Sáng 26/10, bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) về những kỳ vọng và thách thức đang chờ đợi tân Tổng thanh tra Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (ảnh Trinh Phúc). |
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao ông Lê Minh Khái và cho rằng: “ông Lê Minh Khái từng là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, đi làm Bí thư tỉnh Bạc Liêu, rõ ràng các đại biểu đánh giá rất là cao.
Tân Tổng Thanh tra Chính phủ mới là cán bộ được đào tạo rất bài bản, công tác từ trung ương đến địa phương, được rèn luyện thử thách nhiều, lại có phẩm chất, có năng lực, có học hành và quan trọng là ông Khái qua kiểm định thực tiễn đã chứng minh được khả năng.
Là đại biểu Quốc hội qua theo dõi vị này, tôi hoàn toàn cho rằng hai đồng chí có năng lực, để giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ.
Kỳ vọng, ông Khái sẽ phát huy bản lĩnh chính trị, năng lực để công hiến cho sự phát triển của đất nước”.
Nói về thách thức chờ đợi tân Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng: “Thanh tra Chính phủ là lĩnh vực rất phức tạp, đồng chí Tổng Thanh tra đương thời xin thôi cũng vì áp lực công việc.
Tôi nghĩ rằng, thanh tra bao giờ cũng áp lực nên kỳ vọng vào đồng chí Tổng Thanh tra Chính phủ mới với bản lĩnh đã từng làm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, sâu sắc về vấn đề tài chính sẽ tiếp tục giữ vững được bản lĩnh để công tác thanh tra, kiểm tra phát huy được yêu cầu.
Đặc biệt, Tổng Thanh tra Chính phủ mới sẽ tập trung cho công cuộc phòng chống tham nhũng, lấy lại niềm tin của nhân dân, lấy lại sự cống hiến cho đất nước làm sao được công bằng.
Đừng để tình trạng như vừa qua, nhiều vụ việc chúng ta xử lý chưa được đến nơi đến chốn.
Tôi kỳ vọng đồng chí tân Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ quyết tâm chính trị rất cao, để làm sao công cuộc phòng chống tham những đạt được nhiều đột phá mới”.
Ai sẽ là Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Tổng Thanh tra Chính phủ? |
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng:
“Công việc Thanh tra Chính phủ trong nhiệm kỳ này nặng nề vì rất nhiều vụ việc phát sinh liên quan đến Chính phủ và các Bộ ngành cũng như ở chính quyền địa phương.
Qua thông tin cho thấy khối lượng công việc nặng nề, nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng cần phải làm cho chặt chẽ, đến nơi đến chốn.
Thứ nữa, công tác thanh tra đòi hỏi không được nhũng nhiễu, không được qua loa và thậm chí không được có hành vi tiêu cực tạo ra sự phiền hà cho các doanh nghiệp cũng như cho các đơn vị được thanh tra”.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa: “Quốc hội bỏ phiếu là để chờ đợi Tổng Thanh tra Chính phủ mới sẽ làm việc có hiệu quả hơn, làm việc tốt hơn.
Hy vọng đồng chí Lê Minh Khái thể hiện được sự trẻ trung và nhiệt huyết.
Mong muốn, thời gian tới Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ có sự hợp tác tốt hơn với quần chúng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao”.
Chia sẻ với báo chí xung quanh những thách thức và kỳ vọng vào tân Tổng Thanh tra Chính phủ, trao đổi với báo chí đại biểu Lê Thanh Vân nhận định: “Mong muốn của nhân dân, của Quốc hội là vị Tổng Thanh tra Chính phủ mới phải là người có trí minh, tâm sáng.
Có câu “phụng công thủ pháp” tức vừa có tâm và có trí. Trí là có năng lực, nhận biết đúng sai. Mà muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối chủ trương, pháp luật.
Cái tâm là phải vì nước vì dân, gạt bỏ những lợi ích, phải công tâm”.
Miễn nhiệm ông Phan Văn Sáu không phải vì cán bộ này có sai lầm hoặc bị kỷ luật |
Theo đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Đối với công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Bí thư là người trực tiếp là trưởng ban thì đòi hỏi cao hơn.
Nếu như Tổng thanh tra Chính phủ mới không xử nghiêm được các vụ việc mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, vị trí đòi hỏi và kỳ vọng của nhân dân”.
Đại biểu Lê Thanh Vân cũng chỉ ra thách thức nữa chờ đợi tân Tổng Thanh tra Chính phủ đó là vấn đề kiểm soát nội bộ ngành thanh tra.
“Vai trò của Thanh tra Chính phủ là vai trò kiểm soát nhánh hành pháp. Trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, dễ dẫn đến lạm quyền, trục lợi.
Việc kiểm soát tốt được nội bộ bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng. Điều này đòi hỏi người đứng đầu cơ quan thanh tra phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống.
Ngoài ra, phải có thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể, tập trung lực lượng, phúc đáp ngay vấn đề dư luận đặt ra. Phải chấn chỉnh được kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra.
Nếu người làm công tác thanh tra lại lạm dụng quyền hạn pháp luật trao cho, bẻ cong pháp luật thì người đứng đầu cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm” – đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân: “Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã hoàn thành rất xuất sắc nhiệm vụ nên đòi hỏi Thanh tra Chính phủ cũng phải cộng hưởng, phối hợp tốt hơn trong việc giải quyết các vụ án lớn mà Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo các cơ quan của Đảng đã làm.
Về mặt Nhà nước ngành Thanh tra phải đi theo kịp nhịp đập của Đảng, xã hội. Mặt khác, thông qua hoạt động thanh tra củng cố thêm sức mạnh của Chính phủ.
Tức là cơ thể của cơ quan hành chính, hệ thống hành chính có khỏe được hay không chính là thăm bệnh, hỏi bệnh, bốc thuốc của Thanh tra Chính phủ”.
Chậm công khai kết quả thanh tra "biệt phủ Yên Bái" là để làm cho chắc |
Đánh giá về hoạt động thanh tra thời gian qua, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua bắt đầu có khởi động nhưng so với cơ quan Kiểm tra của Trung ương Đảng thì đang còn rất chậm.
Ở đây, thể hiện qua nhiều vụ việc mà Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, điển hình nhất là vụ thanh tra biệt phủ Yên Bái.
Dư luận người ta đòi hỏi là phải nhanh, chính xác, kịp thời và chính người đứng đầu đoàn thanh tra đã tuyên bố với thời hạn như vậy sẽ công bố ngay nhưng để công bố chậm như vậy thì nó có thể đặt ra nhiều dấu hỏi, nghi vấn”.