Không phải là người con của đồng bào dân tộc Thái nhưng thầy giáo trẻ Lê Thanh Tùng luôn say mê tìm hiểu, sưu tầm các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò – Nghĩa Lộ, để truyền bá cũng như gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp riêng có của vùng đất tổ người Thái đen.
Thầy giáo Lê Thanh Tùng tâm sự: Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh về thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) dạy môn thể chất tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng.
Tuy bố mẹ anh đều không phải là người dân tộc Thái, nhưng thầy Tùng được sinh sống trên mảnh đất tổ của người Thái đen Mường Lò – Nghĩa Lộ, được thụ hưởng, giao thoa nền văn hóa đặc trưng của bản làng, của đồng bào Thái Nghĩa Lộ.
Tiếng nói, chữ viết và những phong tục tập quán hay những lễ hội đặc sắc của dân tộc đã thấm đượm trong tâm thức của bản thân thầy.
Năm 2010, thầy Tùng được giới thiệu và tham gia vào hội bảo tồn tri thức dân tộc Thái tỉnh Yên Bái trực thuộc mạng lưới bảo tồn tri thức Thái Việt Nam.
Từ khi tham gia, thầy giáo Tùng tích cực tìm hiểu, sưu tầm các bài hát, các câu đố đồng giao, các luật tục Thái.
Thầy giáo Lê Thanh Tùng cùng với nghệ nhân Lò Văn Biến dạy chữ cho học sinh. (Ảnh: Nguyễn Nhật Thanh) |
Thầy tham gia các lớp tập huấn để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Thái như: lớp tập huấn thanh niên với tri thức bản địa, các lớp đào tạo nâng cao tri thức Thái.
Thầy Tùng mong muốn góp phần lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ nói riêng và dân tộc Thái cả nước nói chung.
Với niềm đam mê tìm hiểu về văn hóa bản địa, thầy Tùng đã cùng với mấy người bạn cùng sở thích, xuống nhà nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà – phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ để xin học chữ Thái cổ.
Vì cả vùng Mường Lò (Yên Bái) hiện chỉ nghệ nhân Lò Văn Biến là sưu tầm và biết chữ Thái cổ.
Thầy Tùng cho biết việc học chữ Thái không khó, chỉ ba tháng là có thể đọc, ghép vần, hiểu nghĩa, một năm có thể đọc thông viết thạo, dịch được sách, nhưng cần phải có sự say mê tâm huyết.
Nhờ được nghệ nhân hướng dẫn một tuần 3 buổi, qua hơn một tháng theo học, thầy Tùng đã biết cách ghép âm, nhớ các mặt chữ khi ghép và dần đọc được các bài văn cổ.
Khi đã biết đọc, thầy giáo Tùng tiếp tục mượn những cuốn sách Thái cổ của nghệ nhân Lò Văn Biến để đọc và tìm hiểu.
Càng đọc, càng hiểu, thầy Tùng càng say mê hơn với những “giá trị phi vật thể” của một đời sống tinh thần và một nền văn hóa vô cũng phong phú, đặc sắc.
Ở đó có những làn điệu dân ca, những bài hát giao duyên, những câu tục ngữ, câu nói cổ… rất sâu sắc và thấm đậm cái tình, cái nghĩa của người Thái Tây Bắc.
Bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo |
Mỗi khi ai đó muốn biết về chữ Thái cổ, thầy giáo Tùng đều say sưa phân tích một cách hệ thống và dễ nghe, dễ hiểu nhất, rằng:
“Sách Thái cổ tạm chia làm ba loại, gồm: Sách truyện thơ, trường ca dân gian Thái; sách dạy đạo đức, nhân cách làm người; sách về phong tục tập quán, xem ngày lành tháng tốt.
Trong đó, sách về thơ, trường ca dân gian ca ngợi cuộc sống, tình yêu phong phú hơn cả.
Trong số này, tác phẩm "Xống chụ xon xao" (Tiễn dặn người yêu) đã làm thổn thức bao thế hệ đồng bào dân tộc Thái và bạn đọc.
Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, phong tục, luật tục, lịch sử hoặc trong các gia phả tộc phả.
Trong đó có nhiều chuyện cổ nổi tiếng như "Xống chụ xôn xao", "Quam tô mương"... có giá trị nghiên cứu về văn học, địa phương học, dân tộc học và lịch sử phát triển xã hội từ xưa của cộng đồng dân cư Thái”.
Từ sự yêu thích, say mê chữ Thái cổ, thầy giáo Tùng còn tích cực khuyến khích các em học sinh trong trường cũng như những người yêu thích văn hóa Thái trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ tham gia các lớp học chữ Thái cổ miễn phí do thầy tự mở.
Lớp học của thầy thu hút được khá nhiều người tham gia.
Qua lớp học, nhiều người đã biết đọc, biết viết chữ Thái cổ của dân tộc mình và được nghe thầy kể về những câu chuyện, sự tích và những phong tục tập quán đặc sắc cần được lưu giữ và bảo tồn của dân tộc Thái.
Cùng với niềm đam mê văn hóa Thái của mình, thầy giáo Lê Thanh Tùng đã tham mưu cho phòng giáo dục đào tạo thị xã chỉ đạo các nhà trường đưa chương trình học múa xòe vào học ngoại khóa.
Từ tập thử cho vài lớp, thấy các em học sinh hứng thú và muốn tham gia tập luyện múa xòe.
Đến nay, lượng học sinh mỗi năm tham gia đều đạt trên 600 em học sinh.
Môn học ngoại khóa này đã giúp các em học sinh được cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Mường Lò – Nghĩa Lộ đến thế hệ trẻ trên địa bàn.
Học múa xòe còn là hoạt động giúp thả lỏng cơ thể cho các em học sinh sau những tiết ngồi học lâu và phù hợp với nhiệm vụ của năm học là triển khai tập luyện múa hát sân trường.
Từ một môn học ngoại khóa đến nay phòng giáo dục thị xã đã tổ chức hội thi xòe Thái hàng năm cho các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.
Bên cạnh đó, bản thân Thầy giáo Tùng còn tự tìm tòi, học hỏi cách chơi và cách làm các loại nhạc cụ dân tộc Thái từ các nghệ nhân hay những người già làng trong các bản làng trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.
Đến nay, anh có thể sử dụng thành thạo Pí Tam Tặn, Pí Pặp và nhiều loại nhạc cụ khác…
Năm 2013, thầy Tùng cùng nghệ nhân Lò Văn Biến và các nghệ nhân khác ở Mường Lò tham gia màn nhạc cụ để tạo nên màn biểu diễn 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái Nghĩa Lộ xác lập kỉ lục Guiness Việt Nam.
Năm 2014, thầy cũng tham gia cùng với nghệ nhân Lò Văn Biến sưu tầm và biên soạn cuốn ca dao, tục ngữ, đồng giao và câu đố Thái tỉnh Yên Bái trong khuôn khổ bảo tồn văn hóa các tỉnh Tây Bắc có người Thái sinh sống
Và tham gia đề án phục dựng hội Hạn Khuống, hoàn thành hồ sơ xét công nhận hội Hạn Khuống là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với niềm đam mê trong tìm hiểu văn hóa Thái, thầy giáo Lê Thanh Tùng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa Thái đặc sắc của vùng đất Mường Lò – Nghĩa Lộ.
Góp phần cùng với chính quyền địa phương và người dân bản địa, làm sống lại những giá trị văn hóa dân tộc Thái lưu giữ cho thế hệ sau.