Núp bóng phục hồi môi trường mỏ, rầm rộ nổ mìn khai thác đá trái phép

16/11/2017 08:29
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Mỏ đá đã hết hạn khai thác bị bỏ hoang nhiều năm, gần đây đã bị chính chủ mỏ cũ lấy cớ hoàn nguyên để nổ mìn khai thác đá rầm rộ như một đại công trường.

Ngày 15/11, ông Bùi Văn Vi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), cho biết Phòng Tài nguyên – Môi trường và lực lượng công an huyện đã kiểm tra, phát hiện Công ty cổ phần cung ứng vật tư Tiến Thành có hành vi lợi dụng phục hồi môi trường khai thác đá trái phép tại mỏ Cống Đá 2 (thôn 9, xã Liên Khê).

Rầm rập công trường khai thác đá

Có mặt tại khu vực núi Cống Đá 2 nằm ngay gần khu dân cư thôn 9 xã Liên Khê sáng 13/11, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam chứng kiến hoạt động khai thác đá ở đây như một đại công trường.

Lấy cớ phục hồi môi trường để khai thác đá trái phép tại núi Cống Đá 2
Lấy cớ phục hồi môi trường để khai thác đá trái phép tại núi Cống Đá 2

Cả quả núi đá đã bị đào khoét ngổn ngang, lòng núi bị khoét rỗng, bao quanh là các vách núi bị khoét nham nhở, lởm chởm đá. Trong lòng núi bị đào khoét, hai chiếc máy xúc cùng cả đoàn xe ben đang rầm rập hoạt động. Hai chiếc máy xúc công suất lớn liên tục vươn gàu vục xuống chân múc những tảng đá lớn mới khai thác đổ lên thùng xe ben.

Cả đoàn vài chiếc xe ben nối đuôi nhau vào chờ máy xúc bốc đá lên thùng. Chiếc này đầy lại rầm rầm nổ máy chạy ra, cho chiếc khác ghé vào thế chân. Những chiếc xe ben chở đá từ trong núi Cống Đá 2 theo con đường đất mấp mô chạy ra một bãi tập kết cách đó vài trăm mét. Nhiều chuyến xe ben thì chạy thẳng theo con đường đất ra ngoài.

Núp bóng phục hồi môi trường mỏ, rầm rộ nổ mìn khai thác đá trái phép ảnh 2Cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi

Theo tìm hiểu, núi Cống Đá 2 vốn trước đây là khu vực mỏ đá được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng cấp phép cho Công ty cổ phần cung ứng vật tư Tiến Thành (trụ sở ở xã Liên Khê) khai thác. Tuy nhiên, giấy phép khai thác của doanh nghiệp này đã hết hạn từ năm 2013. Sau khi hết phép, khu vực mỏ đá này bị bỏ hoang, lòng núi bị đào khoét tan hoang.

Nhưng hơn hai tháng nay, tại khu vực này này bỗng xuất hiện một số đối tượng công khai đưa phương tiện máy móc tới khai thác đá một cách rầm rộ.

Trưa 12/11, có mặt tại đây, phóng viên đã chứng kiến hoạt động nổ mìn khai thác đá hết sức rầm rộ. Sau tiếng nổ lớn, mặt đất rùng rùng, đất đá rơi ào ào, bụi tung mù mịt.

Nổ mìn khai thác đá trái phép tại núi Cống Đá 2 (ảnh chụp trưa 12/11)
Nổ mìn khai thác đá trái phép tại núi Cống Đá 2 (ảnh chụp trưa 12/11)

Ông N.V.Đ., một người dân sống gần khu vực, cho biết ngày nào tại khu mỏ đá này cũng nổ mìn khai thác đá. “Họ thường nổ mìn vào tầm 11 giờ trưa và 5 giờ chiều. Mỗi khi mìn nổ mặt đất rung bần bật, đất đá rơi rào rào, bụi tung mù mịt” – ông Đ. nói.

Theo ông Đ., đá sau khi khai thác liền được hai chiếc máy xúc đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ. Mỗi ngày có cả trăm khối đá đã được vận chuyển đi tiêu thụ.

Núp bóng hoàn nguyên, khai thác trái phép

Sau khi tiếp nhận thông tin về “công trường” khai thác đá tại khu vực đã hết phép từ phóng viên, ông Bùi Văn Vi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thuỷ Nguyên đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với Công an huyện tiến hành kiểm tra.

Xe chở đá khai thác trái phép từ núi Cống Đá 2 chạy ra ngoàii tiêu thụ
Xe chở đá khai thác trái phép từ núi Cống Đá 2 chạy ra ngoàii tiêu thụ

Ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Thuỷ Nguyên, cho biết chiều 13/1, đoàn kiểm tra đã phát hiện Công ty Tiến Thành có hành vi lợi dụng danh nghĩa phục hồi môi trường đưa phương tiện vào khai thác đá trái phép.

Núp bóng phục hồi môi trường mỏ, rầm rộ nổ mìn khai thác đá trái phép ảnh 5Vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản bị phạt tới 2 tỷ đồng

Theo ông Long, mỏ đá này đã hết hạn, theo quy định phải thực hiện đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường.

Công ty Tiến Thành đã được thành phố Hải Phòng cho phép thực hiện phục hồi môi trường thời hạn 55 ngày bắt đầu từ 5/9, như vậy, đã hết hạn từ cuối tháng 10.

Ông Long cho hay phục hồi môi trường là không được phép nổ mìn mà chỉ cạy gỡ đá, đưa mỏ về trạng thái an toàn, sau đó trồng cây xanh.

Nhưng do ở đó có 3 mom đá có nguy cơ sạt lở nên Hội đồng thẩm định phục hồi môi trường của thành phố Hải Phòng cho phép đánh bạt xuống.

“Nguyên tắc phục hồi môi trường là đá đó phải để nguyên tại chỗ phủ đất lên trồng keo. Nhưng doanh nghiệp đã lợi dụng phục hồi để nổ mìn khai thác đá trái phép đưa ra ngoài”-ông Long nói.

Cơ quan chức năng xác định khu vực tập kết đá khai thác trái phép có hơn 100m3
Cơ quan chức năng xác định khu vực tập kết đá khai thác trái phép có hơn 100m3

Theo ông Long, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện khoảng 100m3 đá khai thác trái phép của doanh nghiệp này được tập kết ra khu vực gần đó chờ tiêu thụ.

Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu các đối tượng khai thác trái phép đưa phương tiện bốc xúc ra khỏi khu vực mỏ.

“Do chủ doanh nghiệp không có mặt nên chúng tôi đã yêu cầu xã gọi chủ doanh nghiệp tới ký biên bản vi phạm. Căn cứ vào đó huyện sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính” – ông Long cho biết. 

ĐỖ HOÀNG