.
Khi được phỏng vấn về lợi ích thật sự của cuộc thi, thầy Triệu Quang Phong (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, tỉnh Bắc Kạn) cho biết:
“Đây là một sân chơi tốt cho các em, giúp các thầy cô và các em có một động lực để sử dụng máy tính trong quá trình dạy và giải toán.
Bằng việc duy trì sân chơi này, chúng ta sẽ có thể làm tốt để hỗ trợ các em ứng dụng nó vào việc học tập”.
Giải toán trên máy tính cầm tay giúp các em phát triển khả năng tư duy, khơi gợi niềm đam mê toán học |
Bên cạnh đó, thầy Phong cũng cho biết thêm: “… Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thi, và phát động với các trường, cấp huyện rồi cấp tỉnh để tổ chức, tham gia các cuộc thi này.
Đối với riêng tỉnh Bắc Kạn… tỉnh đã đồng hành cùng cuộc thi cấp quốc gia hơn chục năm rồi, và tỉnh luôn duy trì đều đặn.”
Có thể thấy, việc tham gia cuộc thi “Giải toán trên máy tính cầm tay” luôn được đón nhận nồng nhiệt và đã dần trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình dạy và học tại mỗi địa phương.
Cứ thế, cuộc thi đã diễn ra suốt 17 năm liên tiếp, liên tục nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tập thể thầy cô, học sinh và các Sở Giáo dục và Đào tạo, mang đến những “trái ngọt” dành cho ngành giáo dục nói chung và tại các địa phương nói riêng.
Học sinh và phụ huynh nói gì?
Cuộc thi “Giải toán trên máy tính cầm tay” đã không còn là một cuộc thi tài năng đơn thuần, mà đấy đã dần trở thành một sân chơi bổ ích, là bước đệm cho học sinh có nhiều kỹ năng thực tiễn.
Nhờ có cuộc thi, mà giáo viên đã có thể đổi mới phương pháp dạy và học các môn khoa học tự nhiên trong nhà trường.
Việc ra đề giờ đây đã không còn giới hạn trong những con số tròn trĩnh. Từ đó, giáo viên và nhà trường đã có thể phát hiện và ươm mầm cho những tài năng toán học xuất sắc.
Đây là một sân chơi bổ ích, là bước đệm cho học sinh có nhiều kỹ năng thực tiễn |
Bạn Vũ Đức Phúc – lớp 12 chuyên Lý, Trường Trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình chia sẻ:
“Với tư cách là một thí sinh tham gia, em thấy cuộc thi này cần được duy trì vì nó giúp cho học sinh chúng em có một sân chơi bổ ích, tạo gắn kết giữa các trường, các tỉnh trong cả nước với nhau. Cuộc thi cũng giúp học sinh có thêm kiến thức bổ ích, tạo đà cho tương lai…”
Bên cạnh đó, sức nóng của cuộc thi còn lan tỏa đến cả những bậc phụ huynh.
“Khi biết con đi thi, tôi rất mừng và tự hào, khi con đi thi thì mong muốn con làm bài tốt, làm hết sức mình để khỏi phụ lòng thầy cô… Cảm ơn nhà trường, các thầy cô đã tạo điều kiện cho con tôi đi thi.” – Phụ huynh em Kiều Minh Tâm, Long An chia sẻ.
Qua việc tổ chức liên tiếp các cuộc thi "Giải toán trên máy tính cầm tay", một dạng đề thi học sinh giỏi mới xuất hiện, đó là: kết hợp giữa suy luận toán học với tính toán trên máy tính cầm tay.
Cuộc thi đã mở ra những “hướng đi” mới, giúp các em tìm kiếm được sự lý thú trong môn học và đó cũng là lý do mà cuộc thi đã và đang nhân rộng đến khắp các tỉnh/ thành, tiếp tục ươm mầm cho các thế hệ học sinh sau này.