Từ ngày 16 – 27/10/2017, tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) phối hợp cùng FrieslandCampina đã tổ chức các buổi giao lưu, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa giữa nông dân Hà Lan và các nông dân Việt Nam.
Chương trình tập huấn diễn ra tại các khu vực có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển như Củ Chi, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Vĩnh Phúc, Hà Nam… Các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn là những nông dân xuất sắc tại Hà Lan được lựa chọn một cách khắt khe bởi tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan.
Các nông dân Việt Nam hào hứng tham gia tập huấn tại trại bò tiêu biểu ở khu vực Bình Dương. |
Cũng tương tự như những lần tập huấn từ những năm trước; cụ thể là, trước các buổi tập huấn, các nông dân Hà Lan thông qua FrieslandCampina Việt Nam tiếp cận các nông trại tiêu biểu vào thời điểm vắt sữa trong ngày để khảo sát thực tế chăn nuôi và kỹ thuật của nông dân Việt Nam, đồng thời tiến hành lấy mẫu thử sữa để kiểm tra số lượng tổng tạp trùng và tế bào thân tại các trại chăn nuôi bò sữa.
Các nông dân Hà Lan hướng dẫn về dinh dưỡng tại chuồng trại. |
Từ khảo sát thực tế, các nông dân Hà Lan sẽ phối hợp cùng các chuyên gia tại FrieslandCampina Việt Nam đưa ra một chương trình huấn luyện cụ thể và bám sát với thực tế thực hành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình tập huấn 2017 là tập trung vào cải tiến kỹ thuật vắt sữa nhằm cải thiện tỉ lệ tổng tạp trùng và tế bào thân trong sữa bò tại các hộ nông dân cung cấp sữa cho FrieslandCampina Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua phương pháp tiếp cận trực tiếp, các nông dân Hà Lan còn tập huấn, và tư vấn cho nông dân Việt Nam về thực hành chăn nuôi bò sữa tốt, truyền đạt những kinh nghiệm quí giá từ ngành chăn nuôi bò sữa thế giới để nông dân Việt Nam có thể thành công hơn nữa với nghề chăn nuôi bò sữa.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ chăn nuôi giữa các nông dân được cho là có sự lan tỏa tốt hơn. |
Từ đó, các nông dân thành công sẽ là mô hình hạt nhân, truyền đạt kinh nghiệm, tập huấn cho các nông hộ khác, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam.
Ông Wim Van Ittersum – một trong những nông dân Hà Lan sang tập huấn tại Việt Nam lần này cho biết: “Năm 2014 tôi cũng tham gia tập huấn và giao lưu cùng các nông dân tại Việt Nam.
Sau 3 năm quay trở lại, tôi thực sự ấn tượng vì sự cải tiến trong kỹ thuật chăn nuôi, sản lượng cũng như chất lượng sữa từ các nông trại mà FrieslandCampina Việt Nam thu mua.
Tôi nghĩ đây là một nỗ lực lớn từ các chủ nông trại, cũng như sự đầu tư không ngừng của FrieslandCampina Việt Nam trong việc hỗ trợ người nông dân tiếp cận với những kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến nhằm cho ra sản lượng và chất lượng sữa cao nhất”.
Chương trình huấn luyện nằm trong khuôn khổ hợp tác phát triển giữa tập đoàn FrieslandCampina và Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan được ký kết vào tháng 8/2012 nhằm mục đích phát triển tích cực ngành chăn nuôi bò sữa bền vững ở những nước nơi có nhà máy sản xuất của FrieslandCampina, giúp nâng cao đời sống của nông dân và đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.
Theo đó, Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan sẽ phối hợp cùng các chuyên gia của FrieslandCampina để hỗ trợ kỹ thuật, khai thác và phát triển tối đa tiềm năng của các nông hộ, các trang trại thông qua các chương trình tập huấn kỹ thuật, tư vấn khuyến nông, trách nhiệm chăm sóc vật nuôi, ứng dụng những kinh nghiệm chăn nuôi thành công nhằm nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, năng suất và bảo đảm chất lượng nguồn sữa tươi nguyên liệu tại các nước đang phát triển sánh ngang với tiêu chuẩn hàng đầu Châu Âu.
Thông tin về Agriterra: Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) được thành lập vào năm 1997 từ các tổ chức: LTO Noord, ZLTO và LLTB (hợp nhất của LTO Nederland, Liên đoàn Nông nghiệp và Trồng trọt Hà Lan, Quỹ Hợp tác các Tổ chức Phụ nữ Hà Lan (SSVO), Hội đồng Hợp tác Quốc gia về Nông nghiệp và Trồng trọt (NCR), Tổ chức Thanh niên Nông nghiệp Hà Lan (NAJK). Các tổ chức này tạo nên Hội đồng quản trị và Hội đồng tư vấn của Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan. Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Hà Lan hiện làm việc cùng với khoảng 80 tổ chức tổ chức nông dân ở châu Mỹ La-tinh, châu Phi, châu Á, Trung và Đông Âu, cũng như với gần 30 tổ chức tại Hà Lan. |