Ngày 24/10, phát biểu tại tổ khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính - ông Đinh Tiến Dũng cho biết: “Cứ 4 doanh nghiệp gia nhập thị trường thì có 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Đấy là một thực tế".
Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo tình hình hoạt động doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi ngày có hơn 315 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong số các doanh nghiệp phá sản có đến gần 92% doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng (tức doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Thông tin số doanh nghiệp mới thành lập chỉ nhỉnh hơn số doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động khiến không ít người lo ngại ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài, việc làm, hệ lụy xã hội…
Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều hành động cụ thể rất cởi mở môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường kinh doanh được đánh giá là đã tốt lên nhiều.
Theo các chuyên gia việc hàng loạt các doanh nghiệp phá sản liên tục sẽ làm xấu hình ảnh môi trường đầu tư trong nước và cần sớm có những chính sách giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước và sau khi thành lập. Ảnh: Vũ Phương. |
Việc có đến hàng trăm doanh nghiệp phá sản, giải thể mỗi ngày ít nhiều sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt đối với môi trường kinh doanh Việt Nam, nhất là trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đóng cửa cũng dẫn tới một loạt những hệ lụy về mặt xã hội như vấn đề thất nghiệp, lao động…cũng bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia, ngoài những khó khăn về vốn, thị trường, sự non trẻ… khiến nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động thì cũng có nguyên nhân từ những “doanh nghiệp ma” xuất hiện nhằm trục lợi.
Đã có hàng nghìn "doanh nghiệp ma" được thành lập nhanh chóng và giải thể rất nhanh khiến số lượng doanh nghiệp giải thể và thành lập mới luôn tăng mạnh trong nhiều năm qua.
Chuyên gia Tái cấu trúc Doanh nghiệp Eric Vũ cho rằng, quan trọng nhất vẫn là kỹ năng sinh tồn của doanh nghiệp sẽ quyết định thành hay bại. Ảnh: NVCC |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia Tái cấu trúc Doanh nghiệp – ông Eric Vũ cho rằng: “Có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp 'chết lâm sàng', hoặc phải tuyên bố phá sản, đóng cửa.
Ngoài nguyên nhân khiến cho tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản cao và phần lớn rơi vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa do khó khăn về hành lang pháp lý hay thiếu chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Nguyên nhân quan trọng nhất là “kỹ năng sinh tồn” của các doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số, nhất là khi thế giới đang bước vào Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Một số nguyên nhân khác nữa như doanh nghiệp chọn sai mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào người đứng đầu doanh nghiệp, nếu họ đưa ra đưa ra chiến lược sai thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân doanh nghiệp chậm áp dụng khoa học kỹ thuật, dẫn tới lạc hậu, sẩn phẩm làm ra không bán được. Rồi vấn đề quản lý tài chính, sử dụng con người, hoạt động marketing…”.
Điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp |
Ông Eric Vũ cũng phân tích: “Chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa, bởi các doanh nghiệp vừa và lớn đã trải qua một thời gian kinh doanh trên thương trường.
Họ cũng đã từng thất bại và đứng dậy thành công nên “kỹ năng sinh tồn” của các doanh nghiệp vừa và lớn tốt hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra khi đã phát triển lên quy mô vừa và lớn thì doanh nghiệp đã tích luỹ được nguồn lực đủ mạnh như Tài chính và Nhân sự để tạo ra cho mình “sức đề kháng” tốt hơn với môi trường kinh doanh nhiều biến động, so với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”.
Nói về hành lang pháp lý đã thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển hay chưa, đó có phải là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa.
Chuyên gia Eric Vũ cho rằng: “Sau khi Bộ Công thương gỡ bỏ 675 giấy phép con, chiếm hơn 55% điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp Việt đã có được môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn để phát triển.
Tuy nhiên, vẫn cần phải có những chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động và phát triển”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: “Tỷ lệ cứ 4 doanh nghiệp thành lập thì 3 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, phá sản là không có gì đặc biệt.
Tỷ lệ này thông thường vẫn gặp ở bên Mỹ cũng như nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới cũng vậy.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa thất bại có thể khi thành lập doanh nghiệp họ chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc, tính khả thi đầu ra, thị trường ra sao, nhu cầu về tài chính, vấn đề điều hành…
Doanh nghiệp mới thành lập mà không được tư vấn các vấn đề mà doanh nghiệp mới thành lập phải đối mặt cũng như nghiên cứu thị một cách kỹ lưỡng thì khi đi vào hoạt động sẽ gặp khó khăn.
Khi không thể tiếp tục duy trì hoạt động doanh nghiệp nữa dẫn đến họ phải tuyên bố phá sản, đóng cửa, giải thể”.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, cần có một tổ chức đứng ra tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp mới thành lập sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp phá sản. Ảnh: Giaoduc.net.vn |
Ông Bùi Kiến Thành cũng cho hay: “Không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam mới thành lập gặp phải những khó khăn trên dẫn đến đóng cửa mà nhiều doanh nghiệp mới thành lập trên thế giới cũng vấp phải.
Tuy nhiên, như bên Mỹ họ có một tổ chức được thành lập để hỗ trợ cho những doanh nghiệp nhỏ do chính phủ liên bang lập ra.
Nhiệm vụ của họ là tham mưu, góp ý cho những doanh nghiệp trước khi thành lập để làm sao thấy được những vấn đề của doanh nghiệp mới thành lập, cũng như đường hướng phát triển ra sao.
Trước khi thành lập tổ chức này sẽ tư vấn giúp doanh nghiệp làm sao để có hướng phát triển tốt nhất. Như vậy, với việc hỗ trợ này sẽ giảm thiểu được tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới phải đóng cửa”.
Cũng theo ông Bùi Kiến Thành, hiện Việt Nam chưa có tổ chức nào được thành lập để hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập. Bên cạnh đó, cũng chưa có tổ chức, cơ quan nào nêu ý thưởng thành lập tổ chức này.
Cần thiết thành lập tổ chức này để giúp đỡ, tư vấn cho các doanh nghiệp mới thành lập tại Việt Nam, như thế sẽ giúp doanh nghiệp mới thành lập phát triển hơn.