Nhiệt huyết của 2 nữ nhà giáo ngày đêm vì sự nghiệp đổi mới giáo dục

20/10/2017 07:07
Thùy Linh
(GDVN) - Đó là những thầy cô luôn tự nỗ lực rằng, bản thân mình phải đam mê với nghề và thực sự cố gắng trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học…

Sáng tạo, đổi mới từng ngày đó là yêu cầu đầy thách thức đối với người thầy bất kể là giáo viên vừa bước chân vào nghề hay những thầy cô đã bước đến tuổi về hưu. 

Tôi có dịp gặp cô Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa nhận bằng khen của Bộ trưởng về “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017”. 

Chia sẻ với tôi, cô Mai tâm sự: “Thực sự cô vui lắm vì được ra Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ trưởng”. 

Khi tôi hỏi về thành tích xuất sắc của cô, cô kể, năm học 2016-2017 vừa qua cô đã mạnh dạn tổ chức và áp dụng một số thành tố tích cực của mô hình trường học tiên tiến vào trường Kỳ Tân, áp dụng phương pháp dạy học mới để giúp học trò có không gian học tập mở chứ không bị bó buộc trong không gian của Nhà trường thông qua việc các em được học ở phòng thực hành, được đi thực tế vườn sinh, vườn địa…

Cô Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa nhận bằng khen của Bộ trưởng về “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017”. (Ảnh: Thùy Linh)
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa nhận bằng khen của Bộ trưởng về “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017”. (Ảnh: Thùy Linh)

Đồng thời, vị Hiệu trưởng này còn vận dụng một cách sáng tạo hình thức trải nghiệm trên cơ sở chương trình hiện hành thông qua các tiết học ngoài giờ lên lớp để học trò được vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, giúp các em có định hướng nghề nghiệp sau bậc Trung học cơ sở. 

Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở địa bàn còn nhiều khó khăn nên nguồn xã hội hóa mà cô Mai thực hiện chính là sử dụng chính các vật dụng có sẵn trên địa bàn như đá, cát, nguyên liệu từ thiên nhiên, ngày công giáo viên, phụ huynh để nâng cấp trường lớp. 

Khi tôi hỏi lý do nào đã thôi thúc cô thực hiện những công việc đó, cô Mai giãi bày, khi xưa thầy cô đóng vai trò là người truyền thụ kiến thức thì nay trong công cuộc đổi mới đòi hỏi từng giáo viên phải là người hướng dẫn, người bạn, người đồng hành để có định hướng giúp từng học trò phát huy hết năng lực của các em. 

Đặc biệt khi trường Trung học cơ sở Kỳ Tân lại thuộc vùng miền núi của huyện Kỳ Anh nên yêu cầu để phát triển định hướng nghề sau bậc Trung học cơ sở lại càng được đặt ra và sớm thực hiện. 

Chia sẻ với phóng viên, cô Hiệu trưởng tâm sự đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục nhưng cơ sở giáo dục do chính cô Mai là cán bộ lãnh đạo còn rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nhưng ở đời sống nhân dân ở địa phương lại khó khăn nên trường dùng cách huy động ngày công giáo viên, ngày công cha mẹ học sinh... để xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo tối thiểu sân chơi, bãi tập cho học sinh. 

Thứ hai, hiện tại tỷ lệ giáo viên đứng lớp của Hà Tĩnh nói chung, huyện Kỳ Anh nói riêng rất thấp do đó có nhiều bộ môn thiếu rất nhiều giáo viên nhưng chủ trương hiện nay là không tuyển biên chế nên gây nhiều khó khăn cho cơ sở giáo dục.  

Thứ ba, về nhận thức của giáo viên, nhiều người còn ngại đổi mới. Đây chính là trăn trở của các nhà quản lý. 

Do đó, do là cán bộ quản lý, cô Mai luôn tự nỗ lực rằng, bản thân mình phải đam mê với nghề, phải tiên phong trong phong trào đổi mới phương pháp dạy học và đưa các yếu tố tích vực vào tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện địa phương. Có như vậy mới truyền được ngọn lửa đam mê tới đội ngũ giáo viên trong trường. 

Ngoài ra, cô Mai cũng cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra đối với công cuộc đổi mới giáo dục đó là đòi hỏi giáo viên dạy liên môn tích hợp

Đối với yêu cầu, thách thức này, tại cơ sở giáo dục của mình, cô Mai giao nhiệm vụ đối với những bộ môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) thì giáo viên được đào tạo chuyên ngành của môn học nào thì vẫn dạy theo môn học đó. 

Ví dụ đối với bộ môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) thì giáo viên dạy Vật lý vẫn dạy môn Lý, giáo viên Hóa học vẫn dạy Hóa và giáo viên Sinh học vẫn dạy Sinh học.
 
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, Nhà trường sẽ phân công các giáo viên đó đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để nắm được những kiến thức của môn học còn lại để thầy cô tiếp cận dần dần và giảng dạy được nội dung liên môn, tích hợp. 

Cũng tại lễ tuyên dương này, tôi được trò chuyện cùng cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Đây là cô giáo được nhiều người biết tới với sáng kiến dạy môn Địa lý bằng tiếng Anh.

Cô Nga chia sẻ rằng, là giáo viên chuyên Địa lý nhưng nhận thấy, có nhiều nội dung kiến thức của môn Địa lý như môi trường, tài nguyên, kinh tế, dân số cũng được giảng dạy trong môn Tiếng Anh.

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương (Ảnh: Thùy Linh)
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương (Ảnh: Thùy Linh)

Điều đó đã thôi thúc cô Nga nảy sinh ý định thử chọn một số nội dung và soạn bài giảng Địa lý bằng tiếng Anh cho các em học sinh phổ thông.

Những bài giảng của cô Nga đã được học sinh đón nhận tích cực khi nó đem lại không khí hoàn toàn mới mẻ cho học sinh. Tuy nhiên, để có một tiết học bằng tiếng Anh mang lại sự hào hứng cho học sinh, những bài giảng cũng phải được chuẩn bị rất công phu.

“Dù trước đây từng học chuyên ngữ nhưng mình cũng gặp nhiều khó khăn và phải đầu tư rất nhiều bởi lẽ diễn đạt một số vấn đề chuyên môn bằng tiếng mẹ đẻ đã khó huống chi là tiếng nước ngoài. Vì vậy, để có được một bài giảng trọn vẹn là rất khó khăn, mất nhiều thời gian” – cô Nga chia sẻ.

Khó khăn là vậy, nhưng với cô Nga, sự tìm tòi, đổi mới và sáng tạo chính là động lực, là sự tự tôn nghề nghiệp đồng thời cũng là sự tự tin trước học sinh và đồng nghiệp.

“Với mỗi giáo viên phải ý thức được sự sáng tạo ảnh hưởng đến sự sống còn của nghề nghiệp. Nếu mình không tự thân đổi mới sáng tạo mà chờ người khác cầm tay chỉ việc thì bản thân sẽ bị tụt hậu so với xã hội”, cô Nga giãi bày.




Thùy Linh