Chúng ta đang là "vật tế thần" cho các hãng dịch vụ, công nghệ

17/10/2017 07:04
Đất Việt
(GDVN) - Chúng ta đã và đang là những “vật tế thần” cho hệ thống dữ liệu mà hiện nay thường được gọi là “Big Data” (dữ liệu lớn).

LTS: Trong thời đại 4.0, khi con người phụ thuộc rất nhiều vào Internet, thì những thông tin cá nhân của chúng ta đang bị lợi dụng để trục lợi.

Là một luật sư, một người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về giáo dục, tác giả Đất Việt đưa ra lời cảnh báo về quyền riêng tư và bảo mật cá nhân của chính chúng ta đang bị đe dọa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nếu có ai hỏi bạn, liệu bạn có sẵn sàng bán mình hoặc con mình đi không?

Chắc tất cả chúng ta đều sẽ ngạc nhiên, vì chúng ta đều chắc chắn với lời đáp lại “Không”…

Bởi không ai đi bán mình (xin nói rõ, là tôi hoàn toàn không muốn đề cập đến một nghề đặc thù của xã hội), nếu chúng ta có những lòng tự trọng tối thiểu.  

Tuy nhiên, với thời đại của công nghệ đang ngày càng tiếp cận sâu hơn với từng suy nghĩ, từng hình ảnh, từng nhận thức của mỗi cá nhân khi tham gia vào:

Internet và các mạng xã hội

Điện thoại thông minh, bảo hiểm, ngân hàng online

Các hoạt động của học sinh sinh viên trong trường học, các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân và nhà nước

Và gần như ở mọi lĩnh vực và hoạt động nào có liên quan đến các thông tin và dữ liệu cá nhân mỗi chúng ta, nguy cơ lớn nhất đã đến: bí mật cá nhân, quyền riêng tư của chúng ta gần như đã bị mất!

Hình minh họa, nguồn: Metro-data.com.
Hình minh họa, nguồn: Metro-data.com.

Khi tất cả các hãng cung ứng dịch vụ hàng ngày cho chúng ta yêu cầu chúng ta cung cấp dữ liệu về bản thân, về thân nhân,

Về những thói quen hàng ngày mà chúng ta tự nguyện “thể hiện” trên các trang mạng xã hội (ăn gì, ở đâu, chuyện gì đang xảy ra, kết bạn với ai, phản ứng như thế nào trước các bài viết hoặc những ý kiến phản hồi, vân vân và vân vân).

Chúng ta đã và đang là những “vật tế thần” cho hệ thống dữ liệu mà hiện nay thường được gọi là “Big Data” (dữ liệu lớn).

Dữ liệu lớn và kinh doanh dữ liệu đang là một xu hướng mới và phát triển rất nhanh trong thời kỳ Internet vạn vật (IoT) hiện nay.  

Nó cung cấp rất nhiều cơ hội cho mọi người trên toàn cầu cùng hợp tác, cùng kinh doanh và cùng chia sẻ dữ liệu, nhằm hỗ trợ thông tin và cung cấp giải pháp tổng thể cho nhiều vấn đề phức tạp hiện nay.

Tuy nhiên, có 3 việc vừa xảy ra buộc tôi nghĩ chúng ta cần lên tiếng ngay bây giờ và cho tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ cho chúng ta, về trách nhiệm họ phải đảm bảo an ninh thông tin cá nhân và quyền riêng tư của cá nhân chúng ta, trong mọi hoạt động dịch vụ mà chúng ta có giao dịch với họ.

Chuyện thứ 1: Học sinh cấp 2- 3 chia sẻ game chơi điện tử, đính kèm file có hình ảnh sinh hoạt tình dục

Trong lớp học cấp 2 và cấp 3 quốc tế ở Việt Nam và nước ngoài, học sinh thường có email cá nhân và email của trường.  

Chúng ta đang là "vật tế thần" cho các hãng dịch vụ, công nghệ ảnh 2

Con người có quyền có bí mật: Tại sao không?

Các em có thể trao đổi bài và gửi file cho nhau trực tiếp.  

Tôi ngạc nhiên khi một hôm tôi nhận thấy trong file đính kèm gửi đến cho con tôi, một file chơi game điện tử, nhưng trong cùng file có những hình ảnh sinh hoạt tình dục rất bậy bạ.

Khi tôi hỏi con tôi, cháu nói các bạn thường gửi qua lại cho nhau game để chơi, nhưng cháu không chơi nên không quan tâm.  

Khi tôi chỉ cho cháu về những hình ảnh được gửi kèm đó có được ai kiểm soát không, cháu nói là không có ai cả, vì toàn học sinh gửi qua lại cho nhau.

Cách đây một năm, câu chuyện trò chơi Elsa trên Youtube mang các hình ảnh rất xấu [1], nhưng được gắn mác “Dành cho trẻ em” và “Dành cho giáo dục”, với hơn 30 triệu lượt xem (views) đã gióng lên một hồi cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ Việt.

Nhưng nay, kể cả với học sinh cấp 2 và cấp 3, chúng ta cần có những quản trị trong gia đình và ở trường cho con em chúng ta, nhằm tránh tình trạng con em chúng ta được trở thành “đối tượng khách hàng” của những trò games, tranh ảnh khiêu dâm, khi tuổi chúng còn quá nhỏ.

Điều này chỉ có thể làm được khi tất cả các phụ huynh ý thức và quản lý tốt được việc sử dụng Internet.

Bởi vì các trò chơi, mạng xã hội, với con dưới 18 tuổi là một mối nguy hiểm lớn, dẫu cho ngay cả khi tham gia vào các chương trình học miễn phí có kèm theo quảng cáo quá nhiều thứ không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Chuyện thứ 2: Thư điện tử chào hàng đánh bạc online quốc tế từ 1 đô la

Ngày 9/10 vừa qua, tôi nhận được một thư điện tử từ Anh, gửi đến email cá nhân của tôi, mời chào đánh bạc online mà chỉ từ 1 đô la.

Vậy, có thể giả định rằng hầu như ai có địa chỉ email và bị hack (đánh cắp) và được cung cấp cho những nhà tổ chức đánh bạc đó, họ sẽ gửi thư mời chào đánh bạc online…

Hiện nay, có nhiều dịch vụ online được chào mời chúng ta hàng ngày hàng giờ…và trong số đó, hầu hết là rác!

Chúng ta đang là "vật tế thần" cho các hãng dịch vụ, công nghệ ảnh 3

Bộ Tư pháp: Kết quả học tập là thông tin đời tư học trò

Nhưng câu hỏi rất quan trọng mà chúng ta cần đặt ra, ai đã bán email cá nhân, điện thoại của chúng ta cho họ?

Ai đã có thể đánh cắp hầu hết các thông tin cá nhân được đăng ký với một số nơi cung ứng dịch vụ internet, facebook, gmail…

Và rồi, để biến chúng ta thành một thị trường khách hàng quảng cáo online?

Đánh bạc online chỉ là 1 phần nhỏ của những dịch vụ xấu với chúng ta và con em chúng ta mà thôi.  

Liệu, với tốc độ của Internet ngày càng tăng, chúng ta sẽ còn được mời chào dịch vụ gì online?

Ai sẽ bảo vệ quyền riêng tư, quyền bí mật cá nhân của chúng ta trong những trường hợp bị xâm hại như vậy?

Chuyện thứ 3: Giả mạo danh tính, hình ảnh và kiếm tiền dựa trên tên tuổi của người khác

Câu chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu bị mạo danh trên facebook và các trang mạng xã hội để chào mời các dịch vụ đào tạo tiếng Anh, toán hay dạy thêm [2] là một ví dụ điển hình của việc kiếm tiền dựa trên hình ảnh, uy tín của người khác trong thời đại số hóa này.

Không chỉ có Giáo sư Châu, hiện nay, với những ưu thế của facebook, skype, linkedin, instagram trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt qua facebook, nhiều người đã tìm nhiều cách sử dụng mạo danh người khác để chào mời các dịch vụ như giới thiệu du học, đầu tư nước ngoài, mua bán bất động sản, đánh bạc online, dạy học livestream…

Những dịch vụ này thậm chí có bài bản, có hệ thống và được cung cấp bởi những tổ chức hiệp hội có tên tuổi.

Hãy nhìn hình ảnh dưới đây để hiểu, thông tin cá nhân đang được rao bán hay quà tặng công khai như thế nào, dẫu cho họ có thể nhân danh “Vì giáo dục”.

Hình ảnh do tác giả cung cấp.
Hình ảnh do tác giả cung cấp.

Trong một hội chợ quảng bá cho du học nước ngoài, dữ liệu học sinh và sinh viên đã được “tặng, cho" miễn phí, đi kèm cùng với các bảng đăng ký tham dự hội chợ cũng để lấy thông tin cá nhân và lại tiếp tục chu kỳ “tặng, cho” thông tin của chúng ta.

Những vấn nạn như ba câu chuyện trên đây hoàn toàn chưa có bất kỳ ai hay tổ chức nào của Việt Nam đứng ra kêu gọi bảo vệ quyền nhân thân, quyền bí mật cá nhân và quyền riêng tư cả…

Có thể bởi vì chúng ta chưa ý thức được, thông tin cá nhân của chúng ta đang là hàng hóa của người khác.  

Người khác đã và đang kiếm tiền, một cách vô đạo đức và vi phạm pháp luật trắng trợn, từ chính chúng ta, con em chúng ta… và chúng ta KHÔNG LÀM GÌ CẢ!

Xin được gửi lời chia buồn đến các bạn của tôi, tất cả chúng ta đang là “vật tế lễ” của các công ty, các dịch vụ và hãng công nghệ… nếu chúng ta tiếp tục để họ có thể khai thác thông tin chúng ta như vậy.

Hãy lên tiếng, hãy lập hội, hãy gửi kiến nghị đến Quốc hội, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông hay bất kỳ cơ quan nào có liên quan;

Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, nơi nắm giữ thông tin học tập và sức khỏe cá nhân lớn nhất của cả nước;

Để yêu cầu họ phải có quy định ràng buộc trách nhiệm của những tổ chức, những doanh nghiệp hiện đang nắm giữ và khai thác thông tin và dữ liệu cá nhân của chúng ta.

Thế giới hiện nay được kiểm soát không chỉ qua vấn đề biên giới nữa rồi…

Internet đã làm thế giới không còn biên giới, và những kẻ xấu sẵn sàng “săn đuổi” con mồi hàng giờ qua mạng internet…

Đấy chính là chúng ta!

Hãy bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư và quyền con người của chúng ta, trên mạng internet và trong các dịch vụ cung cấp cho chúng ta, con cái chúng ta, trước khi quá muộn.  

Hãy kiến nghị có những biện pháp bảo vệ chúng ta trên mạng!

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/tre-em-viet-dang-bi-dau-doc-boi-clip-gan-elsa-phan-cam-352364.html;

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-bi-mao-danh-facebook-278716.html

Đất Việt