Ngay sau khi xảy ra sự cố gần 400 học sinh tiểu học sau khi uống sữa Milo miễn phí, phải đến bệnh viện thăm khám, ngày 27/10, Nestle đã lên tiếng xác nhận đây là sản phẩm của công ty này.
Đại diện truyền thông của nhãn hàng này cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam biết, khi biết được thông tin này, Nestle đã cử đại diện vào tận nơi xảy ra vụ việc, tích cực phối hợp, làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết vụ việc
Nestle cho biết, nguyên nhân vì sao các em học sinh có dấu hiệu đau bụng, nôn ói sau khi uống sữa Milo thì cần phải chờ kết quả xác minh cuối cùng từ phía các cơ quan chức năng của Hậu Giang.
Học sinh được đưa đi cấp cứu sau khi uống sữa, có nhiều dấu hiệu của ngộ độc (ảnh cắt từ clip) |
Còn ông Lê Văn Khởi – Chi Cục trưởng Chi Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang tối cùng ngày đã thông tin, tính đến 19h30 ngày 27/10, chỉ còn duy nhất 1 em học sinh phải nằm điều trị lại ở Bệnh viện đa khoa thị xã Ngã Bảy.
Uống sữa có tên Milo miễn phí, gần 400 học sinh vào viện |
Theo ông Lê Văn Khởi, do cơ địa của em học sinh này còn yếu, nên cần phải nằm điều trị thêm, nhưng nhìn chung cũng không có gì nguy hiểm cả.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang – ông Lữ Văn Hùng khi biết thông tin này, ông đã chỉ đạo ngưng ngay chương trình uống sữa miễn phí này.
Trước đó, sau khi uống sữa Milo miễn phí trong chương trình sữa học đường, rất đông học sinh có các dấu hiệu của ngộ độc như đau bụng, nôn ói.
Đã có tổng cộng gần 400 học sinh phải vào bệnh viện thăm khám sức khỏe, trong đó chỉ có 39 học sinh phải nằm lại Bệnh viện đa khoa thị xã Ngã Bảy để điều trị.
Những học sinh còn lại, sau khi được phụ huynh tự đưa đến khám, kiểm tra sức khỏe không có gì nguy hiểm, nên đã được các bác sĩ cho về nhà.
Đây không phải là chương trình do Nestle trực tiếp đứng ra tổ chức, mà là do một Công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện của địa phương nhận ủy quyền thực hiện.
Theo ông Lê Văn Khởi, sữa các em được uống là sữa được pha chế trong bình, để lạnh, chứ không phải sữa hộp giấy.
Khi quyết định thực hiện chương trình, các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang cũng có kiểm tra về hồ sơ, điều kiện pháp lý của đơn vị thực hiện, và tất cả đều đầy đủ.
Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền có tổ chức kiểm tra nơi pha chế sữa của đơn vị thực hiện, thì phát hiện thêm ngoài Nestle còn có một nhãn hàng sữa khác được pha chế chung, không đảm bảo đúng cam kết ban đầu với cơ quan quản lý khi xin phép tổ chức chương trình.