LTS: Gần đây, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều câu chuyện liên quan đến kỷ luật học đường.
Hôm nay trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Bá Trường Giang - The Ivy League Vietnam (học giả Fulbright, tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Cornell và Khoa Luật, Đại học Boston - Mỹ) có bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết.
Từ bé, khi đi học tôi là một cậu bé hư, trò nghịch nào cũng tham gia góp mặt. Tôi nổi tiếng là đứa trẻ nay tắm sông, mai trốn học, trường xây được bức tường mới nào là tôi cùng đám bạn vẽ bậy hoặc làm tường đổ...
Rồi nhà trường cấm đốt pháo nhưng tôi vẫn ôm cả bánh pháo ra giữa sân trường để đốt thậm chí đốt trước mặt Ban giám hiệu.
Phải nói rằng, quãng thời gian là học trò, tôi từng chịu nhiều hình phạt của thầy cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng.
Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy chủ nhiệm ngày tôi là học sinh cấp 2, thầy phạt chúng tôi bằng cách cầm thước lim dài hàng mét đánh vào tay nếu chúng tôi mắc lỗi.
Mỗi lần nghe tiếng “coong” một cái là y rằng ngày mai có bạn cổ tay thâm tím vì đỡ đòn thước của thầy.
Còn vì tội đốt pháo nên nhà trường dành cho tôi một loại kỷ luật không khác nào đi trại cải tạo lao động mà nhà trường gọi đó là “rèn luyện hè”.
Rèn luyện hè là khi nhà trường đưa những đứa học trò nghịch ngợm, lì lợm vào khuôn phép, hàng ngày phải đến trường từ rất sớm, hai tay xách 2 thùng nước đi dọn nhà xí toàn mùi thối, hôi, tanh...
Thế nhưng kỉ luật xong đâu lại vào đó. Thậm chí, tôi từng bị đuổi học cả tuần.
Anh Nguyễn Bá Trường Giang có quãng thời gian là học trò từng chịu nhiều hình phạt của thầy cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những ngày tháng kỉ luật đó đã giúp tôi thay đổi và trở thành một học sinh chăm ngoan, ham học kể từ năm lớp 12.
Và bây giờ, tôi cảm thấy vinh dự được rèn luyện như vậy để có ngày hôm nay học hành nên người.
Gần đây, xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều câu chuyện liên quan đến kỷ luật học đường làm tôi trăn trở suy nghĩ, không biết kỷ luật như thế nào là đủ? Và ranh giới giữa kỷ luật và trừng phạt là như thế nào?
Có cần kỷ luật học đường không?
Kỷ luật học đường tồn tại như một sự răn đe ở khắp mọi nơi trên thế giới này.
Nếu như chúng ta coi nhà trường là một môi trường xã hội thu nhỏ thì các quy định của nhà trường chính là luật, nhiều nước gọi là Bộ quy tắc ứng xử học đường (School Code of Conduct), thì kỷ luật chính là sự thực thi của những quy tắc ứng xử định trước đó mà thôi.
Có quy định cụ thể về việc đảm bảo bí mật đời sống riêng tư của người học |
Nhìn rộng ra một quốc gia, một dân tộc, thì Luật chính là những quy tắc ứng xử còn hình phạt theo luật định chính là những biện pháp kỷ luật nhằm răn đe những hành vi gây hại cho xã hội, hành vi đi ngược lại với giá trị chung của xã hội.
Như vậy, kỷ luật học đường là cần thiết và xét cho cùng thì kỷ luật học đường cũng là để rèn nhân cách, đạo đức, lối sống.
Và quan trọng nhất là một nề nếp thượng tôn pháp luật, bên cạnh kiến thức học thuật, mà những nước đang phát triển như Việt Nam chúng la lại càng cần phải có để xây dựng một thế hệ tương lai sống tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Nhưng kỷ luật đến đâu là đủ?
Câu hỏi này không dễ trả lời bởi mỗi ngôi trường, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia lại đề cao kỷ luật học đường một cách khác nhau.
Tuy nhiên, dù đó là nền văn hóa nào, phương Đông hay phương Tây, nền tôn giáo nào thì kỷ luật học đường luôn được xem trọng để rèn luyện thế hệ trẻ ngày nay, cũng chính là rèn luyện một xã hội tương lai.
Thông qua bài viết này tôi muốn cùng các bạn nhìn lại một vài hình thức kỷ luật phổ biến trên thế giới.
Từ lâu nay lịch sử loài người tồn vài mấy hình thức kỷ luật học đường như giam giữ, tư vấn tâm lý, đình chỉ học tập, hình phạt cơ thể (ở Việt Nam gọi là “đánh”), đuổi học.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ khác nhau mà học sinh có hành vi vi phạm phải chịu từng hình phạt cụ thể.
Tôi phải nói là những hình phạt này là rất phổ biến ở các nước: Anh, Mỹ, Singapore, New Zealand, Australia, Canada....
Hà Nội chú trọng tuyên truyền pháp luật chống bạo lực học đường |
Ví dụ như ở Mỹ, một học sinh có thể phải chịu hình phạt bị nhốt vào một căn phòng nhỏ để suy ngẫm về hành vi của mình vào một thời gian nhất định mỗi ngày, thường là vào giờ ra chơi hay giờ ăn trưa.
Thậm chí, tại Mỹ - một đất nước mà chúng ta coi là văn minh và có nền giáo dục hiện đại, thì nhiều bang vẫn cho phép áp dụng biện pháp hình phạt cơ thể, nghĩa là thầy cô giáo vẫn được quyền đánh học sinh.
Tôi muốn nói thêm là hình phạt cơ thể (Corporal Punishment) đã bị cấm từ lâu ở nhiều nước, nhưng có đến 19 tiểu bang ở Mỹ vẫn cho phép áp dụng hình phạt này.
Có nghĩa là thầy cô giáo ở những bang này được phép tự quyền áp dụng hình phạt kỷ luật mà mình cho là thích hợp và khi nào thì áp dụng những hình phạt ấy.
Nhiều đứa trẻ ở Mỹ đã phát khiếp khi phải hứng chịu những trận đòn của thầy cô giáo.
Đặc biệt, một hình phạt nhục hình đó là Paddling (dùng một cây dùi bằng gỗ dẹt để đánh vào mông đứa trẻ) vẫn còn được áp dụng tại ngay cả những bang mà hình phạt cơ thể đã bị cấm.
Tại Singapore thì kỷ luật học đường chính là một trong số yếu tố quan trọng giúp quốc gia này rèn luyện nhân cách con người mang bản sắc Singapore.
Đó là, nhà trường được pháp luật cho phép toàn quyền ban hành các hình thức kỷ luật hợp pháp với học sinh.
Một đứa trẻ học lớp 3 ở Singapore có thể phải đứng đọc bài ngoài cửa lớp 15 phút mỗi ngày trong vòng 3 tháng chỉ vì quá mất trật tự trong lớp.
Một đứa trẻ khác bị thu điện thoại 3 tháng vì suốt ngày chát chít và chơi game trong lớp.
Thậm chí gần đây, Bộ Giáo Dục Singapore còn kêu gọi các trường học từ tiểu học tới trung học phải tăng cường các biện pháp kỷ luật học sinh vì tình trạng học sinh hư đốn ngày càng gia tăng.
Tôi lấy vài ví dụ về những hành vi sẽ bị áp dụng kỷ luật học đường ở Singapore như sau:
Chuyên cần:
1. Ra khỏi khuôn viên nhà trường mà không có sự cho phép
2. Trốn khỏi bất kỳ hoạt động/sự kiện nào của nhà trường
3. Cố tình vắng mặt (thể hiện sự chống đối hay thái độ tồi)
4. Đến học muộn
5. Ăn trong giờ học
6. Ăn bên ngoài Canteen
Hành vi không phù hợp
1. Nộp bài muộn
2. Tái phạm lỗi đã được nhắc nhở
3. Sử dụng điện thoại trong lớp
4. Đeo nhầm phù hiệu tên
5. Quay cóp bài
6. Đạo văn
7. Giả mạo giấy tờ
8. Tự ý sửa điểm bài thi
9. Có thái độ chống đối
10. Đe đọa bạn học dưới mọi hình thức (kể cả qua mạng xã hội).
11. Viết facebook chửi bới, nhạo báng...
Học ở Singapore mà không hoàn thành bài tập, không tuân thủ nội quy nhà trường, không đúng giờ giấc, không trả bài đúng hạn thì không sớm thì muộn cũng bị đuổi học. Mội trường học hà khắc là thế nên học sinh ở đây học hành nề nếp vô cùng.
Đại biểu Quốc hội quá bức xúc, không thể xem hết clip nữ sinh đánh nhau! |
Tại Anh, Nhà trường có thể trừng phạt học sinh nếu học sinh đó có hành vi ứng xử tồi tệ. Các hình phạt đó như sau:
1. Phê bình gay gắt
2. Gửi thư về gia đình
3. Đuổi ra khỏi lớp học
4. Tịch thu những gì không phù hợp với học tập như điện thoại di động hoặc máy MP3.
5. Nhốt giữ. Nhà trường không phải thông báo với phụ huynh học sinh về việc nhốt giữ học sinh sau giờ học hoặc giải thích với phụ huynh vì sao lại thực hiện việc nhốt giữ.
Thậm chí, cán bộ nhà trường có thể sử dụng vũ lực hợp lý để kiểm soát và khống chế học sinh. Điều này có thể bao gồm việc cầm tay lôi học sinh vào lớp.
Đọc đến đây, các bạn sẽ đặt câu hỏi: vậy với kỷ luật thép như vậy thì phản ứng của phụ huynh ở Singapore hay ở Mỹ, Anh như thế nào?
Tôi xin chia sẻ thêm rằng phụ huynh ở đâu cũng xót xa con cái, nhiều phụ huynh ở những nước này đã đâm đơn kiện giáo viên, kiện hiệu trưởng, kiện cả ban giám hiệu vì đã kỷ luật con họ.
Điển hình như vụ thu điện thoại 3 tháng ở Singapore, phụ huynh kiện đòi điện thoại, nhưng nhà trường nhất quyết thi hành kỷ luật.
Tôi cũng phải nói thêm là Chính phủ Singapore thống nhất cho phép các trường áp dụng biện pháp kỷ luật hà khắc với học sinh, miễn là hình phạt ấy hợp pháp và có tính giáo dục đối với đứa trẻ.
Nhờ có sự bảo trợ như vậy, nên các trường ở Singapore đều nghiêm khắc, nên cho dù phụ huynh có không hài lòng với chính sách của trường này thì khi chuyển con sang trường khác thì đứa trẻ ấy lại càng bị giám sát chặt hơn, chứ không phải như ở một số nước, không học trường này vì kỷ luật hà khắc quá thì ta chuyển con sang trường khác là được.
Tôi cho rằng, kỷ luật chỉ được coi là đủ khi biện pháp kỷ luật thực sự thay đổi hành vi của đứa trẻ, làm cho trẻ nhận thức được hành vi và thái độ chưa phù hợp của mình đối với nhà trường, đối với ý thức học tập và thái độ ứng xử, cung cách giao tiếp, ăn mặc...
Nếu đứa trẻ ấy tiếp tục tái phạm mặc dù đã bị kỷ luật vài ngày trước đó, thì lại phải tiếp tục áp dụng các hình thức kỷ luật tương ứng.
Kỷ luật học đường nghiêm khắc là để ngày mai chúng ta có một xã hội nghiêm túc, thượng tôn pháp luật.
Kỷ luật và trừng phạt: Liệu ranh giới quá mong manh?
Có lẽ không ai phân biệt được rõ ràng sự khác nhau giữa kỷ luật và trừng phạt vì trong khi áp dụng biện pháp kỷ luật thì dù nói thế nào đi chăng nữa thì tính chất của kỷ luật vẫn là trừng phạt.
Ví dụ nếu chúng ta bắt trẻ phải đứng úp mặt vào tường cả một tiết học trước cả lớp, chân trẻ mỏi nhừ, mồ hôi vã ra, miệng đắng lại thì có lẽ là chúng ta đang trừng phạt trẻ hơn là kỷ luật.
Cử tri bức xúc vì tình trạng bạo lực học đường với trẻ em! |
Nhưng nếu chúng ta dùng biện pháp là bắt trẻ ngồi một mình trong căn phòng kín, trước mặt là cuốn sách và những bài tập dang dở buộc trẻ phải hoàn thành rồi mới được tiếp tục vào lớp học.
Trẻ phạm tội nào, trừng phạt tội đó, không áp dụng kỷ luật bừa bãi, bạ đâu kỷ luật đó thì mới gọi là kỷ luật và có như thế kỷ luật học đường mới thực sự phát huy hiệu quả giáo dục nhân văn của nó.
Còn nếu chúng ta lạm dụng kỷ luật học đường để đe đọa, trừng phạt thì có lẽ sẽ hằn nên sự thù hận, sự khiếp nhược, và dần dần là sự bất phục rồi cao hơn nữa là trẻ đã trơ ra thì lúc đó không còn dạy được trẻ nữa.
Lúc đó, mục đích cao cả nhất của kỷ luật học đường đã bị thất bại.
Tuy nhiên, tôi cũng nói thêm rằng giáo dục mang tính nhân văn cao nhất vì giáo dục là vừa nuôi dưỡng và vừa dạy dỗ một đứa trẻ nên người, và trong quá trình dài ấy, sự gần gũi, am hiểu, chia sẻ với từng đứa trẻ để khuyên nhủ.
Đặc biệt với những đứa trẻ mà mọi hình thức kỷ luật đều là vô nghĩa, vẫn là biện pháp giáo dục cao nhất, nhân văn nhất.
Giáo dục không phải là cứ học sinh hư, học sinh lười là đuổi, mà đuổi học là xong đâu, đứa trẻ ấy sẽ đi đâu và về đâu.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức, ý kiến, góc nhìn riêng của tác giả.