“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống

11/10/2017 06:41
An Nguyên
(GDVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự “lên ngôi” của Đại học trực tuyến sẽ buộc các trường Đại học phải thay đổi phương thức đào tạo truyền thống.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “từ công nghiệp 4.0 tới Giáo dục 4.0 – Mô hình khung 4Cs để chuyển đổi Giáo dục Đại học thành Hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạovừa diễn ra tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Thách thức đại học truyền thống

Theo chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục mạng lưới các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á (AUN-QA) thì giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa.

Cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi cách đào tạo truyền thống lâu nay. Ảnh: TT
Cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi cách đào tạo truyền thống lâu nay. Ảnh: TT

“Chính sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục 4.0. Các yếu tố trong hệ sinh thái mới này linh động và có mối liên quan mật thiết. Việc sắp xếp các yếu tố khác nhau trong hệ sinh thái hướng tới mục tiêu giáo dục là rất quan trọng”, ông Johnson Ong Chee Bin nói.

Như vậy, học online, học trực tuyến sẽ là một xu hướng mới thách thức các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay.

“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống ảnh 2

Học trò hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Thời đại 4.0, con có bị thất nghiệp không?

Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định chung là hình thức đại học trực tuyến là một cách tiếp cận mới, lợi dụng tối đa những lợi thế mà internet mang lại để tạo nên một trường đại học chất lượng.

Trường đại học trong tương lai là mô hình không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người "eo hẹp" về thời gian nhưng mong muốn đầu tư cho tương lai.

Từ câu chuyện mô hình giáo dục 4.0 của Đại học NUS - Singapore (đại học xếp thứ 6 về chỉ số đổi mới giáo dục toàn cầu và nằm trong top 11 đại học hàng đầu Châu Á theo Reuters), chuyên gia Jonhson Ong Chee Bin chia sẻ về những vấn đề mà các trường đại học cần thay đổi.

Đó là các trường cần phải thử nghiệm những công nghệ mới, liên tục cải thiện phương pháp dạy học. Trên cơ sở theo dõi, quan sát phản hồi thái độ của sinh viên về việc tiếp thu kiến thức.

Nhà trường phải tạo ra nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn cho sinh viên.

Những tín hiệu thay đổi

Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, buộc giáo dục đại học phải thay đổi mới tồn tại.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia đã tập trung trao đổi xoay quanh câu hỏi điều gì là tốt nhất để giáo dục đại học ở Việt Nam chuyển đổi sang nền giáo dục 4.0?

“Đại học không tường” thách thức mô hình đào tạo đại học truyền thống ảnh 3

20 năm tới sẽ không còn tồn tại những nghề sau mà 60% các bạn trẻ đang học

Theo đó, xuất phát từ yêu cầu của cuộc cách mạng, dẫn tới nhu cầu phát triển giáo dục đại học và chương trình đào tạo mới (giáo dục 4.0).

“Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học sẽ đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới.

Giáo dục đại học phải mang lại cho người học không chỉ những kỹ năng và kiến thức cơ bản mà còn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức. Người học phải đáp ứng yêu cầu công việc liên tục thay đổi để tránh nguy cơ bị đào thải”, một chuyên gia nhận định.

Cũng theo vị này, giáo dục đại học cần thiết phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đạt chuẩn cũng như xây dựng khung chương trình đào tạo kết nối giữa trường học, doanh nghiệp và chính phủ.

Cụm từ “hợp tác đại học không tường” cũng được các chuyên gia đưa ra mổ xẻ, phân tích.

Điển hình cho mô hình trên là sự ra đời của Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học Nice Sophia Antipolis (Cộng hòa Pháp).

Sứ mệnh của trung tâm này là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa ngành trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.

Có ba thành phần chính của DNIIT gồm: Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm quản lý đào tạo, thông tin khoa học công nghệ và Trung tâm kỹ thuật số Pháp ngữ.

Các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo để phát triển các dịch vụ tự động dựa trên các công nghệ mới về đối tượng kết nối và trí tuệ nhân tạo.

Theo nhận định chung của các đại biểu tham gia hội thảo, hiện một số trường Đại học ở Việt Nam đã bước đầu chuyển đổi sang nền giáo dục 4.0.

“Đó là việc tăng cường đầu tư và triển khai E-learning. Điển hình như trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đầu tư hệ thống quản lý học trực tuyến bao gồm: phòng multi-media và phần mềm quản lý học tập/giảng dạy trực tuyến và đã triển khai giảng dạy cho sinh viên chương trình tiên tiến”, một đại biểu chia sẻ.

Tương tự, Đại học FPT cũng vừa phối hợp với FPT Software  triển khai mô hình mới trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

Sinh viên sau khi tham gia học bốn học kỳ của một chương trình được thiết kế đào tạo đặc thù có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình học trực tuyến của Đại học trực tuyến FUNiX.

Hoặc tiếp tục học tiếp Đại học để lấy bằng kỹ sư công nghệ thông tin. Mô hình mới này nhằm tạo điều kiện cho người học cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

An Nguyên