Ngày 7/11, Bộ Công an tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Cuộc họp báo có Trung tướng Lương Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Theo thông tin từ Trung tướng Lương Văn Vệ, từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 rộ lên thông tin bỏ hộ khẩu.
Hiện công tác quản lý dân cư tại Việt Nam do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện, để đảm bảo quyền, nghĩa vụ công dân và quản lý nhà nước.
Mỗi công dân đang có nhiều giấy tờ với nhiều mẫu khác nhau: giấy khai sinh, học bạ, sổ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… nhưng dùng theo kiểu thủ công.
Đồng thời khi tiến hành thủ tục hành chính, công dân phải xuất trình nhiều giấy tờ gây phiền hà.
Do đó, theo Trung tướng Vệ, thực chất của việc bỏ sổ hộ khẩu chỉ là chuyển đổi cách làm thủ công sang công nghệ. Sau này bỏ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân.
Hiện việc cấp căn cước công dân mới được thực hiện thí điểm ở một số tỉnh thành.
Theo thông tin từ Bộ Công an cho thấy, thực chất của vấn đề là bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển thông tin dữ liệu công dân sang số hóa để đơn giản thủ tục giấy tờ cho công dân, tránh gây phiền nhiễu.
Tới ngày 1/1/2020, việc cấp căn cước công dân sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Việc người dân không muốn sử dụng căn cước công dân vẫn có thể dùng chứng minh nhân dân đã cấp.
Theo thông tin từ Bộ Công an "Bỏ sổ hộ khẩu" chỉ là đổi mới quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin (Ảnh: Lại Cường) |
Về sổ hộ khẩu, 3 năm nữa, khi xây dựng xong dữ liệu công dân thì khi các bộ ngành có giao dịch gì thì chỉ việc lấy thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân.
Người dân không phải dùng sổ thủ công, giấy tờ gây phiền nhiễu nhiêu khê thi làm thủ tục hành chính.
Trong buổi họp báo, Tướng trần Văn Vệ khẳng định: “Chắc chắn tới năm 2020 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, khi đó Bộ Công an đề xuất chuyển từ quản lý hộ khẩu bằng giấy tờ sang công nghệ. Tôi nhấn mạnh lại lần nữa, không có quốc gia nào bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu cả.
Cuối buổi họp báo, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời làm thay đổi hình thức quản lý dân cư từ thủ công sang điện tử.
Việc đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và cấp chứng minh nhân dân sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Toàn văn Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân |
Trao đổi với báo chí, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 bộ Công an) cho biết: “Trước hết, hiện nay công tác đăng ký quản lý cư trú đang được xác định là 1 trong những biện pháp quản lý Nhà nước hết sức quan trọng.
Việc đó vừa đảm phục vụ Nhà nước phát triển chính sách quản lý kinh tế, xã hội, đồng thời đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, phục vụ công tác phòng chống tội phạm…
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý cư trú đang được thực hiện bằng phương pháp thủ công, quản lý trên sổ sách giấy tờ là chính.
Hiện nay về tính pháp lý của sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi cư trú của công dân.
Với sự quản lý thủ công của các ngành, các cấp, chưa có sự kết nối với nhau. Các ngành cũng đang chủ yếu dựa vài chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu để giao dịch giữa cơ quan Nhà nước và nhân dân.
Việc số hóa dữ liệu sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: Baonamdinh) |
Do vậy, trong giai đoạn quản lý thủ công hiện nay, sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân rất có tác dụng và vẫn giữ nguyên vai trò của nó đúng như quy định theo Luật cư trú và Luật căn cước công dân.
Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ áp dụng sau khi đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến, đến năm 2020, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đưa vào sử dụng”.
Theo thông tin từ Thượng tá Trần Hồng Phú, hiện Bộ Công an đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Dự kiến vào ngày 14/11, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai toàn quốc.
Các địa phương sẽ tổ chức sau khi được Bộ công an tiến hành tập huấn nghiệp vụ thu thập thông tin.
Các phương án triển khai và tổ chức khảo sát dựa trên đặc điểm vùng miền để đánh giá toàn bộ cơ sở hạ tầng, chất lượng dữ liệu thông tin cũng như trình độ cán bộ, trình độ dân trí… trên cơ sở đó sẽ đưa ra phương án tổ chức phù hợp.
Nhiều băn khoăn của người dân cho rằng việc kết hợp nhiều dữ liệu khác nhau như ngân hàng, bảo hiểm... thì liệu có đảm bảo được quyền riêng tư?
Thượng tá Phú khẳng cho biết, Bộ Công an sẽ căn cứ chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, tổ chức để thống nhất quy định mỗi nơi chỉ được khai thác bao nhiêu trường thông tin để phục vụ cho chức năng nhiệm vụ đó, chứ không phải anh muốn khai thác thông tin nào cũng được.