Trung - Mỹ đối lập về quan điểm hợp tác thương mại

12/11/2017 07:34
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Phương thức đối lập trong hợp tác thương mại giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ sẽ khiến cho các nước khác băn khoăn trong cách tiếp cận của mình.

Ngày 10/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), một trong những sự kiện quan trọng trong tuần lễ APEC, đã bước sang ngày làm việc cuối cùng với 6 phiên họp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Tuy nhiên, cách tiếp cận trong bài phát biểu của ông Trump và ông Tập có sự khác biệt.

Ông Trump muốn hướng đến sự ủng hộ cho các thỏa thuận thương mại song phương giữa các bên, còn ông Tập lại khẳng định toàn cầu hóa là một xu thế không thể thay đổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Trong bài phát biểu của mình, ông Trump cho rằng, Hoa Kỳ không còn có thể chịu đựng được sự lạm dụng thương mại lâu dài và yêu cầu các bên cần phải thiết lập các chính sách thương mại công bằng và bình đẳng hơn.

Ông Trump nói rằng, Hoa Kỳ đã sẵn sàng để thực hiện một hợp đồng thương mại song phương với bất kỳ nước nào trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng phải dựa trên cơ sở “tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

“Khi Hoa Kỳ bắt đầu có mối quan hệ thương mại với các nước khác hoặc các dân tộc khác, chúng tôi luôn mong đợi rằng, các đối tác của chúng tôi sẽ tuân thủ nghiêm túc các quy tắc hoạt động thương mại”, ông Trump nói.

“Chúng tôi hy vọng rằng, các thị trường sẽ được mở ra một cách bình đẳng với cả hai bên và các nhà đầu tư tư nhân, chứ không phải các nhà lập kế hoạch của chính phủ sẽ trực tiếp đầu tư", ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Việt Nam sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc trong lịch trình chuyến công du châu Á 12 ngày của ông, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Một trong những mục đích quan trọng trong chuyến công du châu Á của ông Trump là nhằm làm mới lại sự cân bằng thương mại giữa các quốc gia châu Á và Hoa Kỳ để bảo vệ người lao động Mỹ, bởi đây là một trong những trọng tâm của chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump. [1]

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC - 2017 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hội nghị APEC - 2017 (Ảnh: Reuters)

Hiện tại, Trung Quốc là nước có giá trị thặng dư thương mại lớn nhất so với Hoa Kỳ, trong khi Việt Nam cũng nằm trong danh sách những nước có khoản thặng dư mà chính quyền Donald Trump muốn giảm.

Trong khi đó, bài phát biểu của ông Tập lại nhấn mạnh rằng, toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược và Trung Quốc luôn ủng hộ cho các thỏa thuận hợp tác thương mại đa phương.

Tuy nhiên, ông Tập cũng lưu ý rằng, chúng ta cần phải làm việc tích cực để giúp cho quá trình hợp tác thương mại giữa các bên được cân bằng hơn.

“Liệu chúng ta có nên chỉ đạo toàn cầu hoá kinh tế, hoặc chúng ta run sợ hay đứng vững trước các thách thức? 

Liệu chúng ta có nên cùng hợp tác trong khu vực hay chúng ta nên đi theo những cách riêng của mình?”, ông Tập đặt câu hỏi.

Đồng thời, ông Tập nhấn mạnh:

“Chúng ta nên hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và thực hiện chủ nghĩa khu vực mở, để cho phép các nước đang phát triển được hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại quốc tế và đầu tư. Bởi sự cởi mở sẽ mang lại sự tiến bộ”, ông Tập nói.

Trong năm vừa qua, ông Tập đã đặt Trung Quốc như là một người bảo vệ cho xu thế toàn cầu hóa trong các bài phát biểu của mình ở các diễn đàn quốc tế.

Điều này, mang lại sự tương phản với cách thể hiện của ông Trump, người luôn theo đuổi chương trình nghị sự “nước Mỹ trước tiên” và kéo Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hành động này của ông Trump đi ngược lại với quan điểm của người tiền nhiệm Barack Obama, khi luôn nhìn thấy TPP như là một cách để đảm bảo cho Hoa Kỳ viết các quy tắc thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chứ không phải là Trung Quốc. [2]

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Những quan điểm trái chiều về phương thức tiến hành các thỏa thuận hợp tác thương mại giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ khiến cho các nước khác băn khoăn trong cách tiếp cận của mình.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, trong bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ, dù là thể hiện quan điểm thúc đẩy hợp tác thương mại song phương hay đa phương, thì đều hướng tới sự hợp tác cùng có lợi giữa các bên.

Thế nhưng, dù thế nào thì các quan điểm trái chiều cũng sẽ tạo ra những xung đột nhất định.

Theo đó, giới phân tích cho rằng, sự bất đồng về cách tiếp cận hợp tác thương mại này có thể sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump có những hành động quyết liệt hơn, để chống lại sự mất cân bằng thương mại song phương với Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng, bởi mô hình kinh tế bảo trợ của chính phủ nước này.

Trái lại, sự hợp tác đa phương mà Trung Quốc kêu gọi có thể sẽ tạo ra nhiều rào cản thị trường hơn đối với các công ty nước ngoài tiến vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tập cũng đã trấn an ngay rằng, nước này sẽ “nới lỏng đáng kể đường tiếp cận thị trường” cho các doanh nghiệp nước ngoài, và khẳng định, mọi công ty đăng ký kinh doanh ở Trung Quốc sẽ được đối xử công bằng.

Các thành viên của APEC từ lâu đã ủng hộ cho sự tự do thương mại.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Trump trở thành người đứng đầu Nhà Trắng và tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến cho các thành viên của cả APEC và TPP không tránh khỏi những băn khoăn, dao động.

Hiện tại, 11 thành viên còn lại của TPP đang phải vật lộn để xây dựng động lực nhằm duy trì sức sống cho hiệp định này.

Hôm 9/11, các Bộ trưởng Thương mại của 11 thành viên còn lại của TPP đã nhóm họp bên lề Hội nghị APEC để thống nhất một số thỏa thuận nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác trong TPP, tuy nhiên, Canada đã thể hiện sự phản đối.

Điều này đã khiến cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo thành viên TPP [không có Hoa Kỳ] dự kiến diễn ra vào ngày 10/11 để quyết định số phận của TPP đã không thực hiện được.

Vào năm 2016, 12 quốc gia thành viên đã đạt được thỏa thuận về TPP, nhưng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ đã không còn mặn mà với TPP.

Mục tiêu của TPP là nhằm loại bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong một khối, mà thương mại đã đạt tới 356 tỷ USD trong năm ngoái.

TPP cũng có những điều khoản bảo vệ mọi thứ, từ quyền lao động đến môi trường và sở hữu trí tuệ - một trong những điểm gắn bó chính của các thành viên TPP.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Hoa Kỳ đã khiến TPP không còn hấp dẫn đối với một số quốc gia, mà Canada mới đây cũng đã thể hiện quan điểm này.

Thế nhưng, Nhật Bản hiện vẫn đang cố gắng vận động mạnh mẽ để tìm kiếm một hướng đi mới nhằm giúp cho TPP không bị chết yểu, và có thể về lâu dài sẽ hy vọng lôi kéo Hoa Kỳ trở lại với TPP. [2]

Trong khi đó, Trung Quốc lại đưa ra một tầm nhìn khác cho tương lai thương mại ở khu vực, bằng cách thúc đẩy sự hợp tác kinh tế toàn diện khu vực do Bắc Kinh hỗ trợ (RCEP), bao gồm các quốc gia ASEAN, Australia và Ấn Độ, nhưng không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

RCEP được coi như một sự thay thế cho TPP - một con đường dẫn đến Khu vực Mậu dịch Tự do rộng lớn hơn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) mà APEC mong muốn.

Và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán với các đối tác về các hiệp định thương mại tự do, để đi đến kết luận nhanh các cuộc đàm phán của RCEP. [3]

Có thể nói, tầm nhìn đối lập trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy sự cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ của hai siêu cường này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như trên thế giới.

Điều này sẽ tạo ra những xáo động nhất định về mối quan hệ giữa các thành viên của các hiệp định thương mại tự do, cũng như cách tiếp cận trong hợp tác kinh tế giữa các nước.

Các quốc gia cũng buộc phải tìm kiếm những hướng đi mới, sao cho phù hợp với sự đan xen ảnh hưởng quyền lực của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Tài liệu tham khảo:

[1] Reuters/ Trump brings tough trade message in vision for Asia.

[2] South China morning post/ TPP leaders’ meeting fails to go ahead amid disputes over trade pact’s future without US.

[3] Reuters/ Countering Trump, China's Xi touts cooperation in Asia-Pacific.

PHẠM DOÃN TÌNH