Tầm nhìn 100 năm và 9 giải pháp cho vùng Chín Rồng

01/10/2017 08:15
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Đại học Tiền Giang)
(GDVN) - Giải quyết thách thức do biến đổi khí hậu gây ra cũng chính là cơ hội để Đồng bằng sông Cửu Long được nhìn nhận, định hướng phát triển bền vững, thịnh vượng...

LTS: Chiều 26/9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (từ Cần Thơ tới mũi Cà Mau) bằng máy bay trực thăng và có một bài phát biểu vô cùng quan trọng ngày vào ngày hôm sau tại Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới quý độc giả bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Trường Đại học Tiền Giang) về tầm nhìn 100 năm và 9 giải pháp quan trọng phát biểu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong bốn đồng bằng trên thế giới bị tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Giải quyết thách thức này cũng chính là cơ hội để Đồng bằng sông Cửu Long được nhìn nhận lại, định hướng mô hình phát triển hợp lý, an toàn, thịnh vượng và bền vững với tầm nhìn 100 năm sau.

Là lưu vực sát biển của sông Mekông – một trong những con sông có lưu lượng nước lớn trong tốp 10 của thế giới và tốp 3 ở Châu Á, Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích hơn 40.000 km2 (tương đương diện tích Hà Lan và gấp khoảng 50 lần diện tích Singapore), đất đai rất màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, nhiều vùng đất còn hoang sơ.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đáng kể cho cả nước về sản lượng lúa gạo, trái cây, thủy sản.

Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở trung tâm của ASEAN  có khí hậu tốt lành thuộc hàng bậc nhất trên cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm yếu, đó là thường xuyên bị xói lở bờ sông - bờ biển, lũ lụt, hạn - mặn, sụt lún đất, nước biển dâng, hạ tầng giao thông còn hạn chế, ô nhiễm môi trường nước - đất, giáo dục hiện vẫn là vùng trũng trên cả nước.

Với những ưu nhược điểm như trên, đặc biệt đứng trước thách thức bị nhấn chìm do biến đổi khí hậu gây ra, một chiến lược tổng thể với tầm nhìn 100 năm và hệ thống các giải pháp đồng bộ là hết sức cần thiết.

Tầm nhìn 100 năm

Đứng trước những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tồn tại, an toàn, phát triển bền vững, thịnh vượng, là một trong những nơi đáng sống nhất ở Việt Nam và cộng đồng chung ASEAN.

Giải pháp đồng bộ

1. Xây dựng nền nông nghiệp sạch, vận động linh hoạt theo thị trường

Đồng bằng sông Cửu long với điều kiện tự nhiên rất tốt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nên cần duy trì và phát huy thế mạnh này.

Điểm yếu chính mà ngành thủy sản cũng như ngành trồng trọt cần phải khắc phục là các sản phẩm thường chưa đạt chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất còn nhỏ lẻ và chưa theo nhu cầu thị trường.

Do vậy, Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung đầu tư, nghiên cứu xây dựng các quy trình nuôi trồng thông minh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với tiêu chuẩn quốc tế;

Đầu tư xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ một cách đồng bộ, rộng khắp và linh hoạt theo nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh: Danviet.vn)
Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu. (Ảnh: Danviet.vn)

2. Công nghiệp hóa nông nghiệp

Đầu tư phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến nông - thủy sản, bảo quản sau thu hoạch với công nghệ tiên tiến;

Qui hoạch các khu công nghiệp sinh thái ở trung tâm của các vùng nguyên liệu nông sản, thủy sản rộng lớn để chế biến, sử dụng tối ưu các phế phẩm nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả kinh tế và lợi thế cạnh tranh.

3. Phát triển du lịch sinh thái, nông thôn, nghỉ dưỡng       

Xây dựng các làng, xã, các trung tâm du lịch sinh thái hàng đầu cả nước, mang tầm khu vực và thế giới.

Ngành du lịch và các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, các chủ trang trại, các gia đình nông dân có điều kiện cần chủ động kết hợp với nhau để có thể tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng nhà vườn, nhiều địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, chất lượng tốt với giá cạnh tranh.

Điều này sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách.

4. Bảo vệ môi trường tự nhiên bền vững

Để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, để thu hút du khách từ môi trường sống trong lành, xanh, sạch và khẳng định là nơi đáng sống thì Đồng bằng sông Cửu Long cần phải tập trung nghiên cứu, giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái tự nhiên đến mức tôm, cá và cây trồng bản địa có thể phát triển mạnh!

Việc nghiên cứu để trả lại môi trường tự nhiên vốn có làm cho đất đai màu mỡ nhờ phù sa để hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật là điều hết sức cần thiết ở Đồng bằng sông Cửu Long.

5. Quy hoạch lại không gian đất - nước hài hòa với quy luật tự nhiên

Công tác qui hoạch phòng chống lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua đã lộ ra những yếu điểm lớn, phá vỡ sự cân bằng sinh thái tự nhiên vốn rất đặc biệt ở đây.

Tầm nhìn 100 năm và 9 giải pháp cho vùng Chín Rồng ảnh 2

Thủ tướng thị sát vùng Đồng Bằng sông Cửu Long bằng trực thăng

Biển Hồ Tonlesap ở Campuchia có diện tích nước bề mặt 3000 km2 và độ sâu trung bình khoảng 3 m lúc bình thường.

Vào mùa lũ, diện tích bề mặt của Hồ tăng lên 5 lần và độ sâu cũng tăng lên đến 14 m.

Biển Hồ chỉ cách Châu Đốc khoảng 100 km đường thủy.

Nghĩa là với chiều dài khoảng 4800 km, đoạn Mekong từ Phnom Penh (gần Biển Hồ) ra đến biển khoảng 300 km, chiếm 1 phần 16 chiều dài của Mekong nhưng chỉ riêng Biển Hồ có thể chứa từ một phần tư đến một phần ba lượng nước của toàn Mekong lúc bình thường cũng như lúc mùa lũ.

Do vậy phần Mekong ở hạ lưu này rất may mắn được Biển Hồ điều chỉnh lưu lượng một cách hài hòa, mùa lũ thường hiền lành nên nhân dân chỉ xem là mùa nước nổi…

Những vùng trũng ở Đồng bằng sông Cửu Long như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười cũng có vai trò điều tiết lưu lượng nước của Mekong tương tự Biển Hồ nhưng với qui mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên sự đắp đê bao ở đây để bảo vệ những vườn cây ăn trái, tăng vụ lúa một cách cục bộ đã vô tình phá vỡ sự điều tiết tự nhiên này.

Từ đó làm cho dòng nước lũ của sông Cửu Long vốn hiền lành ngày càng trở nên giận dữ do bị đê bao ngăn chặn…

Do vậy cần nghiên cứu để trả lại yếu tố tự nhiên cho những vùng này nói riêng và toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long nói chung,

Cần ưu tiên thủy lợi tự nhiên để theo dòng nước chảy tràn bờ mỗi khi lũ về đem theo cát, phù sa màu mỡ bồi đắp thường xuyên cho đồng bằng,

Thảm thực vật đặc trưng hai bên bờ sông, kênh rạch cần được đầu tư trồng và bảo vệ nghiêm nhằm chống sạt lở đất một cách bền vững.

Nguồn nước ngọt cần được dự trữ đầy đủ ở các vùng trũng (cần được đầu tư nạo vét) Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt ở Biển Hồ (cần làm tốt công tác ngoại giao với Campuchia…) để giúp chống hạn -  mặn; nước ngầm được kiểm soát giúp chống sụt lún.

Nhà ở đặc dụng (nhà sàn, nhà nổi,…) và sinh kế linh hoạt giúp người dân tại những vùng lũ dễ dàng sống chung, sống tốt với lũ.

6. Phát triển mạnh đường thủy nội địa và xây dựng hệ thống đường thủy quốc tế

Tầm nhìn 100 năm và 9 giải pháp cho vùng Chín Rồng ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Phải biến thách thức thành thời cơ"

Tăng cường khai thác các tuyến thủy nội địa từ hệ thống kênh rạch chằng chịt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hệ thống đường thủy quốc tế từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Đồng bằng sông Cửu Long đến Phnom Penh cần được đầu tư nâng cấp để chống xói lở, bồi lắng khi tàu thuyền, nhất là tàu cao tốc lưu thông.

Đầu tư đường thủy quốc tế nối các nước ASEAN lục địa với các nước ASEAN ven bờ Biển Đông thông qua sông Mekông nhằm đẩy mạnh giao thương quốc tế cũng như xuất nhập khẩu trực tiếp hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long.

7. Xây dựng đai rừng ngập mặn kết hợp nông trại điện gió

Đầu tư trồng các đai rừng ngập mặn dày hàng kilomet bao phủ toàn bộ bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời kiên trì gìn giữ nhằm giúp ngăn chặn hiệu quả sóng gió, triều cường, hạn chế nước biển dâng.

Trồng mới rừng ngập mặn trong giai đoạn đầu thường khó khăn do sóng gió, thiếu bùn…

Do vậy cần nghiên cứu kết hợp trồng rừng ngập mặn với việc xây dựng các trang trại điện gió.

Các trụ điện gió giúp dựng nên các hàng rào vững chắc để bảo vệ cây con trước sóng gió, tích tụ bùn cho cây.

Vấn đề tích hợp giữa rừng ngập mặn và trang trại điện gió này sẽ giúp cho cả hai cùng phát triển mạnh mẽ, bền vững và xanh hơn, góp phần đẩy lùi nhiệt điện than vốn gây hại môi trường…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Chinhphu.vn)

8. Thành lập Ủy ban và Quỹ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, tăng hợp tác quốc tế

Cần thành lập Ủy ban phát triển Đồng bằng sông Cửu Long để thống nhất quy hoạch không gian đất - nước, kinh tế - xã hội, ngành nghề và quản lý, điều hành hiệu quả, đảm bảo những kế hoạch chiến lược được thực thi thông suốt, tránh cục bộ địa phương, ngành nghề, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế cho toàn vùng.

Hình thành Quỹ tài chính để đầu tư xây dựng những hạng mục quy mô cấp vùng, đặc biệt là thủy lợi, cung cấp nước sạch, bảo vệ và xử lý môi trường, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn và thảm thực vật ở các bờ sông rạch, làm điện gió…

9. Phát triển giáo dục và văn hóa xã hội

Cùng với cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long cần nổ lực đổi mới mạnh mẽ về giáo dục theo hướng phát triển hài hòa giữa giáo dục truyền thống và hiện đại.

Ngoài ra, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư về tài chính cho Đồng bằng sông Cửu Long về lĩnh vực này.

Đó là miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ 50% học phí đại học.

Đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, các trung tâm ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm, các không gian sáng tạo và khởi nghiệp, không gian trải nghiệm giao tiếp ngoại ngữ ở các trường đại học trong vùng.

Xây dựng xã hội công bằng, nhân văn, trọng dụng người hiền tài, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp…

Con người là trung tâm, là gốc của mọi sự phát triển, tiến bộ, văn minh.

Hạnh phúc của con người không phải chỉ nhờ vào vật chất, nhờ vào tiền của mà yếu tố tinh thần là chân thứ hai để cùng bước thăng bằng với chân vật chất.

Đây là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm, nghiên cứu và áp dụng để Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung định hướng phát triển một cách bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh (Đại học Tiền Giang)