Quan niệm sai lầm về nghề nghiệp đang tước đi cơ hội của bạn trẻ

15/10/2017 06:29
Trần Thị Tuyết
(GDVN) - Nếu mỗi người trẻ biết tự lập, tự tìm hướng đi và tự chịu trách nhiệm về những việc làm của mình thì bước chuyển mình ấy sẽ ngắn hơn và ít gập ghềnh hơn.

LTS: Sau khi đọc một số bài báo viết về một thủ khoa phải về quê nuôi lợn ở Hà Giang đăng trên Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Tuyết từ Cộng hòa Liên bang Đức đã có bài viết chia sẻ với các bạn trẻ về quan niệm nghề nghiệp để tránh những sai lầm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần chục năm trước khi đi kí hợp đồng thuê trại cho sinh viên, tôi được chị chủ cho thuê trại đưa cho bộ hồ sơ, chỉ vào cô bé ngồi bên ngoài và bảo:

"Nó tốt nghiệp đại học hẳn hoi đấy mà tìm mãi chả được việc, chị chỉ cần đứa học hết cấp 3 thôi, em quen biết rộng, giới thiệu việc cho nó với!".

Ảnh minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.
Ảnh minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.

Cô con gái ông cậu họ của tôi ở quê cũng thế, lên Hà Nội học đại học mang theo tiền tích cóp, niềm tự hào và hy vọng của cả nhà, học xong tìm mãi không được việc, lại ngược về quê phụ giúp bố mẹ việc nhà.

Chế độ phúc lợi cho "thợ" còn bấp bênh

Không cần biết chữ, chỉ cần khỏe mạnh và muốn làm việc, bạn có thể tìm được việc. Đục, đẽo, sơn, tô, nghề làm tượng Phật ở làng tôi hàng năm luôn khát thợ!

Trong thời đại kinh tế mở, không cần phải ở làng nghề như ở làng tôi, người ta vẫn dễ dàng tìm được một công việc gì đó để làm như: công nhân may, công nhân khu công nghiệp điện tử, bán hàng qua mạng, lái xe taxi….

Tôi đã từng có suy nghĩ: có lẽ ở Việt Nam đang thừa thầy thiếu thợ. Tôi nghĩ nhiều người có cùng suy nghĩ như tôi. Và tôi bắt đầu tìm hiểu về nó.

Tuy nhiên, bức tranh về thị trường lao động tôi tiếp cận được rất khác với những gì tôi vẫn tưởng.

Những người trẻ được gọi là "thợ" khi tôi tiếp cận, những người lái xe ôm, trợ giúp kinh doanh gia đình, bán hàng, thợ may, phu hồ, bảo vệ cửa hàng… đa phần đều không gọi những việc họ đang làm là "nghề".

Họ chỉ coi đó là những công việc tạm bợ, nhiều người vẫn muốn đi học để tìm được một công việc khác, mà theo họ ổn định hơn.

Quan niệm sai lầm về nghề nghiệp đang tước đi cơ hội của bạn trẻ ảnh 2

Có phải thực sự Việt Nam đang thừa thầy, thiếu thợ?

Họ nhận thấy công việc mình đang làm không có bảo hiểm y tế, không trợ cấp thất nghiệp, thai sản, ốm đau, không có chế độ nghỉ lễ, nghỉ phép,...

Trong khi những người khác vào kỳ nghỉ được thảnh thơi, thì họ thậm chí phải làm tăng ca, làm dài thời gian hơn, làm đến đâu hay đến đó, làm đâu ăn đó, chủ đuổi lúc nào không biết.

Tóm lại, họ nằm ngoài các điều khoản quy định của Bộ luật Lao động. Nếu có bị đuổi việc thì lại tìm việc khác mà làm, không làm thì không có tiền tiêu.

"Ráo mồ hôi là hết tiền" là câu nói mà khá nhiều người đã dùng để miêu tả những công việc tạm bợ họ đang làm.

Tuy nhiên, trong các điều tra xã hội việc làm, họ vẫn được nằm trong danh sách những người có việc làm.

Thầy chưa ra thầy, thợ chưa ra thợ

Ở một góc khuất khác, trong khi những người có bằng cấp chật vật đi xin việc thì những nhà tuyển dụng cũng chẳng sung sướng gì.

Họ cũng phải vất vả tìm người làm, và mặc dù có những chế độ lao động mà những người làm thợ ở trên mơ ước: lương thưởng, bảo hiểm, trợ cấp, hưu trí…

Nhưng các nhà tuyển dụng này vẫn không dễ dàng gì để tìm được người làm ưng ý, dù bên họ luôn là những chồng hồ sơ xin việc cao ngất.

Nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm nguồn nhân lực để giúp họ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, có kiến thức, kinh nghiệm, năng động, sáng tạo, thạo ngoại ngữ và chấp nhận lăn xả.

Tuy nhiên, họ thường thất vọng với những ứng cử viên, dù có thể có một kết quả học tập khá tốt nhưng lại có những câu trả lời ngô nghê khi được phỏng vấn.

Nguyên nhân của sự bất cập tới từ nhiều phía, tôi đã viết cả một luận án tiến sĩ về vấn đề này.

Có khá nhiều nguyên nhân khách quan cho sự đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng như: suy thoái kinh tế, áp lực cạnh tranh và cắt giảm chi phí, kể cả chi phí đào tạo nhân sự.

Hiện nay, nhu cầu của các nhà tuyển dụng ngày càng cao (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).
Hiện nay, nhu cầu của các nhà tuyển dụng ngày càng cao (Ảnh minh họa: tuoitre.vn).

Trong khi đó hệ thống giáo dục vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, công tác hướng nghiệp ở mọi cấp độ đều yếu và kém;

Lên kết đại học với doanh nghiệp - mấu chốt giúp người học tiếp cận các bài học thực tế, làm quen với môi trường nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc - vẫn còn lỏng lẻo, hời hợt và mang tính hình thức. 

Các thống kê, dự báo về xu hướng nghề nghiệp hầu như không có. Chuyện tiêu cực, “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ" trong công tác tuyển dụng nhân sự vẫn còn khá phổ biến ở khu vực công…

Tuy nhiên, trách nhiệm chính trong việc tìm được chỗ đứng trong thị trường lao động sau khi ra trường vẫn thuộc về người học.

Hãy tự đào giếng trước khi chết khát

Câu chuyện "thủ khoa chăn lợn" ở Hà Giang hay những gì tương tự thỉnh thoảng lại xuất hiện trên mặt báo nên là một lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ về định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Dù những trở ngại khách quan là lớn, nhưng nếu xác định được rõ mục tiêu nghề nghiệp và phấn đấu trau dồi các phẩm chất, kỹ năng, thái độ cần thiết, khả năng tiếp cận thị trường lao động của các cử nhân vẫn rất cao.

Quan niệm sai lầm về nghề nghiệp đang tước đi cơ hội của bạn trẻ ảnh 4

Sinh viên Việt Nam đang thiếu và yếu những gì?

Đa phần các giảng viên đại học và các nhà tuyển dụng mà tôi được tiếp cận trong các đợt phỏng vấn đều cho rằng:

Những sinh viên năng động, có ý thức học tập tốt, chịu khó tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoại khóa, các câu lạc bộ đều có khả năng tìm được việc làm trước hoặc ngay sau khi ra trường.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên như vậy không nhiều.

Phần còn lại, hoặc chỉ biết học, hoặc đi làm thêm những công việc không liên quan tới ngành học, chủ yếu để kiếm tiền, hoặc xác định vào được đại học là để xả hơi và vui chơi… họ đều rất dễ gặp rủi ro trong bước chuyển tiếp ra thị trường lao động.

Tôi vẫn nhớ mãi lời một giảng viên khi chia sẻ với tôi những trăn trở của anh:

"Chị biết không, tôi có nhiều mối quan hệ với các nhà tuyển dụng trong ngành và rất hay nhận được đề nghị giới thiệu sinh viên tới chỗ họ làm việc, nhưng khó lắm!

Những em mình muốn giới thiệu thì đều đã có chỗ hết cả rồi, số còn lại không đủ tin tưởng để giới thiệu!".

Khó lắm! Bài toán về đào tạo, tự đào tạo và tuyển dụng nhân sự.

Bước chuyển từ trường học sang môi trường làm việc là không hề dễ dàng với bất kì ai, ở bất kì nơi đâu.

Tuy nhiên, nếu mỗi người trẻ biết tự lập, tự tìm hiểu thị trường, tự tìm hướng đi và tự chịu trách nhiệm về quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm sống cho mình, bước chuyển ấy sẽ ngắn hơn và ít gập ghềnh hơn.

Tôi tin là bạn thủ khoa trường sư phạm kia, nếu không phải là người chỉ biết học, sẽ biết định hướng cho mình và sớm tìm được một công việc phù hợp. Nhưng có lẽ, sẽ không ở Hà Giang…

Trần Thị Tuyết