Sau khi Báo điện tử đăng tải phản ánh liên tiếp hai bài “Những bất thường tiền tỷ trong việc in ấn lịch Tết của Agribank” ra ngày 19/10 và bài “Chi tiền tỷ in lịch Tết của Agribank có bóng dáng nhóm lợi ích?” ra ngày 23/10 thì phía Agribank đã chính thức lên tiếng.
Theo đó, tại văn bản số 8917 gửi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam do bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký ngày 24/10 dẫn Luật Đấu thầu năm 2013 và khẳng định “Chi phí tổ chức in ấn các ấn phẩm lịch phục vụ yêu cầu của hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu, giới thiệu dịch vụ sản phẩm của Agribank không thuộc các nguồn vốn nêu trên”.
Tức là Agribank cho rằng, việc in ấn các sản phẩm lịch của toàn hệ thống là không thuộc hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước.
Đấu thầu tập trung sẽ làm giảm chi phí, nhưng Agribank vẫn cho rằng cách xé nhỏ hiện nay hiệu quả và phù hợp với Agribank. Ảnh: Vũ Phương. |
Tuy nhiên, Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 16/5/2016 đã chỉ rõ việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ có sử dụng vốn nhà nước gồm: “Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ”.
Như vậy, việc Agribank in lịch Tết Nguyên đán hàng năm nằm trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư 58 của Bộ Tài chính. Tức hoạt động in ấn các sản phẩm lịch tết của ngân hàng là hoạt động mua sắt sử dụng vốn nhà nước.
Hoạt động này cũng được nêu rõ trong Luật Đấu thầu năm 2013, cụ thể tại Điều 44 Quy định chung về mua sắm tập trung gồm: “Mua sắm tập trung là cách tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu thông qua đơn vị mua sắm tập trung nhằm giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức đấu thầu, tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư”.
Đáng nói, thay vì in lịch theo hình thức đấu thầu tập trung để tăng hiệu quả kinh tế, giảm thời gian, chi phí tiết kiệm cho ngân sách, chống lãng phí thì Agribank lại chọn hình thức phân bổ tiền để các chi nhánh tự đấu thầu và in lịch.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, cũng như các luật sư Luật kinh tế khi được phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tham vấn đều cho rằng, Agribank đang áp dụng hình thức xé nhỏ gói thầu là rất khó hiểu và có dấu hiệu bất thường.
Việc xé nhỏ gói thầu để các chi nhánh tự in lịch là có dấu hiệu đi ngược yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước như trong Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/4/2016.
Những bất thường tiền tỷ trong việc in ấn lịch Tết của Agribank |
Cụ thể như năm 2016, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ra thông báo số 10056/NHNo-TTTr về việc hướng dẫn sử dụng market và in lịch Xuân Bính Thân năm 2016 của Agribank do bà Nguyễn Thị Phượng – Phó Tổng giám đốc ký ngày 20/11/2015 gửi các trưởng văn phòng đại diện, giám đốc các chi nhánh loại I, loại II, chi nhánh Campuchia.
Theo đó, mức chi tối đa cho việc in và phát hành lịch Xuân Bính Thân năm 2016 gồm các đơn vị như trụ sở chính 500 triệu đồng, văn phòng đại diện 200 triệu đồng, các chi nhánh từ 50 đến 400 triệu đồng.
Nhìn vào bảng phân bổ kinh phí này, tổng số tiền chi tiền cho in lịch Tết Nguyên đán 2016 được phân bổ dự chi cho các đơn vị tại Agribank đã hơn 33 tỷ đồng.
Số tiền trên được phân bổ cho 152 chi nhánh, văn vòng đại diện, hội sở chính. Như vậy, việc in các ấn lịch Tết của Agribank thay vì đấu thầu tập trung, hội sở chính lại đẩy về để các chi nhánh tự tổ chức đấu thầu.
Việc xé nhỏ gói thầu để các chi nhánh tự in lịch khiến chi phí in lịch Tết của Agribank năm 2016 tăng gấp đôi so với các năm trước in lịch tập trung theo hình thức đấu thầu tập trung. Ảnh: Vũ Phương |
Như vậy, thay vì lập ra một hội đồng để thực hiện đấu thầu tập trung thì với 152 chi nhánh của Agribank có thể sẽ phải thành lập hàng trăm hội đồng thầu với hàng trăm người tham gia khi tổ chức đấu thầu riêng.
Chỉ riêng việc này đã gây tốn kém, lãng phí tiền của và nhân lực rất nhiều so với phương án đấu thầu tập trung.
Chưa kể, chia nhỏ cũng gây lãng phí, tốn kém thời gian, bởi việc in với số lượng nhiều, chủng loại tương tự giá in sẽ thấp hơn gấp nhiều lần so với việc để các đơn vị tự in với số lượng ít.
Tuy nhiên, trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Nông thôn lại cho rằng: “Kết quả theo dõi quá trình triển khai theo hình thức này (hình thức các chi nhánh tự đấu thầu và tiến hành in lịch theo market của Ban Tiếp thị và Truyền thông của Agribank đưa lên mạng nội bộ - PV) cho thấy toàn hệ thống đã tiết kiệm thời gian thực hiện, sát với nhu cầu từng đơn vị, tiết kiệm chi phí vận chuyển và phân phối ấn phẩm, hạn chế rủi ro chậm tiến độ nếu tập trung số lượng vào một đơn vị sản xuất. Phương thức tổ chức này phù hợp với điều kiện thực tế của Agribank”.
Có nhận xét cho rằng, phải chăng vì vất vả cho Hội sở mà Agribank chấp nhận chi thêm nhiều tỉ đồng, thay đổi từ đấu thầu tập trung sang cho các chi nhánh làm cho...nhàn thân?
Theo nguồn tin và tài liệu của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trước đây Agribank cũng tiến hành việc in lịch theo hình thức tập trung đấu thầu. Và chi phí in các ấn phẩm lịch Tết của Agibank chỉ khoảng 17 tỷ đồng.
Chi tiền tỷ in lịch Tết của Agribank có bóng dáng nhóm lợi ích? |
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì hình thức tổ chức trên không được duy trì?
Phải chăng Agribank không đủ năng lực để tổ chức đấu thầu tập trung, chấp nhận để cho chi phí tăng cao?
Trong khi đó, Nghị định số 63 của Chính phủ quy định rất rõ tại Điều 68: “Trường hợp đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực thì đơn vị mua sắm tập trung thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện việc lựa chọn nhà thầu”.
Trong một diễn biến khác, phóng viên được một cán bộ của Ban Tiếp thị và Truyền thông của Agribank cho biết, năm 2012 và các năm trước đó Agribank có tổ chức đấu thầu tập trung việc in các ấn phẩm lịch Tết.
Tuy nhiên, năm 2013 đã không thể chọn được nhà thầu và năm đó cũng không in được lịch Tết.
Thực tế, năm 2013, Agribank không tổ chức đấu thầu việc này vì nhiều lý do, chứ không phải có đấu thầu mà không chọn được nhà thầu.
Cũng sau năm này, có sự thay đổi nhân sự làm lịch tết và gói thầu lớn đã bị chia nhỏ từ đó.
Sự không trung thực, hoặc nắm không chắc vấn đề có vấn đề gì phía sau việc này không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.