LTS: Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế. Chính vì vậy, nhu cầu đào tạo nghiên cứu về sở hữu trí tuệ đạt yêu cầu cấp bách cho các trường đại học.
15 năm tiên phong đào tạo, nghiên cứu sở hữu trí tuệ, một lĩnh vực khá mới mẻ đối với Việt Nam, Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Hôm nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bài viết của Phó giáo sư Trần Văn Hải- Chủ nhiệm bộ môn Quản lý Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Tiên phong đào tạo sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp...
Với tư cách là một trong ba trụ cột của thương mại quốc tế hiện đại, sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đang đặt ra ngày càng gay gắt và cấp bách. Mặc dù vậy, những hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn quá ít ỏi trước nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn.
Kiến thức về pháp luật và nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ của cán bộ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp còn hạn chế.
Phó giáo sư Trần Văn Hải (người ngồi bên phải)- Chủ nhiệm bộ môn Quản lý Sở hữu trí tuệ, Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: tác giả cung cấp) |
Nắm bắt được nhu cầu này, ngay từ năm 2004, Khoa Khoa học Quản lý đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo cấp chứng chỉ C “Pháp luật và nghiệp Sở hữu trí tuệ” cho các đối tượng là những người đã tốt nghiệp đại học, đang công tác tại các cơ quan, tổ chức có liên quan đến sở hữu trí tuệ như cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, văn phòng đại diện sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp…
Thời gian đào tạo chương trình kéo dài 6 tháng. Đến nay, Khoa đã đào tạo được 6 khóa với khoảng 500 học viên tốt nghiệp.
Loại hình đào tạo này đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội, nhất là đối với những người đang công tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà chưa qua đào tạo.
Các khóa học đã thu hút những người công tác tại các cơ quan như Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Tòa án, Ủy ban nhân dân các cấp, các Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác…
Trường đại học thời 4.0 dưới góc nhìn của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội |
Như vậy sở hữu trí tuệ đã trở thành một hoạt động với tính chuyên nghiệp ngày càng tăng và phạm vi ngày càng mở rộng đối với hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải có những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu với chuyên ngành sở hữu trí tuệ.
Trước nhu cầu đòi hỏi cần phải có một nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này, bắt đầu năm 2003, Khoa Khoa học Quản lý đã mở chuyên ngành đào tạo cử nhân về sở hữu trí tuệ. Mỗi năm, Khoa đào tạo từ 15 – 20 sinh viên.
Với 16 học phần có liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong các chương trình đào tạo, có thể nói đến nay Khoa là đơn vị duy nhất ở Việt Nam đào tạo cử nhân về chuyên ngành này và cũng là đơn vị có quy mô đào tạo lớn nhất trong các trường đại học ở Việt Nam.
Ngoài việc trang bị kiến thức khoa học cơ bản về sở hữu trí tuệ, sinh viên của Khoa tốt nghiệp hướng chuyên ngành Quản lý Sở hữu trí tuệ còn được trang bị những kỹ năng về:
Quản lý tài sản trí tuệ của cá nhân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, biết cách lựa chọn hình thức bảo hộ sao cho đạt hiệu quả khoa học và công nghệ, hiệu quả kinh tế cao nhất, phát hiện và đề nghị xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do cá nhân, tổ chức thực hiện khi không được sự cho phép của chủ sở hữu tài sản trí tuệ;…
Đây là các kỹ năng được xem là khó nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đặc biệt là kỹ năng viết bản mô tả sáng chế đối với các giải pháp kỹ thuật không chỉ khó đối với các doanh nghiệp mà còn là công việc rất khó khăn ngay cả đối với các nhà khoa học.
Ngoài các kiến thức và kĩ năng đó, sinh viên còn được rèn luyện kĩ năng tìm các sáng chế, giải pháp kỹ thuật dạng quy trình/phương pháp do nước ngoài cấp patent (nhưng không được bảo hộ tại Việt Nam) để chuyển giao cho các doanh nghiệp sử dụng mà không phải trả phí license.
Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng doanh nghiệp yếu kém |
Có thể khẳng định chỉ duy nhất sinh viên hướng chuyên ngành quản lý sở hữu trí tuệ đạt được kỹ năng này. Cách làm này là phù hợp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có khả năng tài chính thấp, năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D) thấp, nhưng lại được sử dụng sáng chế ở tầm công nghệ cao mà không phải trả phí license.
Đặc biệt, vào tháng 4/2017, nhóm sinh viên năm thứ hai của Khoa đã tìm được đầy đủ sáng chế phương pháp bảo quản và chế biến thủy sản do cơ quan sáng chế của một quốc gia có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh cấp patent (nhưng không được bảo hộ tại Việt Nam), nhóm sinh viên đã chuyển giao thành công sáng chế này cho một doanh nghiệp chế biến thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Hiện tại, nhóm sinh viên hướng chuyên ngành sở hữu trí tuệ đang tiến hành khai thác các sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, như quy trình canh tác rau hữu cơ, phương pháp bảo quản và chế biến rau quả… để chuyển giao theo đề nghị của một doanh nghiệp ở Hải Dương và chuyển giao cho các doanh nghiệp khác khi có yêu cầu.
Thành công đạt được
Được biết, từ ngày 10/1/2010, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã công nhận những người đã hoàn thành chương trình đào tạo Pháp luật và Nghiệp vụ sở hữu trí tuệ, chương trình đào tạo hướng Chuyên ngành Quản lý sở hữu trí tuệ tại Khoa Khoa học Quản lí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đủ điều kiện tham dự kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Khoa các sinh viên tốt nghiệp tại hướng chuyên ngành sở hữu trí tuệ của Khoa hiện nay đều đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, Cục Sở hữu trí tuệ, cơ quan nhà nước, văn phòng sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp khác.
Không chỉ đào tạo sinh viên học tập tốt mà Khoa còn hướng, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học. Khoa phối hợp với đơn vị chức năng của Cục Sở hữu Trí tuệ tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sở hữu trí tuệ, tổ chức Hội nghị Khoa học Sinh viên về sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn chủ trì và thực hiện Dự án xây dựng và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ tại Trường.
Dự án này bao gồm việc xây dựng Đề án đào tạo Thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ, Khung Chương trình và đề cương chi tiết các học phần đào tạo Thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ, với yêu cầu chương trình đào tạo phải có khoảng 70% khối kiến thức tương đương với kiến thức đào tạo Thạc sĩ Quản lý sở hữu trí tuệ tại một trường đại học thuộc top 200 trên thế giới.
Hiện nay, Khoa Khoa học quản lý đang khẩn trương triển khai dự án, phấn đấu đến tháng 6/2019, Khoa sẽ chính thức đào tạo Thạc sĩ Quản lý Sở hữu trí tuệ.