Chỉ đạo của Bộ về tích hợp sách giáo khoa hiện hành chỉ làm giáo viên thêm rối

19/10/2017 13:31
Thùy Linh
(GDVN) - Việc dạy học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn dễ dẫn đến hiện trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục.

LTS: Ngày 3/10/2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Theo đó, công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học. 

Vấn đề khiến các thầy cô dạy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông quan tâm nhất chính là việc “lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn...” bởi lẽ toàn bộ giáo viên hiện đang dạy giảng dạy chỉ được đào tạo ra làm giáo viên đơn môn. 

Vậy giáo viên tích hợp thế nào?

Về vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) để hiểu rõ hơn khó khăn của đội ngũ giáo viên hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này.

 
Phóng viên: Là giáo viên phổ thông lâu năm, thầy đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Tôi cho rằng, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là quá tải, quá nặng, không đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh; 

Thậm chí, nhiều thông tin cũ, lạc hậu không còn phù hợp; nội dung giữa các môn học có sự trùng lặp, hoạt động giáo dục... 

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ví dụ: Môn Lịch sử bài 27, lớp 10 “Quá trình dựng nước và giữ nước” với môn Giáo dục quốc phòng - An ninh lớp 10 bài 1 “Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam” trùng lặp nội dung “Thời kì dựng nước đầu tiên, công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc”; 

Hay môn Giáo dục công dân: bài 14, lớp 10 “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với môn Giáo dục quốc phòng - An ninh lớp 11 bài 3 “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” trùng lặp nội dung “Trách nhiệm của công dân”. 

Chương trình năm 2000 từ lúc ra đời đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần quyết định giảm tải nội dung dạy học nhưng đến nay học sinh, phụ huynh vẫn than thở chương trình học nặng. Thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng:
Đây là một vấn nạn của chương trình phổ thông hiện hành, vì học sinh vẫn phải học tới 13 môn học, giáo viên của 13 môn học đều đưa ra mục tiêu bài học, chương học là học sinh phải đạt chuẩn kiến thức - kĩ năng.

Cụ thể: 

- Về kiến thức: Học sinh không chỉ dừng lại ở việc nhận biết, thông hiểu, vận dụng, mà còn phải biết phân tích, đánh giá và sáng tạo, thậm trí nhiều giáo viên còn đòi hỏi học sinh phải phát triển năng lực nhận thức ở mức độ cao hơn trong quá trình học tập. 

- Về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng tri thức đã được tiếp thu để trả lời câu hỏi, giải bài tập, làm thực hành, có kĩ năng tính toán, vẽ hình, dựng biểu đồ… sau mỗi bài hoặc mỗi chương đã học. 

Chính mục tiêu đó đã làm chương trình phổ thông hiện hành vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng bởi nếu học sinh chú tâm học môn học này không còn thời gian học tập môn khác. 

Từ đó gây áp lực đối với học sinh và làm chương trình vốn đã nặng, đã quá tải, nay lại càng nặng hơn. 

Cho dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần ra quyết định giảm tải nội dung dạy học, thì học sinh, phụ huynh vẫn than thở là điều hiển nhiên.

Trong công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: “Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn;...”. 

Thầy đánh giá như thế nào về chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Việc dạy học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn dễ dẫn đến hiện trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục. 

Vì tính đến nay chưa có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung của từng môn học, từng bài học cụ thể sẽ như thế nào?

Do vậy, nếu thực hiện tích hợp dễ xảy ra tình trạng nội dung kiến thức của môn học đã được giáo viên giảng dạy rồi lại được giáo viên môn khác tái sử dụng và giảng dạy lại ở bộ môn khác.

Với một phông kiến thức sâu 13 môn học đều thực hiện tích hợp làm chương trình đã nặng nay lại càng nặng hơn với học sinh, không vừa sức với học sinh, học sinh dần dần nhàm chán, không có hứng thú với môn học. 

Theo thầy Hướng, nếu thực hiện tích hợp chương trình hiện hành dễ xảy ra tình trạng nội dung kiến thức của môn học đã được giáo viên giảng dạy rồi lại được giáo viên môn khác tái sử dụng và giảng dạy lại ở bộ môn khác. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Theo thầy Hướng, nếu thực hiện tích hợp chương trình hiện hành dễ xảy ra tình trạng nội dung kiến thức của môn học đã được giáo viên giảng dạy rồi lại được giáo viên môn khác tái sử dụng và giảng dạy lại ở bộ môn khác. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Tôi cho rằng, việc áp dụng dạy học tích hợp vào lúc này sẽ gây ra hệ lụy làm loãng kiến thức trọng tâm và thừa thãi các kiến thức không phù hợp.

Dạy học tích hợp đòi hỏi cao về phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa của học sinh để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập với học sinh ở vùng khó khăn chưa thể đáp ứng được yêu cầu này.

Đặc biệt, yêu cầu này không thiết thực và khó khả thi với các trường vùng nông thôn, miền núi, vì ở nhiều trường phổ thông dạy học tích hợp liên môn làm cho có lệ, thậm chí nhiều giáo viên chỉ thực hiện dạy học tích hợp khi có các kì thi giáo viên giỏi, trong các giờ thao giảng và hội giảng hoặc các giờ thanh tra. 

Như vậy có nghĩa là chỉ đạo này gây nhiều khó khăn cho giáo viên. Thầy có thể nêu cụ thể những khó khăn đó là gì không, thưa thầy?

Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Tôi cho rằng, chỉ đạo này gây nhiều khó khăn đối với giáo viên, ví như: 

Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung của từng môn học, từng bài học cụ thể.

Giáo viên sẽ lúng túng khi tổ chức hoạt động học tập ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đặc biệt là giáo viên giảng dạy ở vùng khó khăn.

Chỉ đạo của Bộ về tích hợp sách giáo khoa hiện hành chỉ làm giáo viên thêm rối ảnh 3

Mâu thuẫn tư duy trong chỉ đạo "cấm dạy ngoài nội dung sách giáo khoa"

Thứ hai, dạy tích hợp đòi hỏi cao về trình độ và năng lực của giáo viên tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh;

Yêu cầu giáo viên không ngừng tư duy và trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu áp dụng vào môn học mình giảng dạy.

Thứ ba, giáo viên thấy khó khi tích hợp kiến thức liên môn để phù hợp với mục tiêu dạy học, phù hợp khả năng nhận thức của từng đối tượng học sinh.

Cách thức tổ chức các hoạt động dạy học có hiệu quả với từng học sinh, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh...

Thứ tư, dạy học tích hợp liên môn đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị không chỉ đối với giáo viên mà cả học sinh. 

Bởi lẽ, giáo viên muốn dạy tích hợp thì cần: 

- Nắm vững các nguyên tắc dạy học tích hợp liên môn. 

- Lựa chọn bài học phù hợp lồng ghép kiến thức các môn khác; 

- Xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp - liên môn cần theo mẫu chia ra các cột như:

Tên bài, địa chỉ (tích hợp vào nội dung nào của bài), nội dung tích hợp (những kiến thức, kỹ năng, chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép), mức độ tích hợp…

Bảng mô tả quan hệ của nội dung chủ đề với các môn học có các cột: Nội dung chủ đề, môn 1, 2, 3, 4 (lớp nào, nội dung tích hợp gì).

- Xác định đối tượng dạy học; chuẩn bị các thiết bị dạy học, học liệu, thiết kế giáo án. 

Ví dụ: Khi dạy học môn Lịch sử bài 27, lớp 10 “Quá trình dựng nước và giữ nước” học sinh học về quá trình tồn tại, phát triển nhân dân ta đã từng bước hợp nhất, đoàn kết xây dựng một quốc gia thống nhất, có tổ chức nhà nước hoàn chỉnh, có nền kinh tế đa dạng ổn định, có nền văn hóa tươi đẹp giàu bản sắc riêng. 

Giáo viên tích hợp: Kiến thức môn Địa Lý bài 2, lớp 12 “Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ” học sinh sẽ: Biết được vị trí địa lí, giới hạn, phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Kiến thức Giáo dục quốc phòng - An ninh bài 1 “Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam”. 

Học sinh biết được Lịch sử đánh giặc của dân tộc, truyền thống vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước;

Kiến thức môn Giáo dục công dân kiến thức bài 14, lớp 10 “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, bước đầu giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào về quê hương đất nước, học sinh biết rút ra các bài học về  mục đích sống, vượt khó, có thái độ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Trân trọng cảm ơn thầy. 


Thùy Linh