Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. [1]
Luật Thủ đô cũng đã được Quốc hội thông qua tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho sự phát triển cân bằng và bền vững cho Hà Nội.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô. Trong đó cụ thể những khu vực xung quanh ga Hà Nội chỉ được xây dựng cao tối đa 18 tầng, khoảng 65 m.
Tuy vậy, theo Đồ án quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập ra, bản quy hoạch sẽ chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng).
Theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu, các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.
Theo quy hoạch, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Khu vực nằm trong đồ án quy hoạch ga Hà Nội. (Ảnh chụp từ Google Maps) |
Sau khi công bố, đề án này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các nhà kiến trúc bày tỏ lo lắng không gian kiến trúc các quận nội thành bị phá nát.
Bên cạnh đó, tăng dân số cơ học là một bài toán rất khó đã xảy ra ở nhiều khu vực trong nội đô mà chưa có lời giải, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông Hà Nội.
Theo tờ trình, hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số mỗi năm nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
Nhìn thoáng qua, quy hoạch dân số tương đối phù hợp với chủ trương của Hà Nội muốn giảm dân số 4 quận nội thành cũ xuống còn 0,8 triệu người.
Bởi, theo Khoản 4, Điều 19 Luật Thủ đô siết điều kiện đăng ký hộ khẩu khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo Luật Cư trú mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.
Với nhiều hạng mục quy hoạch như vậy, con số dự báo tăng dân số thêm 10% dân số khu vực quy hoạch mỗi năm có liệu có thuyết phục?
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, dân số Hà Nội tăng khoảng hơn 200.000 người, trong đó hơn 1/3 là người di dân nhập cư về Thủ đô.
Tăng dân số cơ học lớn gây ra nhiều áp lực cho Thủ đô, nhất là về hạ tầng, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, giáo dục... [2]
Nhiều kiến trúc sư cho rằng không nên xây nhà cao tầng tại khu vực ga Hà Nội. ( ảnh: Tạp chí bất động sản.) |
Đó là chưa kể khi các tòa nhà cao tầng mới mọc ra thì sẽ có hàng trăm công ty xuất hiện kéo theo hàng nghìn người đến làm việc, gây áp lực rất lớn cho giao thông cả khu vự.
Nhiều năm nay, Thành phố Hà Nội đã phải rất vất vả đưa ra nhiều giải pháp chống ùn tắc, thậm chí có cả đề án cấm xe máy.
Ngay thời điểm hiện tại, khu vực ga Hà Nội cũng là một điểm nóng về ùn tắc giao thông. Nếu xây các tòa nhà 40-70 tầng thì hạ tầng giao thông sẽ phải giải quyết thế nào?
Theo thông tin từ công an Thành phố Hà Nội, hiện tình trạng dân cư, nhất là các hộ, nhân khẩu tạm trú thay đổi chỗ ở, nơi làm việc thường xuyên, không chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng, khiến công tác nắm và quản lý của Công an cấp cơ sở rất bị động và khó khăn…
Sẽ càng khó khăn hơn khi lượng dân cư mới đổ về các khu vực thương mại, nhà ở sẽ càng làm công tác quản lý dân số gặp nhiều khó khăn hơn.
Rõ ràng việc tính toán về góc độ dân số của quy hoạch ga Hà Nội chưa thể thuyết phục được dư luận.
Còn như cảnh báo của Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho thành phố…
Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng...". [3]
Tài liệu tham khảo:
[2] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/866779/bai-5-giai-bai-toan-gia-tang-dan-so-co-hoc
[3] http://vov.vn/xa-hoi/de-xuat-xay-nha-4070-tang-tai-ga-ha-noi-mang-nang-loi-ich-nhom-673480.vov