Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV cho biết, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu năm thứ 3 liên tiếp.
Theo đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy việc Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán là đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành.
Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp ngân sách trung ương có khả năng hụt thu (năm 2015, ngân sách trung ương hụt thu 2.144 tỷ đồng, năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng).
Đáng nói trong đó có tình trạng đơn vị trúng đấu giá chây ì, không nộp tiền vào ngân sách. Việc cố tình không hoàn thành nghĩa vụ tài chính làm lãng phí tài nguyên, lãng phí chi phí, công sức của tổ chức thực hiện quy trình đấu giá.
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá lô đất ĐM1 tại phường Đại Mỗ đến nay đã hơn 300 nhưng mới nộp được 98 tỷ đồng còn thiếu 762 tỷ đồng. Ảnh: V.C |
Trước sự chây ì của FLC, dư luận đặt ra câu hỏi: Phải chăng đơn vị trúng đấu giá “nhờn luật” có phần không làm tròn trách nhiệm của các cơ quan chức năng và sự ưu ái của chính quyền địa phương?
Trong khi đó, theo các văn bản pháp luật quy định chỉ sau 20 ngày kể từ khi có quyết định công nhận kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Không thể để FLC "ngồi" trên luật pháp |
Điển hình là trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC trúng đấu giá quyền sử dụng lô đất ĐM1 có diện tích 6,4ha tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm từ cuối tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng, FLC mới nộp được 98 tỷ đồng, còn nợ 762 tỷ đồng.
Điều này khiến kế hoạch tài chính của quận Nam Từ Liêm và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội bị ảnh hưởng.
Có điều lạ là dù FLC chây ì không nộp đủ số tiền trúng đấu giá lô đất ĐM1 vào ngân sách, nhưng chưa hề bị xử lý trách nhiệm.
Trước đó, ông Ngô Ngọc Vân – Giám đốc Ban quản lý dự án Nam Từ Liêm xác nhận với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là đã báo cáo lên Thành phố Hà Nội về việc này.
Lãnh đạo thành phố đã giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì xem xét việc hủy kết quả đấu giá của FLC đối với lô đất nói trên.
Tuy nhiên, mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Minh Mười – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội vẫn tiếp tục cho biết “chưa thống nhất được phương án đối với FLC”.
Ông Nguyễn Minh Mười nói: “Các ban ngành vẫn chưa thống nhất được phương án đối với FLC.
Vì chưa thống nhất được phương án nên chúng tôi chưa thể báo cáo lên Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Khi nào các ban ngành thống nhất chúng tôi sẽ báo cáo thành phố”.
Trên thực tế, đã quá thời gian nộp đủ số tiền trúng thầu, nhưng FLC vẫn chây ì, theo pháp luật hiện hành cũng như văn bản quy định của Thành phố Hà Nội sau 20 ngày người trúng thầu không nộp đủ sẽ bị hủy kết quả trúng thầu. Vì sao không xử lý?
Về việc này, ông Nguyễn Minh Mười cho rằng: “Luật là vậy, nhưng vẫn phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp”.
Vậy đến bao giờ Sở Tài nguyên và Môi trường mới có kết luận chính thức về việc có hủy kết quả đấu giá của FLC và báo cáo lên thành phố?
Ông Nguyễn Minh Mười không trả lời và nói “phải chờ các ban ngành thống nhất”. Còn chờ đến bao giờ ông Mười cũng không rõ.
FLC chậm nộp 762 tỷ đồng, sao chưa bị hủy kết quả đấu giá? |
Sau khi thông tin về việc FLC chây ì không chịu nộp hàng trăm tỷ đồng, không ít bạn đọc gửi ý kiến tới tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự bức xúc , cho rằng FLC đang “ngồi” trên luật pháp.
Vì sao các quan chức năng, cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường lại lúng túng giải quyết vấn đề tưởng chừng rõ như ban ngày như vậy?
Liệu Sở Tài nguyên và Môi trường có cố tình không thực hiện theo luật, nhằm kéo dài thời gian để có lợi cho FLC?
Cần phải nhắc lại rằng ngân sách nhà nước bị hụt thu vì những doanh nghiệp chây ì như FLC.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực đấu giá cũng như luật kinh tế khi đề cập tới sự việc này đều cho rằng, đã thượng tôn pháp luật thì không thể có trường hợp ngoại lệ.
Tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, nhưng không có nghĩa dung túng, ưu ái cho doanh nghiệp “lách luật”, đứng ngoài pháp luật.
Việc FLC trúng đấu giá, nhưng nộp thiếu ngân sách 762 tỷ đồng đã nhiều ngày qua mà không bị hủy kết quả trúng đấu giá khiến không ít người đặt câu hỏi nghi vấn có tiêu cực.
Rõ ràng trong trường hợp này ngân sách bị hụt thu gần ngàn tỷ đồng, tức lợi ích của nhà nước bị thiệt, còn lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp lại được hưởng lợi.
Vấn đề đặt ra là bao giờ Sở Tài nguyên và Môi trường có kết luận chính thức về việc FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ?
Có lẽ, đã đến lúc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần phải có chỉ đạo xử lý triệt để sự chây ì của FLC.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!