Lòng tham con người, hệ quả tất yếu của những vụ vỡ nợ khủng

20/10/2011 09:00
Yến Thanh
(GDVN) - Liên tiếp trong thời gian ngắn trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ vỡ nợ. Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, căn nguyên xuất phát từ lòng tham...

Thủ đoạn cũ, mất tiền thật.

Qua đánh giá, phân tích các vụ vỡ nợ xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, thủ đoạn chính mà các đối tượng vẫn hay sử dụng là huy động vốn bằng việc trả lãi suất cao. Theo đó, nếu so sánh lãi suất mặt bằng chung của các ngân hàng đều thấp hơn rất nhiều so với thực tế mà những con nợ huy động trả. 

Sống trong căn nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi, Cúc dễ dàng đánh lừa mọi người
Sống trong căn nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi, Cúc dễ dàng đánh lừa mọi người

“Khoảng chênh lệch này nếu so sánh với giá trị tiền nhiều tỷ đồng sẽ là rất lớn. Nó hầu như tăng gấp đôi so với lãi suất mà người dân vẫn thường ký gửi tiết kiệm ở bất cứ ngân hàng nào hiện nay”, T.S kinh tế Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) nhận định.

Thủ đoạn trả lãi suất cao vượt khung so với giới hạn quy định của nhà nước đối với các ngân hàng hiện nay được các con nợ áp dụng một cách thành thục và nhuần nhuyễn. Câu chuyện của các chủ nợ lẫn con nợ ở Phú Xuyên (Hà Nội) là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, khi có những đối tượng đã ôm số tiền lớn rồi cao chạy xa bay. 

Không có cái vẻ bề ngoài hút hồn như người khác, Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) vẫn khiến cho cả phố thị điên đảo. Người dân Phú Xuyên điên đảo bởi Cúc đã “cắm đinh” ngay giữa mặt những người vốn có tiếng là thành thạo, giỏi giang nhất nhì trong giới làm ăn, buôn bán ở địa phương. 

Bình thường Cúc trả lãi người cho vay từ 3-5 nghìn đồng/ngày/triệu đã khiến người ta phải ôm tiền của nhà mang cho Cúc thì khi Cúc có thể trả lên tới 7.000 đồng/ngày/triệu, khơi dậy lòng tham thì nhiều người sẽ đi gom tiền của nhiều gia đình khác mang tới gửi cho Cúc.

“Rõ ràng ở đây, Cúc đã đánh trúng tâm lý của người đi cho vay tiền – đó là muốn hưởng với lãi suất cao. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, Cúc rất xảo quyệt và tinh vi trong việc trả lãi suất bởi nó chỉ dao động từ 4-7 nghìn đồng/ngày/triệu. Đây là con số được đánh giá là an toàn nhất hiện nay trong việc cho vay để hưởng tiền lãi suất phần trăm. Nếu vượt quá ngưỡng số đó ắt mọi người sẽ nảy sinh nghi ngờ”, TS Nguyễn Văn Thanh đánh giá.

Khi lòng tham con người trỗi dậy...

Sức mạnh của đồng tiền đang chi phối lối sống của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội. Không ít người có suy nghĩ: Có tiền là có tất cả! Đây là “điểm yếu chết người” của những người nhẹ dạ cả tin.

Trở lại với câu chuyện vỡ nợ khoảng 500 tỷ ở Bắc Ninh. Vợ chồng của một người nguyên là cán bộ ngân hàng chỉ vì ham hố tiền tài đã nghỉ việc ở ngân hàng, nhảy ra kinh doanh ở ngoài. 

Công an niêm phong một căn nhà của con nợ bị vỡ nợ hàng trăm tỷ trên địa bàn Hà Nội
Công an niêm phong một căn nhà của con nợ bị vỡ nợ hàng trăm tỷ trên địa bàn Hà Nội

Thời gian đầu, việc làm ăn khá trôi chảy nhưng rồi chẳng bao lâu vợ chồng này đã ôm nợ lên đến số tiền hàng trăm tỷ đồng và đến thời điểm này khả năng chi trả là rất khó thực hiện. Chỉ riêng với lãi suất phải trả là 3.000 đồng/ngày/triệu, mỗi tháng vợ chồng này đã phải trả cho các chủ nợ là gần 1 tỷ đồng.

Việc các con nợ 'khủng' bị chạy làng đã kéo nhiều gia đình rơi vào thảm cảnh đen tối. Trường hợp của chị V (ở Phú Xuyên – xin được dấu tên, hiện đang là con nợ lẫn chủ nợ) mà chúng tôi đề cập ở các bài viết về vỡ nợ trước là một minh chứng cụ thể cho điều đó. Qua người bạn, chị V đã đi vay tiền của người khác rồi gom góp được hơn 10 tỷ cho Cúc vay. Đến nay, Cúc đã cao chạy xa bay trong khi tiền lãi chưa được hưởng thì số nợ mà chị vay nóng của người khác đã đến thời hạn phải trả lãi.

Theo lời phân trần của chị V, chị đi gom tiền cho người khác là để mong cuộc sống gia đình sung túc hơn. Trên thực tế, hành động của chị V bị người dân Phú Xuyên đánh giá là tham tiền.

Đánh giá về những sự việc trên, TS Thanh đưa ra lời giải thích rằng, đó là vì xuất phát từ lòng tham của con người. Tham tiền, tham bạc, tham giàu sang, tham phú quý. Tham một cách thái quá, vượt quá giới hạn!

“Tín dụng đen” từ trước đến nay vẫn là một điều gì đó vừa xa lạ, vừa thực tế với những người dân (nhất là đối với dân kinh doanh, làm ăn, buôn bán). Để xảy ra tình trạng vỡ nợ hàng trăm tỷ đồng như hiện nay đó không chỉ là trách nhiệm của chính người vay và người cho vay mà còn là trách nhiệm của việc quản lý bộ máy chính quyền, giảm sát, thực thi Pháp Luật hiện nay. 

Căn nguyên của vấn đề theo nhận định của các chuyên gia kinh tế đó chính là lòng tham của con người với tiền bạc còn sâu xa hơn đó là việc bỏ ngỏ những quy định, những chế tài trong việc giám sát, kiểm tra và thực thi việc cho vay vốn và huy động vốn của người dân hiện nay.

Lời khuyên cho vấn đề này theo các chuyên gia kinh tế đó chính là việc tự bảo vệ mình nên tránh xa các khoản vay tín dụng đen bên ngoài. Người dân không nên ham hố thái quá vào số tiền lãi chênh lệch để rồi vướng vào lao lý. Ranh giới Pháp luật trong việc cho vay tín dụng đen hiện nay rõ ràng là rất mỏng manh. 

Yến Thanh