LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của cô giáo Vi Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, Bảo Lâm, Cao Bằng trao đổi lại với Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.
Nội dung trao đổi xoay quanh phát biểu của Giáo sư Thái về việc “giáo viên ngại đổi mới” từ góc nhìn của một nhà quản lý ở cơ sở.
Tôn trọng tính đa chiều trong thảo luận, Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này và cảm ơn cô giáo Vi Thị Mỹ. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được các bài viết chia sẻ góc nhìn về vấn đề đặt ra trong bài viết này, cũng như các thực trạng và giải pháp cho giáo dục. Bài viết xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn, xin trân trọng cảm ơn!
Trên chương trình "90 phút để hiểu" trên VTV1 sáng chủ nhật 01/10/2017, nói về VNEN, tôi thấy khá bất ngờ khi nghe những ý kiến của Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo ý kiến của Giáo sư:
"Giáo viên làm đúng VNEN rất vất vả, trong lúc điều kiện làm việc, tập huấn, lương...không có thay đổi.
Vậy giáo viên không thật sự muốn thay đổi, không coi việc cần phải thay đổi là cái động lực của bản thân mình...thì không thể nào chấp nhận được bất kì mô hình mới nào, không riêng gì VNEN.
Vậy chúng tôi cũng nhìn nhận rất rõ ràng chương trình giáo dục phổ thông mới nếu không cẩn thận cũng sẽ rơi vào vết xe đổ đó." [1]
Giáo sư Đỗ Đức Thái trả lời phỏng vấn VTV1, ảnh chụp màn hình. |
Tôi hiểu câu nói trên của Giáo sư Đỗ Đức Thái theo hai nghĩa:
1. Giáo sư (chúng tôi- theo Giáo sư) chưa thật sự tin tưởng vào thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới vì "giáo viên không thật sự muốn thay đổi".
2. "Chương trình giáo dục phổ thông mới nếu không cẩn thận cũng sẽ rơi vào vết xe đổ đó", vì vậy phải thật cẩn thận.
Trước đó, tại hội thảo Giáo dục 2017 - Chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 22/9/2017, nhiều nhà giáo dục khẳng định:
Chất lượng giáo dục, kể cả chất lượng PISA hay mô hình trường học mới VNEN, được đánh giá không giống nhau giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và phụ huynh.
Vì sao lãnh đạo khen chất lượng giáo dục tốt, dân nói không? Đó là câu hỏi được các nhà giáo đặt ra tại hội thảo.
Và các ý kiến thảo luận cho rằng chính sự không thống nhất trong quan điểm về chất lượng dẫn đến thực tế “trên nói tốt, dưới bảo không”.
Là một nhà giáo bậc tiểu học, tôi muốn góp thêm tiếng nói của người trực tiếp thực hiện chương trình VNEN:
Vì sao có sự không thống nhất trong quan điểm về chất lượng của VNEN? Đồng thời cũng là để trao đổi cùng Giáo sư Đỗ Đức Thái: Có phải giáo viên "không thật sự muốn thay đổi"?
Thứ nhất: Vì sao Trên nói tốt?
Giờ học trên video [1] của cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy những ưu điểm nổi trội của cách dạy- học theo VNEN mà cô Thảo đã thực hiện.
Tại trường Tiểu học Nà Ca (Bảo Lâm, Cao Bằng) một ngôi trường 100% dân tộc Mông, Dao, tôi và các giáo viên cũng đã thực hiện VNEN rất thành công.
Giáo viên một trường học ở Hải Phòng sắp xếp lại bàn học VNEN theo trật tự cũ khi thành phố quyết định dừng VNEN, ảnh chụp màn hình VTV. |
Tại đó, các tiết học rất sôi nổi, học sinh cũng thay đổi rất nhiều, tự tin hơn trong giao tiếp, vui vẻ trong học tập và tiến bộ không ngờ trong việc tự tổ chức các hoạt động tập thể như hoạt động dưới cờ đầu tuần, tết trung thu…
Một diện mạo, một khí thế khác hẳn so với trước khi thực hiện VNEN mà tôi đã không ngần ngại chia sẻ bằng ba bài báo trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. [2]
Vì vậy, tôi cũng khẳng định đó thật sự là một mô hình tốt hơn chương trình hiện hành, làm thay đổi những thói quen xưa cũ, những lối mòn trong giáo dục, làm thay đổi những nguyên lý cơ bản của giáo dục Việt Nam.
Câu hỏi thứ hai: Vì sao Dưới nói không?
Các giờ học (trừ môn Toán) của cô giáo Hoàng Thị Vân tại trường Tiểu học Nà Ca cũng đã thành công như giờ Lịch sử của cô giáo Thảo, học sinh làm chủ giờ học, tiết học sôi nổi, hứng khởi.
Tuy nhiên, theo dõi tiết học, ta có thể dễ dàng nhận thấy, cô Thảo có cách dạy sáng tạo, không bị lệ thuộc theo từng bước đặt sẵn trong sách.
Và cô giáo Vân ở trường tiểu học Nà Ca cũng thường xuyên dạy như vậy và tất nhiên vẫn đảm bảo mục tiêu bài học.
Riêng giờ học Toán thì khác. Chúng tôi biết rằng trong các tiết học Toán có kiến thức mới, khó và cần hiểu chính xác, học sinh của mình chưa đủ năng lực để tự học và hiểu kiến thức.
Tuy các em "hoàn thành" các bước học tập trong sách nhưng trong nhiều trường hợp không hiểu. Vì vậy, khi đó cô giáo vẫn cần hướng dẫn chung để học sinh hiểu trước khi cho các em tự làm bài tập.
Nhưng việc hướng dẫn chung trong một số giờ học Toán của chúng tôi có vẻ bị coi là "phạm quy", "không đảm bảo phương pháp".
Lợi nhuận bán sách VNEN chảy vào túi ai? |
Vì qua tập huấn và sinh hoạt chuyên môn hàng năm, các chuyên viên đến dự giờ và chỉ đạo: nhằm đảm bảo giờ học VNEN, không có hướng dẫn chung cả lớp;
Chỉ được phép "thủ thỉ trong nhóm" và học sinh hoàn toàn học trong nhóm, bất chấp việc giáo viên đứng lớp thấy có những kiến thức khó cần hướng dẫn chung nhằm đảm bảo thời gian và để học sinh hiểu kiến thức.
Tôi hiểu các chuyên viên đã làm theo đúng những gì được tập huấn từ cấp Bộ, vì có lần, tôi đọc bài trên báo, một chuyên gia phụ trách VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng:
"Mô hình VNEN không có việc giáo viên phát lệnh chung với cả lớp hoặc ghi bài học lên bảng, mà học sinh hoàn toàn làm việc trong nhóm". [3]
Hoặc khi dự những giờ học VNEN của sinh hoạt cụm trường, có những quản lý giỏi bắt bẻ những chi tiết đại loại như:
Tại sao logo là thảo luận nhóm đôi mà thầy lại cho thảo luận cả nhóm?
Hoặc: Chuyên viên đã lưu ý rồi mà sao thầy vẫn sửa bài chung cả lớp? Nếu tất cả các nhóm đều sai cũng chỉ được đến "thủ thỉ trong nhóm" thôi nhé...
Ngoài ra, các hỗ trợ về chuyên môn nữa từ Bộ Giáo dục là cung cấp các băng đĩa về các tiết học minh họa mà trong đó, chúng tôi thấy đối tượng học sinh thật xuất sắc và ý thức học tập trên cả tuyệt vời.
Các chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn áp đặt đó dẫn đến đa số giáo viên mất phương hướng vì học sinh của mình không phải là đối tượng như vậy.
Vì thế nhiều nơi, nhiều trường đã đối phó bằng cách “sáng học VNEN, chiều học truyền thống”.
Điều đó cho thấy từ chuyên gia đến các chuyên viên và đội ngũ cán bộ quản lý (những người được quyền chỉ đạo hoặc cho ý kiến) không hề quan tâm đến sự không đồng đều về năng lực của các đối tượng học sinh mà chỉ quan tâm đến "phương pháp" được triển khai.
Ngược lại, giáo viên (những người hiểu rõ đối tượng học, điều kiện học) luôn mong muốn những gì thực tế và hiệu quả nhưng lại không được quyền chủ động.
Bất kỳ một chương trình nào, phương pháp nào cũng có những ưu, nhược điểm và rất cần những người trực tiếp đứng lớp có ý kiến phản ánh kịp thời, cán bộ quản lý cùng tháo gỡ, nhất là với chương trình thử nghiệm như VNEN.
Nhưng chúng ta đã không thấy điều đó mà chỉ thấy đối phó bằng cách “sáng học VNEN, chiều học truyền thống”.
Buổi học chiều theo truyền thống chủ yếu để đảm bảo kiến thức môn Toán, nhiều thầy cô cho biết nếu không có buổi chiều học lại môn Toán thì tình hình còn tệ hơn nhiều.
Vậy vì sao không thể dạy thật mà phải sáng "diễn" VNEN, chiều dạy lại?
Nếu các thầy cô giáo được dạy thật như cô Vân, cô Thảo thì có cần phải mất buổi sáng để 'diễn" không? Tôi nghĩ chắc chắn là không!
Qua đó, đánh giá giáo viên "không thật sự muốn thay đổi" có phải là đánh giá khách quan?
Tôi nhớ lại một thời kì dài mà tôi được chứng kiến khi còn sản xuất Hợp tác xã, cần một lực lượng rất đông đảo tổ trưởng, đội trưởng, Ban chủ nhiệm, thủ quỹ, thủ kho... để đánh kẻng, để ghi công, chấm điểm, giám sát nhưng cây lúa vẫn èo uột.
Hạt gạo đến người dùng đã mốc meo, đầy bụi trắng.
Khi đó, người nông dân cũng bị coi là lười, là lạc hậu, cần thường xuyên đốc thúc...
Giờ đây, rất nhiều ý kiến đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, giáo viên lười, không chịu đổi mới.
Nhưng công tác quản lý các cấp và trường học đã đổi mới chưa thì rất ít ý kiến đánh giá. [4]
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ, Bác chỉ rõ: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”.
Tôi chỉ xin đưa ra một ý kiến: Chúng ta đã nên nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc trách nhiệm của đội ngũ quản lý các cấp trong chương trình thử nghiệm VNEN chưa?
Có thấy cần thiết phải đổi mới cung cách quản lý để phù hợp và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới giáo dục hay chưa? Hay vẫn chỉ quy trách nhiệm giáo viên yếu kém, ngại đổi mới?
Tài liệu tham khảo:
[1] http//vtv.vn/video/90-phut-de-hieu-01-10-2017-250306.htm
[2] - (GDVN): Mô hình trường học mới (VNEN) trong suy nghĩ của cô giáo vùng cao
- (GDVN): Muốn VNEN thành công thì cần thay đổi một số tiêu chí đánh giá
- (GDVN): Cô giáo Cao Bằng: Trường học mới (VNEN), thành bại do chính người thực hiện
[3] Tuổi trẻ Online: Mô hình Trường học mới, nhiều mối lo- kì 1: Đánh giá cao nhưng vẫn kêu ca
[4] - (GDVN) - Tiếng kêu cứu của các Hiệu trưởng!
- Dân trí: - "Dân chủ trong trường học: Giáo viên đúng sai gì cũng... im!"
- VietnamNet: - 'Thưa Bộ trưởng, khâu kém nhất của giáo dục Việt Nam là...'