Yêu thích, đam mê ngành Y từ nhỏ
Trong Lễ tuyên dương 84 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội 2017, em Nguyễn Thị Thương, thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Y có thành tích xuất sắc với số điểm 8.55/10.
Nữ sinh viên Nguyễn Thị Thương sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ Thương đã rất yêu thích ngành Y.
“Lúc đầu khi chưa hiểu biết về ngành Y thì mình rất bỡ ngỡ, nhưng càng học, càng tìm hiểu thì mình lại yêu thích nó hơn.
Cho đến bây giờ thì khi đi sâu vào lĩnh vực Y học đối với mình không còn là sự yêu thích nữa, bởi mỗi ngày được tiếp xúc với bệnh nhân, được học tập, nghiên cứu thì mình lại càng đam mê, và nó như ngấm vào máu”, Thương chia sẻ.
Nguyễn Thị Thương (bên phải ảnh) sinh ra và lớn lên ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ Thương đã rất yêu thích ngành Y. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từ những đam mê, ham học hỏi, Thương đã có những thành tích tốt, các kỳ học Thương đều được nhận học bổng khuyến khích học tập, 4 năm liền được nhận học bổng Mitshubishi.
Vinh danh 84 thủ khoa Sài Gòn 2017 |
Bên cạnh đó, Thương còn hăng hái tham gia các hoạt động Đoàn, Đội và vinh dự nhận được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường năm 2013; Đạt giải Nhì cuộc thi “Đường tôi đi” năm 2013 do Câu lạc bộ Y học cổ truyền - Đoàn trường Đại học Y Hà Nội tổ chức; Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.
Năm 2016, Thương quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương”.
Đây là đề tài tốt nghiệp được Thương quyết định chọn vì “vừa sức, không quá lớn lao, vất vả”. Với tình yêu đặc biệt chuyên khoa Thần kinh, Thương đã chọn một bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng để làm đề tài tốt nghiệp.
Với phương pháp xử lý số liệu và phân tích ấn tượng, Thương đã trở thành thủ khoa năm học 2015 - 2016 và Thủ khoa toàn khóa học của trường Đại học Y Hà Nội.
Học bằng phương pháp “thử yêu” và “ám thị”
Nguyễn Thị Thương_ cô gái xứ Nghệ tuy nhỏ nhắn nhưng đầy sinh lực, bí quyết học tập rất độc đáo và để lại nhiều ấn tượng. Ngoài tính kỷ luật, nghiêm khắc trong học tập, Thương thường đề ra kế hoạch, mục tiêu, sắp xếp thời gian một cách hợp lý.
“Mình thường lên kế hoạch, mục tiêu cho mỗi tuần, mỗi ngày, từ lớn đến nhỏ, từ tổng quát đến chi tiết, cụ thể.
Ví dụ, trong tuần này sẽ hoàn thành những bài nào, môn nào. Sau đó, mỗi ngày sẽ lên kế hoạch cụ thể hơn, mình sẽ làm gì, học gì. Cuối cùng, mỗi tối khi ngồi vào bàn học, mình sẽ ước lượng khung giờ cụ thể cho từng việc, như 7 – 9h đọc bài A, 9 – 11h nghe bài B,…”, Thương chia sẻ.
Em Nguyễn Thị Thương trong buổi lễ tốt nghiệp và trao bằng bác sỹ y khoa, cử nhân y khoa năm 2017. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Mặc dù sắp xếp thời gian học tập, sinh hoạt một cách cẩn thận nhưng Thương không thể tránh khỏi những cản trở nằm ngoài ý muốn.
“Khi hoàn thành đúng kế hoạch mình thấy rất tuyệt vời, nó cung cấp thêm cho mình nhiều năng lượng để mình lại lên kế hoạch, và hoàn thành kế hoạch tiếp.
Cũng có lúc mình bị vỡ kế hoạch vì nhiều lí do. Một trong những lí do là không lượng được sức mình, lên quá nhiều mục tiêu, căn lượng thời gian chưa hợp lý”, Thương khiêm tốn chia sẻ thêm.
Em Nguyễn Thị Thương, thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Y nằm trong 84 Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội 2017. |
Điều ấn tượng ở cô gái xứ Nghệ nữa là cách học rất độc đáo bằng phương pháp “thử yêu” và “ám thị”.
“Mình thường áp dụng phương pháp “Ám thị” và “Thử yêu”. Nghĩa là, khi bắt đầu một môn học mới hay bắt đầu làm một việc gì đó, em sẽ luôn tự ám thị bản thân là mình phải giỏi môn đó, mình rất yêu nó.
Mình nghĩ khi ta yêu một cái gì đó thì mình sẽ luôn luôn muốn tìm hiểu nó, toàn tâm toàn ý với nó. Sự chán ghét là thứ mình luôn tránh xa, chẳng có lí do gì mà con người phải nuôi dưỡng mình bằng sự chán ghét.
Gửi nữ thủ khoa xuất sắc Bùi Thị Hà, em còn chờ đợi đến bao giờ? |
Dù môn học hay công việc đó không phải sở trường của bạn đi chăng nữa, nhưng bạn vẫn phải hoàn thành nó, đúng không? Vậy tại sao không hoàn thành nó một cách tốt nhất có thể?”, Thương vui vẻ nói.
Thương cho rằng mình còn kém cỏi về những môn học có liên quan đến hình ảnh, về hình học không gian, tuy nhiên nhờ phương pháp học đó mà Thương đã gặt hái được nhiều thành công hơn.
“Mình khá kém về những môn học liên quan đến hình ảnh, về hình học không gian. May nhờ có phương pháp này mà mình đã vượt qua được khá nhiều môn ở trường Y.
Về vấn đề “Thử yêu”, nhiều lúc ám thị cũng chưa hẳn đã thành công. Để yêu một cái gì đó mình không thích không phải là điều dễ dàng.
Bởi vậy, mình thường tìm những niềm vui, động lực nho nhỏ, để tăng thêm tình yêu đó.
Động lực thường bắt nguồn từ các thầy cô, hay những người bạn. Thật ra, môn học nào có thầy giáo đẹp trai hay cô giáo xinh gái em đều yêu hết.
Việc nữa là phải có tính chủ động, trước một vấn đề còn băn khoăn, mình thường tự tìm hiểu trước, sau đó nếu vẫn còn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, mình sẽ trực tiếp hỏi các anh chị tiền bối, thầy cô giáo, hoặc trực tiếp hoặc qua email", Thương tâm sự.
Hiện tại Thương đang theo học chương trình Bác sĩ nội trú của trường Đại học Y Hà Nội. Thương tâm sự, nếu có cơ hội Thương muốn học hỏi thêm nền y học cổ truyền ở các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc.
Thương mong muốn sẽ vừa là một người thầy thuốc vừa là một người thầy giáo, truyền thụ lại kiến thức và niềm đam mê cho các thế hệ sau.